Ngân hàng tăng phí ATM – Chỉ còn là vấn đề thời gian

Các Ngân hàng sẽ không tăng phí ATM nội mạng kể từ ngày 15/7 như đã thông báo. Tuy nhiên đây chỉ là “ tạm hoãn” chứ không dừng.

Khi làn sóng phản đối của người dân về việc 4 “ông lớn” ngân hàng Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV đồng loạt thông báo tăng phí rút tiền nội mạng ATM tháng 5 vừa qua chưa kịp nguôi thì mới đây, ngày 7/7, 4 ngân hàng này lại thông báo tăng phí rút tiền nội mạng  ATM từ 1.100đ ( đã bao gồm VAT) lên 1.650đ ( đã bao gồm VAT) kể từ ngày 15/7. Một lần nữa, động thái này vấp phải phản ứng gay gắt từ phía dư luận. Ngay lập tức,  Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã yêu cầu 4 ngân hàng tạm ngừng việc tăng phí.

Theo NHNN, trước một quyết định tăng phí các ngân hàng cần thời gian để giải thích rõ cho người dùng về mức phí như thế nào là phù hợp và tại sao lại tăng. NHNN luôn nhất quán nguyên tắc việc tăng phí là quyền tự chủ của các Ngân hàng thương mại (NHTM) theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên cần phải đảm bảo nguyên tắc minh bạch thông tin và hài hòa về lợi ích giữa bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ. Bên cạnh đó NHTM cũng phải đảm bảo chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng.

Theo chị Vũ Thủy Trang, nhân viên kinh doanh của một Tổ chức giáo dục, phí ngân hàng ngày một tăng trong khi chất lượng dịch vụ không những không tăng mà còn giảm. Chị cho rằng, việc tăng phí vẫn sẽ được chấp nhận nhưng đồng nghĩa với việc chất lượng dịch vụ phải tăng cao.

Thẻ ATM “cõng” nhiều loại phí, người dân “còng lưng”

Thông thường, thẻ ghi nợ nội địa (ATM) sẽ có 6 loại phí cơ bản, bao gồm: phí phát hành thẻ, phí thường niên, phí rút tiền mặt, phí chuyển khoản, vấn tin tài khoản, in sao kê. Tuy nhiên, chỉ có 2 loại phí cố định là phí phát hành thẻ và phí thường niên. Phí phát hành thẻ được ngân hàng thu một lần khi phát hành thẻ, còn phí thường niên thường được thu hàng năm. Các loại phí còn lại khách hàng sẽ phải trả khi có phát sinh giao dịch.

Trao đổi với PV, anh Đức Anh, nhân viên một công ty XNK bày tỏ: "Tôi không ủng hộ nhà băng tăng phí. Lượng tiền nằm trong tài khoản của toàn bộ khách hàng cộng lại là rất lớn. Tuy nhiên ngân hàng chỉ phải trả khoản tiền lãi rất thấp, chưa kể đến việc chúng tôi phải bỏ ra mức phí từ 50.000đ-100.000đ để duy trì tài khoản, phí thường niên và rất nhiều loại phí khác. Nếu kể đến khoản này thì ngân hàng dư sức để bù đắp chi phí. Chưa kể đến việc, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp trả lương qua tài khoản, vậy khác gì mồ hôi công sức của chúng tôi bỏ ra cũng “ cõng” thêm phí”.

Ngân hàng tăng phí ATM – Chỉ còn là vấn đề thời gian - 1

Các ngân hàng liên tục tăng phí thẻ ATM, gánh nặng đè lên vai người dùng

Tăng phí là câu chuyện “một sớm một chiều”

Trong bối cảnh NHNN áp room tín dụng, các ngân hàng đều “đau đầu” trong việc tìm ra giải pháp tăng doanh thu. Cải thiện phí dịch vụ được coi là giải pháp hợp lý.

Theo thông tư 35/2012/TT-NHNN quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa (ATM) có hiệu lực từ ngày 01/03/2013, mức trần mà NHNN đưa ra là 3.300đ (đã bao gồm VAT) nhưng hiện nay các ngân hàng vẫn đang duy trì mức 1.100đ/giao dịch (đã bao gồm VAT), chỉ bằng 1/3 mức trần. Vì vậy, việc các ngân hàng thương mại tăng phí vẫn đảm bảo không “vượt đèn đỏ”.

Ngân hàng tăng phí ATM – Chỉ còn là vấn đề thời gian - 2

Việc tăng phí là câu chuyện “một sớm một chiều”

Theo chuyên gia tài chính – ngân hàng Đinh Trọng Thịnh, hiện nay mức phí ATM của Việt Nam so với các ngân hàng trên thế giới  không phải là cao, tuy nhiên người dân Việt Nam vẫn chưa quen, chưa chịu chấp nhận tăng phí. Vì vậy các ngân hàng cần nghiên cứu để có lộ trình tăng phí phù hợp.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng đưa ra nhận định rằng nếu các ngân hàng không áp mức phí cao hơn mức tối đa thì họ đã làm đúng quy định. Nhưng vấn đề là ở khách hàng, liệu họ có hiểu được rằng việc tăng phí là phù hợp hay không.

Về phía các ngân hàng, họ cho rằng, việc tăng phí vẫn không thể bù đắp được chi phí, do ngân hàng phải gồng gánh hàng chục thứ phí. Riêng phí đầu tư máy móc đã chiếm khoảng 400-600 triệu đồng cho mỗi máy. Chưa kể các ngân hàng phải chi trả chi phí lắp đặt, bảo dưỡng, bảo trì, an ninh…

Ở nước ta hiện nay, có đến 97% giao dịch trên thẻ ATM là rút tiền mặt, dẫn đến cây ATM bị quá tải và xuống cấp nhanh chóng. Phần lớn các khách hàng không để nhiều số dư trên thẻ, nếu có thì thời gian rất ngắn và số dư không nhiều nên không những không bù đắp được chi phí mà còn gây thâm hụt cho ngân hàng. Ngoài ra, theo các ngân hàng, việc tăng phí không chỉ để bù đắp chi phí mà còn nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Do đó, vấn đề tăng phí rút tiền nội mạng ATM chỉ còn là vấn đề thời gian.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Vân ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN