Ngân hàng siết nợ chung cư: Hoang mang câu hỏi "có bị đuổi ra đường?"

Với việc VAMC yêu cầu chủ đầu tư Trung Đông Plaza bàn giao tài sản đảm bảo là chung cư này để xử lý khoản nợ hơn 82 tỷ đồng, nhiều cư dân tại đây rất hoang mang vì không biết họ có bị đẩy ra đường hay không?

Chủ đầu tư "né tránh" cư dân

Ngày 5/11, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) có thông báo đến Công ty tư vấn đầu tư và phát triển Trung Đông (Công ty Trung Đông), chủ đầu tư chung cư Trung Đông Plaza, quận Tân Phú, TP.HCM, về việc yêu cầu bàn giao tài sản đảm bảo để xử lý khoản nợ hơn 82 tỷ đồng. 

Theo VAMC, tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty Trung Đông bao gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là chung cư Trung Đông Plaza. Chung cư có diện tích xây dựng gần 14.000m2, với quy mô 120 căn hộ. 

Trường hợp đến ngày 1/12/2018, Công ty Trung Đông không bàn giao tài sản đảm bảo thì VAMC sẽ tiến hành thu giữ toàn bộ tài sản, tức chung cư Trung Đông Plaza, để xử lý, thu hồi nợ. 

Ngân hàng siết nợ chung cư: Hoang mang câu hỏi "có bị đuổi ra đường?" - 1

Cư dân Trung Đông Plaza hoang mang trước thông tin chung cư bị siết nợ.

Thông tin chung cư Trung Đông Plaza bị VAMC ra thông báo xiết nợ khiến cho cư dân tại đây rất hoang mang.

Trao đổi với PV Infonet, một cư dân tại chung cư cho biết, cách đây vài ngày, cư dân đã râm ran chuyện chung cư bị siết nợ. 

Theo cư dân này, Trung Đông Plaza bàn giao nhà từ năm 2013. Tất cả người mua đều ký hợp đồng mua bán căn hộ với chủ đầu tư. Đến nay phần lớn cư dân đã thanh toán đến 95% giá trị hợp đồng, chỉ còn 5% chờ làm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng). 

Tuy bàn giao nhà đã lâu nhưng chủ đầu tư, tức Công ty Trung Đông, không đoái hoài gì đến việc cấp sổ hồng cho cư dân. Theo các cư dân, họ không liên hệ được với chủ đầu tư vì công ty này thay đổi địa điểm liên tục. 

Ngân hàng siết nợ chung cư: Hoang mang câu hỏi "có bị đuổi ra đường?" - 2

Bàn giao nhà từ năm 2013 nhưng chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao quỹ bảo trì cho ban quản trị. 

Gần đây, cư dân phát hiện Công ty Trung Đông đã thế chấp chung cư Trung Đông Plaza cho Ngân hàng TMCP Kiên Long. Sau đó, ngân hàng đã bán khoản nợ này cho VAMC. 

Một thành viên trong ban quản trị chung cư Trung Đông Plaza cho biết, từ khi ban quản trị được thành lập cho đến nay, chủ đầu tư tránh né việc bàn giao phí bảo trì. Ban quản trị yêu cầu chủ đầu tư đối chiếu số liệu tiền quỹ bảo trì để bàn giao, nhưng doanh nghiệp không thực hiện. 

“Ngoài việc chưa có sổ hồng thì quỹ bảo trì là vấn đề cư dân tại Trung Đông Plaza bức xúc nhất. Theo ước tính, số tiền này hơn 2 tỷ đồng nhưng chủ đầu tư không chịu bàn giao, nhiều lần né tránh”, thành viên ban quản trị chung cư nói. 

Bán dự án đã thế chấp, chủ đầu tư có phạm luật?

Trước đó, vào tháng 5/2016,  hàng trăm cư dân chung cư The Harmona (quận Tân Bình) đứng ngồi không yên khi nhận được thông báo siết nợ của Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam – Chi nhánh Bắc Sài Gòn (BIDV Bắc Sài Gòn). 

Thông báo của BIDV Bắc Sài Gòn cho biết, tháng 11/2011, Công ty CP Vật tư xuất nhập khẩu Tân Bình (Tamexim) đã thế chấp quyền sử dụng đất và dự án The Harmona để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho đối tác triển khai dự án là Công ty CP Thanh Niên. 

Khoản vay đã quá hạn thanh toán và mặc dù BIDV Bắc Sài Gòn đã tạo điều kiện nhưng Công ty CP Thanh Niên không thanh toán như cam kết. Do vậy, ngân hàng đã tiến hành xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ. 

Ngân hàng siết nợ chung cư: Hoang mang câu hỏi "có bị đuổi ra đường?" - 3

Hàng trăm cư dân chung cư The Harmona từng "đứng ngồi không yên" vì bị thông báo siết nợ. 

Vụ việc tương tự cũng xảy ra tại chung cư The Rubyland, quận Tân Phú, TP.HCM. Chung cư này do Công ty cổ phần Tân Hoàng Thắng (Công ty Tân Hoàng Thắng) làm chủ đầu tư. Sinh sống gần chục năm qua nhưng hàng trăm hộ dân tại chung cư The Rubyland không được cấp sổ hồng. 

Nguyên nhân bởi Công ty Tân Hoàng Thắng đã thế chấp chung cư cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) từ năm 2009 cho khoản vay 247 tỷ đồng. Cũng thời gian này, Công ty Tân Hoàng Thắng bán căn hộ tại The Rubyland cho khách hàng. 

Tuy SCB đã đưa ra nhiều phương án “ưu ái” để Công ty Tân Hoàng Thắng giải quyết nợ như không tính lãi, lãi phạt mà chỉ thu hồi nợ gốc nhưng chủ đầu tư The Rubyland vẫn không có động thái hợp tác.

Theo Luật sư Trần Mai Hạnh (Công ty Luật DC Counsel), chủ đầu tư có hành vi đem tài sản đã thế chấp tại ngân hàng bán cho cư dân là có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi tài sản đã thế chấp không còn là sở hữu của chủ đầu tư.

“Việc bán tài sản cho khách hàng mà không có sự đồng ý của ngân hàng là hành vi vi phạm pháp luật. Vì một tài sản không thể vừa thế chấp cho ngân hàng, vừa bán cho người khác.

Hành vi gian dối ở đây là khá rõ nhưng để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải chứng minh cho được hành vi gian dối đó nhằm vào mục đích chiếm đoạt tài sản của người mua”, Luật sư Hạnh nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Anh Linh ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN