Ngân hàng mang tiền đổi lấy giấy?

Trong giao dịch mà tài sản đảm bảo là các giấy tờ có giá, chỉ cần một sơ sẩy, ngân hàng sẽ đối mặt với rủi ro mang tiền đổi lấy giấy.

Giấy tờ có giá là loại tài sản bảo đảm tuy không chiếm số lượng lớn trong các giao dịch của ngân hàng, song về tỷ trọng lại không nhỏ khi các giao dịch đều có giá trị lớn. Tuy nhiên, chỉ một sơ sẩy, ngân hàng có nguy cơ đối mặt với rủi ro mang tiền đổi lấy giấy.

Sót quy trình, ngân hàng nhận giấy tờ giả

Tuy nhiên, giấy tờ có giá rất dễ bị làm giả, chẳng hạn như vụ Huỳnh Thị Huyền Như. Bên cạnh việc huy động vốn với lãi suất cao, sau đó mất khả năng chi trả, Huyền Như - nguyên Trưởng phòng Tín dụng Vietinbank Điện Biên Phủ và Võ Anh Tuấn - nguyên Phó giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè đã làm giả hợp đồng tiết kiệm, giấy tờ xác nhận số dư tại Vietinbank và sử dụng giấy tờ này để làm tài sản thế chấp cho một số đối tượng đi vay tiền tại ngân hàng khác. Vụ án này đang được cơ quan điều tra làm rõ.

Khi cho vay mà tài sản bảo đảm là hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm do ngân hàng khác phát hành, ngân hàng cho vay sẽ phải lập một thông báo phong tỏa giấy tờ có giá và gửi đến ngân hàng phát hành để yêu cầu xác nhận 3 vấn đề: sổ tiết kiệm có thật hay không; ngân hàng phát hành hiện đã phong tỏa, xác nhận phong tỏa giấy tờ này chưa và xác nhận sẽ phối hợp, ưu tiên xử lý giấy tờ có giá để thu hồi nợ cho ngân hàng cho vay. Bởi vậy, để thành công trong thủ đoạn làm giả giấy tờ có giá, kẻ phạm tội thường nhằm vào việc bỏ sót, lơ là khâu thẩm định nguồn gốc giấy tờ có giá của ngân hàng cho vay.

Ngân hàng mang tiền đổi lấy giấy? - 1

Các loại giấy tờ có giá thường được ngân hàng sử dụng làm tài sản bảo là kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu, cổ phiếu...

Có ngân hàng nhận được hồ sơ đề nghị cho vay vốn của một khách hàng mà tài sản bảo đảm là hợp đồng tiền gửi tại một ngân hàng khác. Đáng chú ý là khách hàng đã chuẩn bị sẵn bản xác nhận của ngân hàng phát hành hợp đồng tiền gửi và giải thích: “nhờ người nhà làm trong ngân hàng chuẩn bị cho nhanh”. Thấy hồ sơ đầy đủ, ngân hàng cho vay chấp thuận giải ngân mà không kiểm tra lại với ngân hàng phát hành. Chỉ đến khi nợ quá hạn, tiến hành xử lý tài sản bảo đảm thì ngân hàng cho vay mới phát hiện ra khách hàng không có hợp đồng tiền gửi tại ngân hàng bên kia, xác nhận của ngân hàng phát hành là giả.

Một trường hợp khác, lợi dụng thực tế ngân hàng cần huy động vốn và DN có vốn cần gửi với lãi suất cao, nên một số đối tượng đã lừa đảo cả hai thông qua một dạng hợp đồng tiền gửi giả rất tinh vi. Đối tượng lừa đảo đóng vai ngân hàng mời chào DN, đồng thời đóng vai DN muốn gửi vốn ngân hàng. Nội dung giao dịch là thật, nhưng hợp đồng tiền gửi được ký là giả. Sau đó, DN gửi tiền thật vào ngân hàng thông qua kênh thanh toán liên ngân hàng, đến hạn ngân hàng trả lại gốc, lãi trong, lãi ngoài hợp đồng.

Đến lần giao dịch thứ hai, kẻ lừa đảo xuất chiêu trong vai trò DN đề nghị tiếp tục gửi vốn với điều kiện ngân hàng phải cho vay lách luật dưới hình thức ủy thác đầu tư cho một bên thứ ba và lập văn bản bảo đảm bằng tiền gửi. Việc gửi vốn sau đó thực hiện như lần thứ nhất, trong khi DN có tiền không hay biết thông tin trên. Đến hạn nhận lại tiền, DN đến đòi thì ngân hàng và DN mới phát hiện ra toàn bộ hợp đồng tiền gửi là giả, mặc dù giao dịch gửi vốn là thật và điều quan trọng nhất, tài sản bảo đảm đã không cánh mà bay cùng tiền ủy thác của ngân hàng.

Sở dĩ hành vi làm giả giấy tờ của nhóm đối tượng trót lọt có nguyên nhân từ việc bỏ sót quy trình nghiệp vụ thẩm định hồ sơ vay vốn của khách hàng và lách luật của ngân hàng. Nếu ngân hàng thực hiện giao dịch cho vay với đầy đủ quy trình thẩm định phương án, mục đích vay, khách hàng, tài sản bảo đảm…, thì sẽ phát hiện hành vi lừa đảo của nhóm đối tượng nói trên.

Rủi ro từ tiền lệ chưa được công nhận

Bên cạnh các vụ giấy tờ giả dẫn đến mất tiền, còn nhiều nguy cơ rình rập hầu bao của ngân hàng như rủi ro giấy tờ có giá không chuyển đổi được thành tiền. Có ngân hàng cho vay và nhận tài sản bảo đảm là sổ tiết kiệm của ngân hàng khác. Quy trình, thủ tục đã được thực hiện đầy đủ, ngân hàng phát hành xác nhận ưu tiên xử lý sổ tiết kiệm cho ngân hàng cho vay. Tuy nhiên, khi khoản nợ quá hạn, ngân hàng cho vay yêu cầu xử lý sổ tiết kiệm để thu hồi nợ thì ngân hàng phát hành cho biết, đã xử lý sổ tiết kiệm đó để thu hồi một khoản nợ khác mà khách hàng nợ chính ngân hàng phát hành.

Vụ việc này khiến các ngân hàng “vỡ” ra nhiều điều. Hóa ra, việc xác nhận vào thông báo phong tỏa hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm chỉ là thông lệ của giới ngân hàng và không xuất hiện trong các quy định của pháp luật. Trong vòng 10 năm qua, các ngân hàng đã xây dựng được tiền lệ khá tốt bằng uy tín của mình và duy trì hoạt động cho vay với tài sản bảo đảm là số tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi dựa trên xác nhận của ngân hàng phát hành. Tuy nhiên, khi phát sinh tranh chấp, do trách nhiệm cụ thể của việc xác nhận phong tỏa này không được pháp luật quy định, nên về cơ bản, ngân hàng phát hành không có trách nhiệm trả số tiền trong sổ tiết kiệm, hợp đồng tiền gửi đó cho ngân hàng cho vay.

Một số ngân hàng đã nhận thức được vấn đề nêu trên và không nhận tài sản bảo đảm là tiền gửi, sổ tiết kiệm của ngân hàng khác. Dẫu vậy, tài sản bảo đảm là tiền nằm trong chính hệ thống ngân hàng cho vay vẫn có thể bị mất hoặc phải trả lại. Đó là trường hợp tài sản do phạm tội mà có như vụ án Công ty Dương Hùng sử dụng tiền gửi trong tài khoản của một ngân hàng làm tài sản bảo đảm cho hợp đồng cấp bảo lãnh cũng do chính ngân hàng đó phát hành (Xem thêm ĐTCK số 55). Vấn đề là tiền gửi trong tài khoản là do Giám đốc Công ty và một số đối tượng khác lừa đảo mà có.

Rủi ro từ sự lằng nhằng về sở hữu, quản lý thông tin sở hữu

Ngoài ra, ngân hàng thường phải đối mặt với rủi ro về sở hữu giấy tờ có giá của nhiều người, nhưng do một người đứng tên hoặc là đứng tên hộ. Đó là trường hợp bố mẹ nhờ các con đứng tên hộ trong sổ tiết kiệm hay phí Công đoàn của DN được giao cho một cán bộ đứng tên gửi tiết kiệm. Khi các khoản vay được đảm bảo bởi các sổ tiết kiệm này, ngân hàng không thể xử lý, bởi chủ sở hữu không phải là người đi vay và chỉ có Tòa án mới có thể đưa ra phán quyết về chủ sở hữu tài sản trong trường hợp tranh chấp.

Nhiều trường hợp, giấy tờ có giá đã được cầm cố, song tiền vẫn bị rút ra và chỉ đến khi xử lý tài sản bảo đảm thì ngân hàng mới biết. Từng có trường hợp ngân hàng nhận tài sản bảo đảm là sổ tiết kiệm, nhưng không thực hiện hết thủ tục phong tỏa tài sản, dẫn đến khi khách hàng làm thủ tục xin cấp lại sổ tiết kiệm với lý do “bị mất”, ngân hàng phát hành vô tư... cấp lại. Khách hàng rút tiền tiêu xài, còn ngân hàng ngậm ngùi chấp nhận ghi thêm một khoản vào tổng nợ xấu.

Khi giấy tờ có giá là cổ phiếu trên thị trường OTC, ngân hàng có nguy cơ nhận phải cổ phiếu hạn chế chuyển nhượng, cổ phiếu bị gán nợ. Đối với cổ phiếu niêm yết, ngân hàng có nguy cơ nhận cổ phiếu mất giá, cổ phiếu có tranh chấp...

Nhưng rủi ro trên cho thấy, khi nhận những giấy tờ có giá và đổi lại bằng một khoản tiền, thì các ngân hàng cần đặt ra hàng loạt nghi vấn liệu thực sự các giấy tờ đó có xứng đáng là tiền hay không. “Mang tiền đổi lấy giấy tờ, đừng quên trăm thứ nghi ngờ xảy ra”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Luật sư Trần Minh Hải ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN