Ngân hàng: Sáp nhập hay là chết?

NHNN sẽ tạo điều kiện thúc đẩy nhanh các phương án sáp nhập, hợp nhất, mua lại các tổ chức tín dụng trên cơ sở tự nguyện và đúng quy định.

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ra chủ trương sẽ yêu cầu sáp nhập, hợp nhất các NH để thực hiện yêu cầu tái cấu trúc thì hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trở nên sôi động với rất nhiều dự báo NH nào sẽ về với NH nào. Ngay những ngày đầu năm 2015, trên thị trường đã xuất hiện thông tin Nam A Bank có ý muốn sáp nhập vào một NH khác. Kế đến là thông tin Vietcombank có thể sáp nhập Saigonbank, dù thông tin này vẫn chưa được hai bên xác nhận. Ngoài ra, một số thương vụ trong năm 2014 được đồn đoán nhưng chưa thực hiện thành công, trong đó VietinBank - PGBank, Sacombank - SouthernBank, Maritime Bank - MDB tiếp tục là các vụ sáp nhập trong năm 2015.

Chúng tôi ghi nhận các ý kiến liên quan của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và các chuyên gia.

Khơi thông dòng vốn tín dụng, xử lý nợ xấu

Ngân hàng: Sáp nhập hay là chết? - 1

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồn

Năm 2015, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, đảm bảo thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Để đạt được mục tiêu tỉ lệ nợ xấu đến cuối năm 2015 ở mức khoảng 3% mà Chính phủ đặt ra, NHNN tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các TCTD theo hướng: Tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu, nhất là quy định về mua, bán, xử lý nợ, tài sản bảo đảm, trách nhiệm của người đi vay và quyền hạn của chủ nợ. Đáng lưu ý là phát huy vai trò của Công ty Mua bán tài sản - VAMC, trong đó có việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường; phát triển mạnh thị trường mua bán nợ, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua bán nợ xấu.

Năm 2015, NHNN sẽ tập trung tạo điều kiện thúc đẩy nhanh các phương án sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD trên cơ sở tự nguyện và đúng quy định pháp luật.

Đặc biệt, chú trọng nâng cao vai trò chủ đạo của các NHTM nhà nước thông qua việc các NHTM này tham gia tích cực vào quá trình sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD khác. Từ đó xử lý được tình trạng sở hữu chéo để hình thành một số TCTD có quy mô lớn, khả năng cạnh tranh cao.

Ngân hàng: Sáp nhập hay là chết? - 2

Nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Cao Sĩ Kiêm cho rằng các ngân hàng sáp nhập trong năm nay là một tín hiệu rõ hơn trong việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Ảnh minh họa: HTD

Sáp nhập để mạnh hơn là bước đi đúng

Ngân hàng: Sáp nhập hay là chết? - 3

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm

Việc các NH sáp nhập trong năm nay là một tín hiệu rõ hơn trong việc tái cấu trúc hệ thống NH. Việc sáp nhập này có thể thực hiện theo hình thức tự nguyện; hoặc theo gợi ý của NHNN, các NH này sắp xếp lại. Hoặc trong một thời gian, các NH không đảm bảo các tiêu chí vốn điều lệ để tạo nên sức mạnh thì buộc phải ghép vào một NH khác mạnh hơn hoặc chỉ định sắp xếp với nhau. Bước đi này là đúng nhằm nâng chất lượng của hệ thống NH lên, nâng sức mạnh lên để vốn các NH tăng lên ít nhất là 10.000 tỉ đồng. Qua đó có điều kiện tăng trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật tốt hơn, chọn lựa nhân sự tốt hơn để phục vụ cho khách hàng.

Năm vừa rồi chúng ta thực hiện tái cấu trúc nhưng chưa có NH nào tính đến chuyện phá sản, giải thể. Vì vậy việc NHNN tính đến phương án này để thực hiện tái cấu trúc hệ thống NH trong năm nay là một giải pháp mạnh và cần thiết. Trong quá trình sắp xếp, củng cố hệ thống NH, các NH không sáp nhập được với nhau, đến nước cuối cùng mà một số NH không đủ tiêu chí để hoạt động làm ảnh hưởng đến cả hệ thống thì buộc phải giải thể. Đây là biện pháp cần thiết vì NH cũng là doanh nghiệp. Doanh nghiệp phá sản được thì không lý gì NH không phá sản, không giải thể được. Hơn nữa, việc giải thể, phá sản là chuyện tự nhiên của thị trường.

Việc Chính phủ đề ra mục tiêu đưa mức nợ xấu còn 3% trong năm nay là khả thi nhưng phải có điều kiện phải bán được số nợ xấu ấy. Các NH thương mại phải trích quỹ dự phòng rủi ro một cách nghiêm túc thì hoàn toàn có thể thực hiện được. Việc sắp xếp các NH được thực hiện tốt cũng là điều kiện giúp giảm nợ xấu.

Còn Công ty VAMC chỉ làm nhiệm vụ gật nợ xấu có tài sản thế chấp bán lại cho người khác giúp giảm tỉ lệ nợ xấu của các NH xuống. Một khi nợ xấu không bán được vẫn nằm ở VAMC thì vẫn còn khả năng nợ xấu trả về cho NH kia thì xem như nợ xấu vẫn đang tồn tại. Cho nên cái khó hiện nay vẫn là làm sao bán được nợ xấu đi. Vì bán ra cho nhà đầu tư trong nước rất ít người mua. Còn nhà đầu tư nước ngoài họ cần mua thì pháp lý chưa đảm bảo các điều kiện cho họ mua như đối với tài sản thế chấp cần có sự minh bạch, cơ chế về đất đai… Cho nên muốn giải quyết vấn đề nợ xấu phải thực hiện đồng bộ nhiều vấn đề.

Tái cơ cấu để còn 20-30 ngân hàng chất lượng

Việc NHNN đưa ra những thông điệp mạnh mẽ trong tái cơ cấu hệ thống NH cho năm 2015 là điều đáng ghi nhận và phù hợp với lộ trình cơ cấu lại các NH yếu kém.

Hai năm qua, với mục tiêu làm ổn định hệ thống NH, không để NH nào đổ vỡ, một số NH đã được hợp nhất, sáp nhập, rút gọn hệ thống. Tuy nhiên, năm 2015 là năm có tính chất quyết định không chỉ tái cơ cấu NH mà còn cả các DNNN nên buộc NHNN phải có những hành động quyết liệt hơn. NH yếu kém tồn tại quá lâu nên buộc NHNN phải tính toán, cân nhắc trong tái cơ cấu nhằm đưa số lượng NH có chất lượng về mức 20-30 NH. Do vậy, việc NHNN chọn phương án để các NH yếu kém sáp nhập với các NHTM quốc doanh là thích hợp với bối cảnh hiện nay. NHTM nhà nước đứng ra gánh những NH yếu kém sẽ giúp hệ thống lành mạnh hơn. Các NH bổ sung cho nhau cùng phát triển, sắp xếp lại nhân sự, chi nhánh không hiệu quả. Song liệu những thông điệp đầu năm của NHNN về tái cơ cấu NH có thành công hay không thì còn phải chờ vào hành động thực tế.

Chuyên gia ngân hàng BÙI KIẾN THÀNH

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà Phương - Thu Hằng (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN