Ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu

Tốc độ tăng huy động vốn tại nhiều ngân hàng đang thấp hơn tốc độ tăng tín dụng từ đầu năm đến nay tạo áp lực cho ngân hàng phải huy động thêm nguồn đầu vào.

Theo các chuyên gia, nhiều ngân hàng (NH) đồng loạt phát hành trái phiếu là để huy động vốn nhằm đáp ứng nhu cầu tín dụng tăng cao dịp cuối năm.

Huy động hàng ngàn tỉ đồng

NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa thông qua phương án phát hành 400.000 trái phiếu ra công chúng nhằm huy động 4.000 tỉ đồng, trong đó kỳ hạn 7 năm tối đa 3.000 tỉ đồng và kỳ hạn 10 năm tối đa 1.000 tỉ đồng. Việc phát hành trái phiếu được thực hiện trong tháng 11-12 cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài, không bao gồm các tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài và công ty con của tổ chức tín dụng.

Nguồn vốn huy động được từ việc phát hành trái phiếu năm 2018 sẽ được BIDV sử dụng để bổ sung vào nguồn vốn hoạt động, đáp ứng nhu cầu cho vay bằng VNĐ trong năm nay đối với các dự án trung dài hạn của NH. Cụ thể, BIDV có kế hoạch dùng vốn huy động từ trái phiếu cho vay xây dựng, công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, dịch vụ… Trước đó, NH Nhà nước đã đồng ý cho BIDV được huy động vốn tối đa 20.000 tỉ đồng thông qua phương án phát hành trái phiếu trong năm nay.

Ngân hàng ồ ạt phát hành trái phiếu - 1

BIDV vừa thông qua phương án phát hành 400.000 trái phiếu ra công chúng nhằm huy động 4.000 tỉ đồng Ảnh: TẤN THẠNH

NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng vừa huy động thành công hơn 550 tỉ đồng qua phát hành trái phiếu riêng lẻ với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Trái phiếu của Vietcombank được bán với kỳ hạn 6 năm, lãi suất 7,4%/năm.

Một "ông lớn" khác là NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng phát hành thành công trái phiếu đợt 2 năm 2018, huy động 450 tỉ đồng với lãi suất cố định 6%/năm kỳ hạn 2 năm. Hồi tháng 7-2018, VietinBank cũng thu về hơn 2.435 tỉ đồng từ việc chào bán trái phiếu ra công chúng với thời hạn 10 năm, lãi suất thả nổi theo định kỳ.

Nhiều NH khác cũng chọn phương án huy động nguồn vốn trung dài hạn thông qua phát hành trái phiếu ra công chúng. NH TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) cũng huy động hàng ngàn tỉ đồng qua kênh này. Sau đợt phát hành thành công 5.000 tỉ đồng hồi giữa năm nay, HDBank tiếp tục huy động thêm 1.000 tỉ đồng trái phiếu theo hình thức phát hành riêng lẻ, kỳ hạn 3 năm. Nguồn vốn huy động được giúp NH tăng quy mô vốn hoạt động, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu từ thị trường, doanh nghiệp.

Từ đầu năm đến nay, số lượng phát hành giấy tờ có giá của NH TMCP Quốc Tế (VIB) xấp xỉ 6.000 tỉ đồng, trong đó có khoảng 5.000 tỉ đồng trái phiếu 3 năm. NH này còn dự kiến phát hành 200 triệu USD trái phiếu quốc tế hoặc tương đương 4.500 tỉ đồng.

Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc VIB, cho biết NH kỳ vọng được cấp hạn mức tín dụng 25%-26% cho cả năm nay, đồng thời VIB áp dụng sớm chuẩn mực Basel 2 về mức độ đầy đủ vốn nên cần chủ động nguồn vốn để đáp ứng mọi chỉ số an toàn, bao gồm hệ số an toàn vốn (CAR), tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn… Dù vậy, đến nay do hạn mức tăng trưởng tín dụng chưa được nới thêm và thị trường trái phiếu quốc tế trở nên không thuận lợi nên NH sẽ lùi kế hoạch này vào thời điểm thích hợp hơn.

"Lợi nhuận tăng khả quan và cam kết của các cổ đông trong việc giữ lại phần lớn lợi nhuận đạt được để tái đầu tư vào tăng vốn cho VIB cũng là nguyên nhân NH lùi lại kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế. Hiện NH đang trong quá trình làm thủ tục tăng 1.100 tỉ đồng vốn cấp 1 từ lợi nhuận năm 2018" - ông Vũ nói.

Không lo áp lực lên lãi suất cho vay

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho rằng theo quy định tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm còn 40% từ đầu năm 2019 buộc các NH phải cân đối, cơ cấu lại nguồn vốn. Tốc độ tăng huy động vốn tại nhiều NH đang thấp hơn tốc độ tăng tín dụng từ đầu năm đến nay cũng tạo áp lực cho NH phát hành trái phiếu để có thêm nguồn đầu vào. Muốn có thêm nguồn cho vay trung dài hạn, kênh trái phiếu là một trong những sự lựa chọn.

Việc các NH ồ ạt huy động vốn trung dài hạn qua kênh trái phiếu có tạo áp lực tăng mặt bằng lãi suất trong thời gian tới? TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, phân tích việc các NH phát hành trái phiếu nhằm giải quyết nhu cầu thanh khoản của NH, nhất là thời điểm cuối năm nhu cầu vốn tăng cao. Trái phiếu cũng là những nguồn vốn trung và dài hạn hỗ trợ NH đáp ứng tỉ lệ an toàn vốn.

Dù vậy, động thái phát hành trái phiếu vừa qua của các NH không tác động nhiều đến mặt bằng lãi suất. Lãi suất huy động trung và dài hạn có nhích lên một chút nhưng chỉ mang tính chất tạm thời và chỉ xảy ra tại một số NH chứ không phải toàn thị trường.

"Với lãi suất đầu ra, hệ thống NH phải thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, không để tăng lãi suất cho vay và phấn đấu giữ ổn định mặt bằng lãi suất. Đổi lại, việc tăng lãi suất huy động trung dài hạn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của hệ thống NH. Các NH cần có kế hoạch tiết giảm chi phí, đa dạng hóa hoạt động dịch vụ, tăng nguồn thu thay vì tăng lãi suất cho vay" - TS Cấn Văn Lực nhận xét. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương ([Tên nguồn])
Ngân hàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN