Ngân hàng nói gì khi giữ giấy tờ gốc xe trả góp?
Mới đây, thông tin nhiều người mua xe trả góp bị cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt lỗi không có đăng ký gốc gây xôn xao dư luận.
Mua xe trả góp, đăng ký xe bản gốc ngân hàng giữ, khách hàng chỉ được cầm đăng ký có xác nhận ngân hàng
Mới đây, thông tin nhiều người mua xe trả góp bị cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt lỗi không có đăng ký gốc gây xôn xao dư luận. Cục CSGT (Bộ Công an) vừa có văn bản số 2916/C67-P9 ngày 31/5/2017 khẳng định việc xử phạt như trên là hoàn toàn chính xác. Theo nội dung văn bản này: "Đối với những phương tiện thế chấp ngân hàng khi tham gia giao thông thì bên thế chấp (người mua xe) được giữ bản chính giấy chứng nhận đăng ký xe trong thời hạn hợp đồng có hiệu lực theo đúng quy định tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP về giao dịch đảm bảo và công văn số 3851/NHNH-PC ngày 24/5/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.
Trao đổi với PV Xe Giao thông, một nhân viên thuộc ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) cho biết, từ trước đến nay, khi mua xe trả góp tại tất cả các ngân hàng, bao gồm cả MB Bank, đăng ký xe bản gốc sẽ do ngân hàng giữ còn khách hàng sẽ được cấp đăng ký xe bản phô tô có dấu đỏ xác nhận của ngân hàng để đi đường. Tuy nhiên, để được vay mua xe, khách hàng sẽ phải ký giấy đề nghị giữ hộ đăng ký bản gốc.
Tương tự với câu trả lời của nhân viên MB Bank, một nhân viên ngân hàng Tiên Phong (TP Bank) cũng cho biết khi vay mua xe trả góp tại đây, khách hàng cũng chỉ được cầm đăng ký bản phô tô có dấu đỏ xác nhận của ngân hàng, còn đăng ký bản gốc sẽ do ngân hàng giữ. Bên cạnh đó, khách hàng sẽ ký vào biên bản bàn giao đăng ký xe bản gốc lại cho ngân hàng để được vay mua xe trả góp.
Văn bản 3851/NHNN-PC ngày 24/5/2017 yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghiêm túc các quy định về việc thế chấp tài sản
Ngày 24/5/2017, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ra văn bản 3851/NHNN-PC ngày 24/5/2017 yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện nghiêm túc các quy định về việc thế chấp tài sản, nhất là phương tiện giao thông. Theo nội dung văn bản này, bên thế chấp giữ bản chính giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực theo Nghị định 163/2006/NĐ-CP. Tuy nhiên khi được PV Xe Giao thông hỏi về văn bản này, các nhân viên ngân hàng tỏ ra khá ngạc nhiên.
Trao đổi với phóng viên, một số nhân viên tại các ngân hàng có dịch vụ cho vay mua xe trả góp cho rằng, về mặt pháp lý, ngân hàng không sai vì người thế chấp đã ký giấy đề nghị ngân hàng giữ hộ giấy đăng ký xe bản gốc. Như vậy, nếu có sai cũng là khách hàng (người thế chấp) vì đã tự nguyện để ngân hàng cầm đăng ký bản gốc.
Tuy nhiên như Xe Giao thông đã phản ánh, những người vay tiền mua xe trả góp đều cho biết, khách hàng hoàn toàn không được nhân viên ngân hàng tư vấn về việc mình được giữ bản chính giấy đăng ký phương tiện giao thông trong thời hạn hợp đồng thế chấp có hiệu lực theo Nghị định 163/2006/NĐ-CP.