Ngân hàng "thôn tính" công ty tài chính để làm gì?

Ngân hàng mua công ty tài chính trực thuộc các doanh nghiệp nhà nước sẽ chiếm lĩnh được một thị phần nhất định.

Nghị định 39 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 25-6 cho phép công ty tài chính phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu; thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh, bao thanh toán, phát hành thẻ tín dụng…được cho là các yếu tố tạo nên làn sóng ngân hàng (NH) mua công ty tài chính.

Ngân hàng "thôn tính" công ty tài chính để làm gì? - 1

NH thương mại CP Việt Nam Thịnh vượng mua 100% vốn của Công ty Tài chính than - khoáng sản Việt Nam. Ảnh: Tô Hà

Mở rộng mạng lưới bán lẻ

Động thái mới nhất là cuối tháng 6-2014, NH Nhà nước cho phép NH thương mại CP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) mua 100% vốn của Công ty Tài chính than - khoáng sản Việt Nam. Tại đại hội cổ đông được tổ chức vào tháng 4, NH Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng trình cổ đông kế hoạch mua lại toàn bộ một công ty tài chính.

Trước đó, NH Phát triển TP HCM (HDBank) đã mua 100% vốn Công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF) từ Tập đoàn Tài chính Société Générale của Pháp. Riêng Tổng công ty Tài chính CP Dầu khí Việt Nam (PVFC) hợp nhất với NH Phương tây (WesternBank) để trở thành NH Việt Nam Đại chúng (PVcomBank).

Theo ông Nguyễn Thiện Bảo, nguyên tổng giám đốc PVFC, ngay khi trở thành NH thương mại thì PVcomBank có đủ khả năng cung cấp dịch vụ cho một lượng khách hàng tiềm năng rất lớn là CBCNV của các doanh nghiệp (DN) trực thuộc tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Lãnh đạo một số NH cho biết do việc mở rộng mạng lưới phải đáp ứng mức vốn 300 tỉ đồng/chi nhánh nên một số NH mua các công ty tài chính nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, mở rộng quy mô hoạt động…Đặc biệt, các NH sẽ tận dụng được mảng dịch vụ tài chính cá nhân có sẵn tại các công ty tài chính.

Trong khi đó, không ít chuyên gia lại nhận định sau nhiều năm phát triển nóng, không ít công ty tài chính đã sa sút, nợ xấu của các công ty này chiếm tỉ lệ khá lớn trong tổng nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, các công ty tài chính cũng đã thu hút một lượng vốn lớn của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Đến nay, Chính phủ yêu cầu thoái vốn ngoài ngành, các công ty tài chính được bán cho NH là một giải pháp để DN nhà nước rút vốn.

Nương tựa lẫn nhau

Ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, cho rằng NH mua công ty tài chính là để phát triển mảng bán lẻ vì muốn đưa sản phẩm dịch vụ đến tận tay người dân đòi hỏi NH phải mở rộng mạng lưới hoạt động. Còn ông Rahn Wood, Giám đốc khối bán lẻ NH Quốc tế (VIB), cho rằng nhiều NH quan tâm đến công ty tài chính bởi các công ty này có quy mô vốn khá nhỏ. NH không phải mất một khoản tiền lớn mà vẫn có thể sở hữu một chi nhánh để đẩy mạnh kinh doanh.

Theo giới phân tích, hoạt động của các công ty tài chính chủ yếu là sử dụng vốn của mình để cho vay nội bộ. Đơn cử, Tổng Công ty Khoáng sản - Vinacomin (Vimico) là đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) nhưng Vimico có đến 4 công ty trực thuộc, 13 công ty con và 7 công ty liên danh, liên kết. Vì thế, NH nào mua được công ty tài chính, nhất là những công ty trực thuộc các DN nhà nước sẽ chiếm lĩnh được một thị phần nhất định vì các công ty này đã quá am hiểu nhóm khách hàng nội bộ.

Mặt khác, sau khi mua công ty tài chính, tổng tài sản của NH sẽ tăng lên nhiều, tạo điều kiện cho NH tiếp cận với những khách hàng lớn, cho vay các dự án trọng điểm. Ví dụ năm 2013, PVFC hợp nhất với WesternBank thành PVcomBank đã nâng tổng tài sản của NH này lên 100.000 tỉ đồng. Từ đó, PVcomBank có đủ tiềm lực để duy trì một cách hài hòa chiến lược bán lẻ với hoạt động tài trợ vốn cho các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thy Thơ (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN