Ngân hàng ồ ạt lên sàn, cảnh giác chiêu trò làm giá cổ phiếu

Hàng loạt ngân hàng (NH) đã “đặt gạch” lên sàn trong năm 2018, giúp nhà đầu tư thêm nhiều cơ hội lựa chọn, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro khi giá cổ phiếu được dự báo đã chạm đỉnh.

Có cổ phiếu ngân hàng tăng giá 60% sau khi lên sàn

Ngày 19/4, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) đã đưa 555 triệu cổ phiếu (CP) của NH TMCP Tiên Phong (TPBank) mã TPB niêm yết. Với giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên 32.000 đồng/cổ phiếu, TPB có vốn hóa chào sàn đạt gần 17.760 tỷ đồng, trở thành NH có vốn hóa nằm trong tốp 10 trên thị trường. Trước đó, HDBank cũng chính thức đưa 882,88 triệu CP trên sàn HoSE hồi tháng 1 năm nay. HoSE cho biết vừa nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của NH TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) hơn 1,1 tỷ CP, tương đương mức vốn điều lệ 11.655,3 tỷ đồng và là NH thứ ba niêm yết kể từ đầu năm tới nay.

Tính đến nay, ngành NH đã có 16/35 đơn vị niêm yết trên hai sàn HoSE và HNX. CP của các NH còn lại đang được giao dịch OTC (trừ 3 NH 0 đồng là CBBank, GPBank, OceanBank và 1 NH bị kiểm soát đặc biệt là NH Đông Á).

Ngân hàng ồ ạt lên sàn, cảnh giác chiêu trò làm giá cổ phiếu - 1

Thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh là cơ hội tốt để nhiều ngân hàng ồ ạt lên sàn - Ảnh: Tạ Tôn

Sau một thời gian trì hoãn, trước diễn biến thuận lợi của thị trường chứng khoán, nhiều NH đã thúc đẩy kế hoạch lên sàn. Lãnh đạo một NH đã có kế hoạch đưa CP niêm yết năm nay tính toán, năm 2017, giá CP trên sàn của một số NH đã tăng 20%, thậm chí một vài CP trong ngành mới chào sàn còn tăng “nóng” hơn 60% so với trước khi niêm yết.

Chủ tịch HĐQT OCB Trịnh Văn Tuấn tại đại hội cổ đông của NH này cuối tháng 3 vừa qua cho biết, đã trình cổ đông kế hoạch niêm yết trên HoSE, chậm nhất cuối quý III hoặc đầu quý IV năm nay. Một số NH như: NamABank, MaritimeBank, SeABank, AnBinhBank, SCB, VietABank cũng nhiều khả năng niêm yết trên UpCoM trong năm nay.

Cảnh giác giá cổ phiếu ngân hàng đã tạo đỉnh

Trong số các NH đã và sẽ trở thành “tân binh” của sàn năm nay, nhiều NH đang có hoạt động kinh doanh khá ấn tượng: HDBank vươn lên như một hiện tượng mới khi lợi nhuận đứng trong top 4 nhóm NH tư nhân; Techcombank nắm vị trí thứ 2 trong nhóm này, chỉ sau VPBank. Hai NH OCB cùng TPBank cũng đều là những “ngôi sao” của nhóm NH nhỏ và vừa. Do đó, các CP của NH này lên sàn là nguồn cung chất lượng cho giới đầu tư lựa chọn.

Hiện, trên sàn chỉ xét riêng yếu tố thị giá, CP nhóm vốn hóa lớn như VCB đang quanh mức 64.000 đồng/CP, CTG 33.500 đồng/CP, BID 39.450 đồng/CP. Ở nhóm giữa, giá CP MBB 32.850 đồng/CP, VPB 61.200 đồng/CP… Hay giá của một số CP NH nhỏ còn ở mức khá thấp: SHB 12.800 đồng/CP, LPB 16.200 đồng/CP, STB 15.450 đồng/CP… CP của hai NH mới lên sàn đầu năm nay là HDB và TPB cũng đang được giao dịch lần lượt là 50.100 đồng/CP và 32.500 đồng/CP. Do đó, nếu NH đưa giá chào sàn CP quá cao sẽ khó thu hút nhà đầu tư và khó cạnh tranh được với những mã NH khác trên sàn.

Tuy nhiên, không thể không tính tới yếu tố giá CP khi thị trường đã trải qua thời gian tăng mạnh, nhóm CP NH cũng tăng vọt trong xu thế là trụ cột của thị trường. Không chỉ tăng mạnh trong năm 2017, giá cổ phiếu NH cũng tăng mạnh kể từ đầu năm 2018 tới nay: VCB tăng gần 20%, ACB tăng hơn 45%, MBB tăng 26%, VPB tăng 41,3%, STB tăng 15,2%, BID tăng 47,2%... Do đó, lo ngại việc giá CP NH đang tạo đỉnh ám ảnh nhiều nhà đầu tư bởi khá nhiều tiền lệ trước đó khi mua vào giá “chát” khi chào sàn và sau đó giá giảm dần.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Maybank KimEng, thời điểm này CP NH đang dẫn dắt thị trường. Do đó, việc NH lên sàn đúng thời điểm có thể đẩy giá CP tăng cao gấp nhiều lần, thậm chí cao hơn nhiều những “ông lớn” đã lên sàn lâu năm. Đơn cử như BacABank là một NH nhỏ nhưng thời điểm lên sàn UPCoM giá CP được giao dịch đến gần 27.000 đồng, gấp khoảng 2 lần giá CP của EIB, SHB, STB và bằng một nửa giá CP của VCB khi đó. Tuy nhiên, Maybank KimEng cho rằng, thuận lợi này chỉ thuộc về NH, về những cổ đông lâu năm và cổ đông muốn làm giá CP. Còn với cổ đông mới, việc mua lại CP của cổ đông khác bán ra kiếm lời sẽ phải chịu gánh nặng thua lỗ lớn khi CP giảm giá.

Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia trong báo cáo về thị trường tài chính mới đây cũng cho biết, giá CP năm 2017 tăng tới 48%, gấp đôi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp (khoảng 26%). Một số CP vốn hóa lớn thậm chí còn tăng “nóng”. Do đó, cơ quan này đã khuyến cao về quy mô cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán do chưa được giám sát đầy đủ.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu trong cuộc họp báo cáo kinh tế quý I/2018 mới đây nhận xét: “Tôi thấy lạ là giá CP NH thời gian qua dẫn dắt thị trường một cách ngạc nhiên mà không thấy ngành NH có đột phá gì”. Dẫn chứng nhiều vụ lùm xùm trong ngành NH như vụ kiện án “đình đám” từ NH Xây dựng, tới NH Dầu khí Toàn cầu, chuyên gia này cho rằng: “Lãnh đạo một số NH có rất nhiều sai sót và vi phạm trầm trọng, dùng NH phục vụ quyền lợi riêng của mình và nhóm lợi ích này đã gây thiệt hại cho người dân và nền kinh tế, song CP NH vẫn không hề hấn gì”. Cũng theo ông Hiếu, có NH làm ăn hiệu quả và tăng trưởng tốt nhưng vẫn cần chỉnh đốn quyết liệt, sửa nhanh và cho phép phá sản NH để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Sơn (Báo Giao thông)
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN