Ngân hàng tới tấp cho vay doanh nghiệp siêu nhỏ

Sự kiện: Kinh Doanh

Trong số 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa, có đến 85-90% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Dù vậy, mới chỉ khoảng 40% đối tượng này dễ dàng tiếp cận vốn nhà băng, cho đến thời gian gần đây, các ngân hàng mới bắt đầu thay đổi quan điểm, rộng “mở hầu bao”.

Nỗi bí bách nhiều năm

Chủ sở hữu DN siêu nhỏ thường có xu hướng vay tín dụng cá nhân để phục vụ mục đích kinh doanh.Với cách này, cửa cho các DN sẽ rộng hơn bởi với cá nhân ngân hàng không quá khắt khe về hồ sơ, thủ tục. Song DN phải chịu thiệt thòi khi khoản vay này không được tính vào chi phí vận hành, được khấu trừ một khoản thuế thu nhập do vay dưới danh nghĩa cá nhân. Trên thực tế, không ít khách hàng thời gian qua “than” gặp khó khi muốn tiếp cận vốn vay ngân hàng để mở rộng hoạt động kinh doanh.

Anh Vũ Huy Cường, hiện đang sở hữu 2 cửa hàng cung cấp dịch vụ làm bánh tại quận Cầu Giấy và quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết: “Sau hơn 2 năm kinh doanh, số lượng khách hàng ngày một tăng lên, tôi dự định mở rộng quy mô cửa hàng không chỉ ở Hà Nội mà còn hướng đến các tỉnh lân cận nhưng lại gặp trở ngại về vấn đề vay vốn”.

Số doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm tỷ lệ 97% trong tổng số doanh nghiệp của Việt Nam. Họ được xác định là động lực tăng trưởng, “xương sống” của nền kinh tế vì sử dụng 50% lao động và góp hơn 40% GDP. Tuy nhiên, đây là khu vực đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại trong tiếp cận các nguồn lực kinh doanh như mặt bằng sản xuất, thị trường, đặc biệt là vấn đề vốn vay.

Theo một chuyên gia kinh tế, với đặc điểm chung là quy mô nhỏ, vòng đời ngắn và đang chưa tạo dựng được niềm tin với các ngân hàng nên các doanh nghiệp siêu nhỏ ít nghĩ đến việc mở rộng kinh doanh, nâng cấp hay cải tiến hệ thống. “Dù thời gian gần đây, tình hình kinh doanh có khởi sắc, nhiều ngân hàng báo lãi lớn, song tỷ lệ nợ xấu thời gian qua cũng tăng theo. Đây là một trong những lý do khiến các ngân hàng thận trọng trong việc “mở hầu bao” cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp trong phân khúc nhỏ và siêu nhỏ”, chuyên gia này nhận định.

Ngân hàng tới tấp cho vay doanh nghiệp siêu nhỏ - 1

Vay vốn ngân hàng, DN nhỏ và siêu nhỏ hết thời gặp khó.

Khảo sát thực tế cũng cho thấy: với quy mô còn nhỏ, đối tượng doanh nghiệp này chưa tạo được sự tin tưởng về năng lực vận hành, khả năng tài chính với ngân hàng.Hiện, doanh nghiệp vẫn cứ bị vướng vào vòng luẩn quẩn “muốn mở rộng thì cần vốn nhưng muốn vay vốn thì lại không dễ vì quy mô nhỏ” mà chưa tìm được lối thoát.

Ngân hàng ồ ạt mở gói vay

Cho đến thời điểm này, một số nhà băng đã  tới tấp “mở hầu bao” đưa ra các gói ưu đãi tín dụng dành riêng cho đối tượng này.

Có thể kể ra hàng loạt  gói tín dụng của các nhà băng như:“Đồng hành cùng doanh nghiệp siêu nhỏ” của BIDV với ưu đãi lãi suất chỉ từ 6,8%/năm. Nhưng ưu đãi này chỉ áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn dưới 12 tháng. Còn ở ACB, sau khi đánh giá, phân loại khách hàng, xác minh tài chính, kế hoạch sử dụng vốn vay hợp lý... doanh nghiệp sẽ được vay tín chấp với lãi suất tùy theo thời điểm và tiềm lực của doanh nghiệp, độ rủi ro của từng khoản vay. Tương tự, các nhà băng như Sacombank, SCB, ABBank, SeaBank, liên tục mở gói vay đột phá.

Mới đây nhất, Techcombank đã tung gói vay giá rẻ với lãi suất hạ từ 0,5%-1% với tổng gói tín dụng lên tới 7.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp xuất khẩu và cá nhân có nhu cầu. Hay tại PVcombank, từ đầu năm 2017 có gói ưu đãi vay “Linh hoạt cấp vốn - Đột phá tăng trưởng”. Với những điều kiện “nới” thực sự, gói vay này  được xem như  một lựa chọn hấp dẫn giúp doanh nghiệp siêu nhỏ không bị tuột mất cơ hội kinh doanh đang có trong tay.

Trao đổi cụ thể về gói vay này, một lãnh đạo của PVcomBank cho hay: với tổng hạn mức gói lên đến 1.500 tỷ đồng, các doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi lãi suất vay vốn từ 7,5%/năm. Đặc biệt, bên cạnh hình thức thế chấp phổ biến là tài sản của chủ doanh nghiệp hay những cá nhân góp vốn, PVcomBank còn cho phép thế chấp tài sản một cách linh hoạt từ người thân của họ với các loại tài sản khác nhau như bất động sản, sổ tiết kiệm, ô tô...

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ thuộc diện khởi nghiệp (Star Up), nếu thành lập mới chưa đủ 12 tháng thường khó đáp ứng các điều kiện vay vốn của các ngân hàng nếu đến PVcomBank, có thể được xem xét tham gia gói vay ưu đãi lãi suất nếu có thời gian hoạt động chỉ từ 6 tháng trên nền tảng phát triển từ hộ kinh doanh.

Bên cạnh việc vay vốn dễ hơn, một chuyên gia tài chính cũng khuyến cáo, DN siêu nhỏ cần cẩn trọng hơn trong việc điều phối, vận hành và đảm bảo duy trì tài chính để chi trả tốt khoản nợ đã vay. “Nhiều DN hoạt động tốt nhưng chưa có kinh nghiệm quản lý dòng tiền, đây là điều các DN nhỏ phải lưu ý để cân đối tài chính vay trả sao cho chủ động”, chuyên gia này nói.

Thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong số 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa, có đến 85-90% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đáng lưu ý trước đây chỉ có khoảng 40% các doanh nghiệp này tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng. Nguyên nhân chủ yếu do tiềm lực tài chính của DN còn yếu, khó cân đối dòng tiền vay trả.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Anh (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN