Ngân hàng Thế giới: Việt Nam cần phát triển chuỗi giá trị logistics
Ngày 26/6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có buổi làm việc với ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam để tổ chức quốc tế này tham vấn cho Chính phủ trong việc hoạch định chính sách đối với ba lĩnh vực: tạo thuận lợi thương mại, logistics và cơ chế một cửa quốc gia.
Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần có tác động tổng hợp tới chuỗi giá trị Logistics. “Nếu chỉ làm đường cao tốc thôi thì không đủ. Hàng hóa vẫn bị ách tắc ở cửa khẩu, bến cảng thì ý nghĩa về hạ tầng sẽ không đầy đủ. Do đó, tạo thuận lợi thương mại ngoại biên, nâng cao kết nối nội địa- logistics sẽ là rất quan trọng”, ông Sebastian nói.
Phân tích thực trạng ở từng trụ cột, chuyên gia của WB cho biết thời gian tuân thủ thủ tục trước khi thông quan chiếm tới 76% tổng thời gian nhập khẩu hàng hóa, trong đó thời gian xếp dỡ hàng hóa chiếm tới 1/3. Thêm vào đó, 72% các biện pháp thủ tục hành chính nằm ở 3 bộ là: Công Thương, NN&PTNT, Y tế nên nỗ lực của các Bộ này sẽ là đáng kể trong cải thiện năng lực quốc gia.
Phó thủ tướng làm việc với các chuyên gia WB tại Việt Nam
Cũng theo tính toán của WB trong năm 2016, có 60% hàng hóa thông quan qua “Luồng Xanh” với 10 triệu tờ khai hải quan chứng tỏ doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ tốt quy định nhưng lại chịu giám sát của 346 văn bản quy phạm pháp luật nên dễ phát sinh vi phạm. Hàng hóa qua “Luồng Vàng” chiếm 34,8% là quá cao so với các nước khác. Còn hàng hóa qua “Luồng Đỏ” chiếm 5,3% đã giảm so với trước nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần đánh giá kỹ.
Dẫn số liệu của Bộ Công Thương dự báo trong giai đoạn 2016- 2020, nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng vận tải khoảng 24 tỷ USD nhưng Nhà nước chỉ có thể đáp ứng được 8 tỷ USD, phía WB đề nghị Chính phủ phải huy động vốn tư nhân, tín dụng thương mại để “lấp chỗ trống” và quan trọng hơn là nâng cao hiệu quả vận hành hạ tầng với sự tham gia của khu vực tư nhân.
WB cũng chỉ ra thực trạng về năng lực, quy mô các nhà cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam hiện nay có tới 41% doanh nghiệp nhỏ với trình độ, năng lực cần được cải thiện và áp dụng công nghệ trong lĩnh vực này vẫn còn hạn chế. 35% số lượng xe vận chuyển không tải (năm 2010) và các dịch vụ môi giới xe không tải rất kém.
“Phải có thống kê đáng tin cậy cho logistics để Nhà nước hoạch định chính sách và khu vực tư nhân xây dựng chiến lược kinh doanh của mình”, chuyên gia WB khuyến cáo khi nhìn nhận Việt Nam có nhiều cơ hội để tiếp tục phát triển các nhà dịch vụ logistics trung gian.
Đánh giá cao báo cáo và các khuyến nghị của WB, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ Việt Nam hiện nay nhằm hướng tới các tiêu chuẩn và thông lệ của khu vực, quốc tế, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo Chính phủ, trong lĩnh vực vận tải, Việt Nam đang tập trung vào đường bộ, đường sắt theo trục Bắc- Nam chứ chưa quan tâm tới kết nối Đông- Tây và vận tải ven biển và đề nghị: “WB nghiên cứu vấn đề này không chỉ trong phạm vi Việt Nam mà gắn với cả các tác động của khu vực, quốc tế khi giải quyết vấn đề này”.
Về nguồn lực thực hiện, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ kêu gọi tư nhân tham gia hợp tác theo hình thức đối tác công- tư (PPP) ở cả việc phát triển hạ tầng và trong cả kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
“Các Bộ chỉ tập trung xây dựng quy trình, thủ tục, thể chế còn đầu tư trang thiết bị kiểm soát hàng hóa thì nên để tư nhân làm, chứ hiện nay Bộ nào cũng thích tự mình kiểm tra, đầu tư nhiều tiền bạc cho thiết bị nhưng cuối cùng làm việc thiếu khách quan”, Phó thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng hoan nghênh WB hỗ trợ nguồn lực cho Việt Nam trong thực hiện chính sách và là hướng ưu tiên trong sử dụng ODA của Việt Nam, đồng thời giao Bộ Tài chính làm việc cụ thể hơn về thể thức, nội dung và việc sử dụng hiệu quả khoản vay này.