Ngân hàng phá sản, quyền lợi người gửi tiền ở đâu?

75 triệu đồng là số tiền dự kiến chi trả cho người gửi tiền trong trường hợp ngân hàng phá sản.

Phương án cho phá sản ngân hàng đã chính thức được đưa vào dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. Dự luật này đang được Quốc hội bàn thảo. Theo đó, các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt nhưng không thực hiện được các phương án phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, bán toàn bộ vốn điều lệ, cũng không đủ điều kiện giải thể theo quy định của pháp luật thì phải thực hiện phương án phá sản.

Nhiều chuyên gia đánh giá quy định về phá sản ngân hàng là giải pháp mang tính đột phá, một bước tiến lớn nếu so với chủ trương không để bất cứ ngân hàng nào phá sản như trước đây. Nếu áp dụng giải pháp này sẽ dần loại bỏ những ngân hàng yếu nhằm bảo vệ người gửi tiền và an toàn hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, nội dung tại dự thảo còn khiến nhiều người băn khoăn, nhất là quy định khi ngân hàng phá sản, người gửi tiền chỉ được bồi thường 75 triệu đồng.

Coi chừng người dân đổ tiền mua đôla, vàng

Bà Trần Thị Huệ, nhà ở quận Bình Thạnh, TP.HCM cho biết hiện nay bà đang gửi 450 triệu đồng tại một ngân hàng. Bà tỏ ra khá lo lắng khi biết dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng quy định người gửi tiền chỉ được bồi thường 75 triệu đồng khi ngân hàng giải thể.

Bà Huệ nói: “Trước đây, bảo hiểm tiền gửi đền bù 25 triệu đồng, nay nâng lên 75 triệu đồng mà không cần biết số tiền gửi là bao nhiêu. Dù mức bồi thường đã được nâng lên nhưng vẫn quá thấp”.

Nỗi lo của bà Huệ cũng là nỗi lo chung của nhiều người đang gửi tiền tại ngân hàng. Bởi với rất nhiều người, tích góp cả một đời gửi vào ngân hàng mà bồi thường ít ỏi như vậy thì dân “thua toàn tập”. Hơn nữa, nếu gửi vài trăm triệu hay vài tỉ, khi ngân hàng phá sản chỉ bồi thường 75 triệu đồng là không công bằng.

“Tiền tiết kiệm là mồ hôi, nước mắt của người dân đã ủy thác, tin tưởng gửi vào ngân hàng mà bồi thường như vậy thì làm sao dân còn lòng tin. Nếu tôi gửi 1 tỉ đồng mà chỉ lấy về được 75 triệu đồng thì thà tôi đem mua vàng, mua đôla còn tốt hơn” - anh Lê Minh, nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM bày tỏ quan điểm.

Ngân hàng phá sản, quyền lợi người gửi tiền ở đâu? - 1

Tiền tiết kiệm là mồ hôi, nước mắt của người dân đã ủy thác, tin tưởng gửi vào ngân hàng.  Trong ảnh: Khách hàng đang giao dịch tại một ngân hàng ở TP.HCM. Ảnh: THÙY LINH

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế Hiệp hội Ngân hàng, nhận định nếu có ngân hàng bê bết nên cho phá sản. “Việc phá sản ngân hàng thực sự quá yếu kém là cần thiết. Đã kinh tế thị trường hãy để cho thị trường quyết định, anh yếu kém thì phải phá sản để làm trong sạch hệ thống. Không thể để người dân không biết đâu là ngân hàng mạnh, đâu là ngân hàng đang yếu kém” - ông Đức nói.

Tuy nhiên, ông Đức băn khoăn rằng người gửi vài trăm triệu đồng trở lên chỉ được bảo hiểm chi trả 75 triệu đồng là rất vô lý. Nếu xảy ra tình huống này, người dân sẽ không an tâm, bất lợi cho hệ thống ngân hàng.

TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nói qua khảo sát thực tế cho thấy trong những lúc tiền nhàn rỗi chưa biết đầu tư vào đâu, có người gửi vào ngân hàng số tiền lên tới 110 tỉ đồng và số lượng người gửi tiền tiết kiệm khoảng 70-80 tỉ đồng cũng rất đông. Vậy mà đưa tiền vào ngân hàng đến khi ngân hàng phá sản chỉ được bảo lãnh 75 triệu đồng là không ổn.

“Điều này có thể dẫn tới việc người dân sẽ đi mua vàng và mua ngoại tệ về cất trong két sắt, trong khi đó chúng ta đang trong tình trạng khan hiếm vốn” - ông Nghĩa nhấn mạnh.

Tạo dựng lòng tin cho người gửi tiền

Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Lê Xuân Nghĩa đề xuất nếu bắt buộc phải cho phá sản ngân hàng thì phải có những quy định chặt chẽ. Ví dụ trong những trường hợp cần thiết, Chính phủ phải bảo hiểm 100% cho tiền gửi của người dân. “Đối với ngân hàng, liên quan đến tiền bạc, lòng tin là yếu tố quan trọng nhất. Mất lòng tin là khó có thể khôi phục được” - ông Nghĩa bình luận.

Nên cho phá sản

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho rằng đã là doanh nghiệp khi kinh doanh thì có thể thành công, có thể thất bại. “Nếu không may rơi vào trường hợp thất bại thì nên cho phá sản nhưng vấn đề là phải làm sao không để lại di chứng cho xã hội, người gửi tiền và cho nền kinh tế. Đó mới là điều quan trọng” - vị tổng giám đốc bày tỏ.

Ông Nghĩa dẫn chứng, năm 2008, một số nước châu Âu đã chuyển từ bảo hiểm một phần sang bảo hiểm toàn bộ. Tức là chính phủ, ngân hàng trung ương đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người gửi tiền và lòng tin cho dân chúng.

Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng để tránh tâm lý dây chuyền khi ngân hàng phá sản, Nhà nước phải hỗ trợ người dân, người gửi tiền tiết kiệm. Đồng thời đặt ra lộ trình cho phá sản ngân hàng, cân nhắc tuyên bố với người gửi tiền ở ngân hàng đó rằng sẽ cam kết trả đủ theo kế hoạch phù hợp với việc thu nợ, khi đó dân sẽ yên tâm hơn. Bên cạnh đó, phân loại khách hàng để có mức độ hỗ trợ phù hợp.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam hiện khoảng 45 triệu đồng. Do vậy hạn mức bảo hiểm tiền gửi cần nâng lên gấp bốn lần thu nhập bình quân của người dân, tức là khoảng 200 triệu đồng thay vì 75 triệu đồng như dự thảo mới hợp lý.

Về phía người gửi tiền, các chuyên gia khuyến nghị từ nay sẽ phải cân nhắc, lựa chọn kỹ hơn ngân hàng mà mình muốn gửi tiền vào. Thay vì chỉ gửi tiền vào các ngân hàng có mức lãi suất cao, nay nên tìm hiểu ngân hàng nào thực sự có uy tín, an toàn để gửi gắm.

Phá sản ngân hàng là biện pháp cuối cùng

Giải trình về những băn khoăn của các đại biểu Quốc hội về quyền lợi người gửi tiền khi ngân hàng phá sản, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nói việc phá sản tổ chức tín dụng có thể dẫn đến nguy cơ người gửi tiền rút tiền ồ ạt lan truyền, đe dọa đổ vỡ dây chuyền, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền; ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.

Do đó, cơ quan soạn thảo đã rà soát, nghiên cứu rất kỹ các quy định tại phương án này nhằm bảo đảm sự thận trọng cần thiết. Cụ thể là thẩm quyền quyết định chủ trương và phê duyệt phương án phá sản thuộc Chính phủ. Chủ trương phá sản chỉ xem xét theo nguyên tắc là biện pháp cuối cùng khi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện không thành công các phương án khác như phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc chuyển giao bắt buộc.

“Ngoài ra, để tránh đổ vỡ và gây mất an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm lợi ích của người gửi tiền…, dự thảo luật đã bổ sung quy định Chính phủ có thể quyết định áp dụng việc chi trả vượt hạn mức bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp phá sản tổ chức tín dụng” - Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Linh (Pháp luật TPHCM)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN