Ngân hàng nói thẳng DN nên phá sản

Dù không mong muốn, các doanh nghiệp khó khăn không thể phục hồi lại hoạt động của mình thì nên lựa chọn giải pháp giải thể hoặc phá sản để rút lui khỏi thị trường. Các doanh nghiệp nên giảm bớt sự lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng, chủ động cơ cấu lại…

Đó là quan điểm của ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (VietBank) khi trao đổi về việc tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay từ âm đến rất thấp.

Ngân hàng ‘khát’ tăng trưởng hơn doanh nghiệp

Ông Hưng lý giải, thị trường không tốt, các doanh nghiệp khó khăn dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp chứ không phải ngược lại. Nếu tiếp tục tài trợ tín dụng không phù hợp cho các doanh nghiệp sẽ làm thị trường xấu hơn, các doanh nghiệp khó khăn hơn.

Ngân hàng nói thẳng DN nên phá sản - 1
Khả năng hoàn trả thấp là nguyên nhân cản trở tăng trưởng tín dụng

"Lãi suất cũng không phải là nguyên nhân cản trở tăng trưởng tín dụng. Khả năng hấp thụ vốn, khả năng hoàn trả thấp là nguyên nhân cản trở tăng trưởng tín dụng", ông Hưng nói.

Theo ông Hưng, trong bối cảnh ảnh hưởng của kinh tế thế giới, bất ổn của kinh tế vĩ mô, việc tăng trưởng tín dụng quá nóng, tập trung vào bất động sản, chứng khoán, cộng với xu hướng đầu tư dàn trải, nặng về quy mô, sử dụng vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn… đã gây ra tình trạng nhiều doanh nghiệp khó khăn, không thể xử lý các tồn tại cũ, không thể phát triển mới, nợ xấu phát sinh. Chưa nói đến việc tăng trưởng, với nhiệm vụ xử lý, thu hồi nợ xấu thì ngay dư nợ hiện nay đang có cũng cần giảm đi.

‘Đối với việc cho vay mới, mục tiêu của cấp tín dụng là tài trợ cho các mục tiêu sử dụng vốn hiệu quả, có khả năng hoàn trả. Do tình hình thị trường, tình hình doanh nghiệp hiện tại, các mục tiêu này rất khó đạt được, các khoản vay đủ điều kiện để cho vay rất ít’ ông Hưng diễn giải.

Các ngân hàng thương mại huy động vốn để cho vay, việc tăng trưởng tín dụng thấp trong khi vốn huy động ứ đọng gây thiệt hại cho chính hệ thống ngân hàng, trước khi gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Xét về lợi ích, các ngân hàng còn “khát khao” tăng trưởng tín dụng hơn là doanh nghiệp. Các ngân hàng cho vay trên cơ sở đánh giá khả năng thu hồi nợ, các điều kiện của khoản vay. Không đủ điều kiện thì không thể cho vay. Yêu cầu của tăng trưởng tín dụng là phải phù hợp và hiệu quả.

Mặc dù vậy, ông Hưng cũng nói thẳng, các doanh nghiệp nên giảm bớt sự lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng, chủ động cơ cấu lại thông qua việc thay đổi chủ sở hữu, kêu gọi thêm vốn chủ sở hữu từ bên trong, bên ngoài, tăng việc sử dụng tín dụng thương mại, kiên quyết cắt lỗ từ hàng tồn kho, các tài sản không sinh lời…

Ăn nhiều rồi thì giờ phải nhả ra

Cũng là người trong cuộc ngành ngân hàng nhưng ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) lại có quan điểm hoàn toàn khác khi nói về vốn cho doanh nghiệp vay.

Theo ông Hưởng, liều thuốc chính hiện nay là kích cầu, cứu nền kinh tế. Phải chấp nhận là nền kinh tế đang suy giảm và đừng để nó vào ngưỡng cửa suy thoái. Muốn cứu thì phải kích cầu chứ không phải là vấn đề lãi suất.

"Tại sao cách đây vài năm lãi suất cao như vậy, 17-25%/năm, DN vẫn vay được, vẫn có lãi? Vì có thị trường. Giờ đã giảm khoảng 6-7%/năm so với hai năm trước những vẫn không vay được. Có phải là vì lãi suất không? Do thị trường" - Ông Hưởng nhấn mạnh.

Ông Hưởng cũng cho biết, lãi suất hạ là một trong những giải pháp nới lỏng tiền tệ, làm mồi cho lạm phát cao trở lại. Nhưng trong điều kiện thực tiễn hiện nay, ông Hưởng lại lo giảm phát hơn, vì nó mới thực sự vùi dập nền kinh tế vốn đang trên bờ vực của mọi bờ vực khó khăn. Chỉ có giảm phát mạnh mới làm tê liệt thực sự các DN vốn đang cuối đường hầm chưa tìm ra lối thoát.

Cũng theo Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank, một thời gian dài ngân sách và ngân hàng đã “ăn” nhiều từ DN thì bây giờ phải có cơ chế “nhả” ra để cứu thượng đế.

"Cứu ở đây không hẳn là cứu ông DN có tiềm năng nhưng đang hấp hối, mà là cứu hàng trăm hàng nghìn người lao động, hay hàng trăm hàng nghìn các hộ dân hay các đầu mối đang gắn kết sản xuất kinh doanh với họ.

Bên cạnh đó, cứu được DN nào cũng có những lợi ích cần xem xét. Họ là những người đã lăn lộn trên thị trường, có nhiều mối quan hệ, nhiều kinh nghiệm, nay va vấp và có cơ hội để đứng dậy, thì họ càng thấm thía, càng đúc rút những sai lầm để tránh đi va vấp, bước vững hơn là những người mới chập chững bước vào. Xét những khía cạnh đó thì đáng cứu" - Ông Hưởng cho biết.

Đối với vấn đề lãi suất, theo Phó chủ tịch Liên Việt, vẫn giảm được nữa nhưng thẩm quyền chủ yếu thuộc về Quốc hội. NHNN đang thực hiện đúng hướng là ưu tiên kiềm chế lạm phát, nhưng nếu hạ lãi suất xuống sâu vượt tầm kiểm soát của Thống đốc thì lạm phát mục tiêu phải được Quốc hội, Chính phủ quyết định, nên không thể muốn hạ lãi suất là được.

"Câu hỏi đặt ra là làm thế nào giải quyết mâu thuân: ngân hàng không đuổi người gửi tiền đi vì lãi suất tiền gửi thấp quá, nhưng vẫn mời được khách hàng vay đến ngân hàng với lãi suất cho vay chấp nhận được. Giải pháp quyết định hữu hiệu nhất không phải hạ lãi suất đến mức nào, mà là Quốc hội, Chính phủ phải kịp thời tung ra các gói kích cầu tạo thị trường cho các DN hoạt động, đồng thời giúp DN giải quyết tồn đọng khó khăn từ “cục máu đông” - nợ xấu!" - Ông Hưởng cho biết. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bích Ngọc (Báo Đất Việt )
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN