Ngân hàng Nhà nước đóng nhầm vai!

Sau phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên, nhiều bất cập trong việc can thiệp thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước đã bộc lộ.

Sau phiên đấu thầu vàng miếng gây tác dụng ngược làm giá vàng trong nước tăng cao và 24.000 lượng vàng không có người mua, Ngân hàng (NH) Nhà nước đã lên tiếng giải thích. Tuy nhiên, qua vụ việc này, dư luận cho rằng NH Nhà nước chỉ nên đứng ở góc độ quản lý vĩ mô, thay vì “nhảy” vào thị trường vàng như là “người buôn vàng”.

Mục đích bất thành

Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối  - NH Nhà nước, ông Nguyễn Quang Huy, phiên đấu thầu ngày 28-3 quy mô 26.000 lượng vàng là tương đối lớn. Mục tiêu của NH Nhà nước là tăng cung vàng miếng trên thị trường để can thiệp bình ổn thị trường vàng, không nhằm bình ổn giá vàng và đặc biệt là không bù lỗ cho bất cứ đối tượng nào trên thị trường.

Giải thích việc định giá sàn quá cao, NH Nhà nước cho rằng việc xác định mức giá sàn được căn cứ vào nhiều yếu tố, bảo đảm tuân thủ quy định về quản lý dự trữ ngoại hối bởi vàng miếng cơ quan này bán là tài sản của Nhà nước. Mức giá sàn trong phiên đấu thầu phù hợp, sát với giá vàng giao dịch thực tế thời gian qua. Dù mức giá sàn cao hơn giá niêm yết trên thị trường nhưng vẫn có tổ chức đặt mua và trúng thầu.

Dù vậy, chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh đặt vấn đề: Không biết mục tiêu phiên đấu thầu là gì nếu gắn vai trò NH Nhà nước với người kiến tạo thị trường vàng? Nếu xác lập giá cho thị trường thì mức 43,81 triệu đồng/lượng giá sàn lại cao hơn thị trường. Nếu mục tiêu tạo sự liên thông với thế giới, thu hẹp khoảng cách với giá thế giới nhưng giá sàn lại cao hơn thế giới 3 triệu đồng/lượng, chẳng khác nào NH Nhà nước công nhận mức chênh lệch này là hợp lý, vì cơ quan này quyết định giá vàng?...

Về diễn biến thị trường, “nhờ” phiên đấu thầu này giá vàng trong nước đã tăng cao. Đến ngày 29-3, giá vàng miếng SJC vẫn đứng quanh mốc 43,82 triệu đồng/lượng, cao hơn 350.000 đồng/lượng so với trước thời điểm đấu thầu. “Giá của NH Nhà nước đưa ra cao như vậy, tội gì thị trường lại bán thấp nên các điểm bán đồng loạt đẩy giá tăng theo” - một người trong giới kinh doanh vàng cho hay.

Không thể “vừa đá bóng vừa thổi còi”

Có thể nói, ngay từ khi ý tưởng NH Nhà nước sẽ trực tiếp tham gia thị trường vàng, nhiều ý kiến đã không đồng tình vì cho rằng cơ quan này chỉ nên quản lý ở góc độ vĩ mô. Một mình NH Nhà nước không thể “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vừa độc quyền sản xuất, độc quyền giá, tham gia điều tiết thị trường như một người “buôn vàng” nhưng vẫn phải bảo đảm “không bị hụt dự trữ ngoại hối của Nhà nước”.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), nhận xét: Không có NH trung ương nước nào lại có nhiều chính sách quản lý vàng như Việt Nam. Dường như NH Nhà nước đang rơi vào vòng luẩn quẩn của chính mình, đưa ra một cái “mạng nhện” về quản lý vàng rồi dính vào đó! NH Nhà nước đấu thầu vàng để làm gì?

Ngân hàng Nhà nước đóng nhầm vai! - 1

Ngày 29/3, giá vàng trong nước lại bị đẩy cao hơn giá thế giới 3,4 triệu đồng/lượng. Ảnh: HỒNG THÚY

Nếu mục đích tăng cung vàng, kéo giá vàng trong nước về sát thế giới rồi người dân lại đổ xô đi mua vàng, tích trữ vàng… càng làm tăng dòng tiền chết trong khi gây áp lực lên tỉ giá, không có lợi cho nền kinh tế. Ở các nước, NH trung ương chỉ điều tiết vàng thông qua chính sách thuế như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT và xem vàng như hàng hóa thông thường.

“NH Nhà nước còn nhiều vấn đề quan trọng hơn như giải quyết nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống NH thương mại, nhất là phải kéo giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp... không nên can thiệp quá sâu vào việc bình ổn vàng” - ông Nguyễn Hoàng Hải đề xuất.  Một chuyên gia kinh tế cũng cho rằng NH Nhà nước chỉ nên quản lý vàng thỏi, vàng cục của dự trữ ngoại hối, còn vàng miếng, vàng nữ trang là hàng hóa thì chỉ quản lý về mặt chất lượng.

PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhấn mạnh: NH Nhà nước chỉ nên thực hiện chức năng quản lý và hoạch định chính sách. Cụ thể là điều tiết dự trữ ngoại hối bằng vàng theo Pháp lệnh Ngoại hối, Luật NH Nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng; không nên tham gia sản xuất, kinh doanh hoặc điều tiết thị trường vàng bằng các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự việc kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngày 29-3, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục nới rộng lên 3,4 triệu đồng/lượng. Gần cuối ngày, giá vàng miếng SJC ở mức 43,75 triệu đồng/lượng mua vào, 43,82 triệu đồng/lượng bán ra, giảm nhẹ so với phiên trước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THÁI PHƯƠNG (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN