Ngân hàng là "nạn nhân" của nợ xấu?

Trong giao dịch vay vốn, người đi vay là người yếu thế. Tuy nhiên, khi nợ tốt đã chuyển thành xấu rồi thì câu chuyện phải ngược lại, người cho vay phải được bảo vệ, bởi khoản nợ vay chính là tiền bạc tài sản của Nhà nước và của dân. - Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO nhìn nhận.

Nợ xấu là do người vay không trả được

Bây giờ khi nhắc đến nợ xấu thì nhiều người vẫn nghĩ rằng nợ xấu là do NH mang lại, ông có đồng tình quan điểm này không. Cần hiểu thế nào cho chuẩn xác?

NH là bên cho vay cũng có thể có những lỗi sơ xuất nhất định, thậm chí là sai phạm dẫn đến nợ xấu, nhưng đấy chỉ là những nguyên nhân vô cùng nhỏ. Cái chính gây ra nợ xấu vẫn là do người đi vay, là doanh nghiệp vay không trả được nợ, do cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan và nhiều khi là do cố tình không trả nợ… Tôi có thể khẳng định rằng, nợ xấu ít nhất có đến 90% lỗi từ phía người đi vay, còn NH chỉ là nơi tập trung, lưu giữ nợ xấu, có thể nói là nạn nhân của nợ xấu. Nói nợ xấu là của NH và do NH gây lên là sự nhầm lẫn, gây nguy hiểm về trách nhiệm cho NH, trong khi thực chất là trách nhiệm của người đi vay và của cả các bộ ngành liên quan.

Ngân hàng là "nạn nhân" của nợ xấu? - 1

Nhà máy thép (thuộc Tập đoàn thép Vạn Lợi) còn nợ 90 tỷ đồng ngân hàng nay đã đóng cửa trở thành nợ xấu. Ảnh: K.H.

Trong câu chuyện chia sẻ với các cán bộ thu hồi nợ ngân hàng cũng như khi đi thực tế cơ sở, chúng tôi nhận thấy có nhiều vụ việc, doanh nghiệp lách luật rất giỏi, chẳng hạn như có đủ các chiêu trò, lý do để hoãn các khoản nợ đó lại. Theo ông, đây có phải là lỗ hổng của luật pháp?

Ở đây có hai lý do, một là lỗ hổng luật pháp. Hai là ý thức của người đi vay, họ cứ chây ỳ là có lợi, cứ lách được là có lợi, NH tuy có nhiều quyền nhưng gần như lại không làm gì được nếu người vay không hợp tác. Chế tài của pháp luật không có tác dụng để buộc người vay phải nhanh chóng trả nợ và tìm mọi cách giải quyết dứt điểm. Trên thực tế, nếu chậm trả thì khách hàng lại dễ có cơ hội được đàm phán gia hạn nợ, xóa, giảm lãi, thậm chí giảm nợ gốc. Càng kéo dài tình trạng nợ xấu thì NH càng thiệt hại, nên tìm mọi cách để xử lý sớm, trong khi đó khách hàng thì ngược lại càng kéo dài thì có khi càng có lợi.

Ngân hàng là "nạn nhân" của nợ xấu? - 2

Ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO.

Luật pháp còn “nghiêng” về phía con nợ

Ông định nghĩa nợ xấu như thế nào? Và theo ông, chủ thể của nợ xấu ở đây là ai?

Hiện nay đúng là có hiện tượng nhiều người quan niệm cứ vay được tiền là xong việc, còn trách nhiệm quan trọng nhất là nghĩa vụ trả nợ, thì gần như bị lãng quên, thậm chí họ chây ỳ, trì hoãn, càng kéo dài càng tốt.

Ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO

Bên cho vay là NH phải luôn tìm cách thu hồi được nợ gốc và lãi để bảo đảm được vốn của Nhà nước, cổ đông của người dân, đảm bảo có lãi để nộp thuế trả lương cho người lao động và tồn tại được.

Đương nhiên, NH sẽ phải chặt chẽ trong khi cho vay và kiên quyết khi thu hồi nợ. Không thu hồi được nợ, không phải là do NH thiếu trách nhiệm, mà trước hết là do khách hàng khó khăn, sai lầm trong sản xuất, kinh doanh hoặc bị các yếu tố khách quan như thiên tai, lừa đảo,… dẫn đến không có nguồn trả nợ.

Thậm chí trong nhiều trường hợp, người vay vẫn có khả năng trả nợ, họ vẫn có tiền đầu tư vào việc khác, nhưng lại không muốn trả nợ NH… NH chỉ còn nước chạy theo đôn đốc, yêu cầu trả nợ, vì khi đó tiền bạc, tài sản không nằm trong tay mình.

Có cán bộ thu hồi nợ ngân hàng kể giờ họ rất bí khi đi thu hồi nợ, nhiều khi công an cũng ngại tránh chỉ đứng từ vòng xa. Vậy trong câu chuyện thu nợ, có cần nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương?

Mặc dù đã có quy định về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ NH xử lý tài sản bảo đảm, nhưng nếu thấy không thuận lợi thì nhiều khi chính quyền địa phương cũng không muốn hợp tác vì họ ngại đụng chạm… Trên thực tế, việc hỗ trợ đó rất hạn chế vì không phải là việc ưu tiên hàng đầu, trong khi họ còn nhiều nhiệm vụ khác. Thậm chí chính việc hỗ trợ thu hồi, phát mại nhà đất cho NH có thể xung đột, vướng mắc với những quy định liên quan đến chức năng quản lý nhà đất, cư trú, khiếu nại, tố cáo,… của chính quyền địa phương. Nhiều trường hợp, NH được quyền và thực tế thì họ đã làm đúng, đã được công an, chính quyền địa phương phối hợp lập biên bản và chứng kiến việc thu giữ, phát mại nhà đất, nhưng lại vấp phải sức ép của dư luận, vì luật pháp nước ta còn nghiêng lệch về phía con nợ. Trong giao dịch vay vốn, người đi vay là người yếu thế. Tuy nhiên, khi nợ tốt đã chuyển thành nợ xấu rồi thì câu chuyện phải ngược lại, người cho vay phải được bảo vệ, bởi khoản nợ vay chính là tiền bạc, tài sản của Nhà nước và của dân.

Trong khi đó, ở nước ngoài chuyện đó là hết sức bình thường vì nếu anh không trả được nợ thì đương nhiên anh phải ra khỏi nhà vì khi vay vốn anh đã ký và chấp nhận điều đó rồi. Ở ta, nếu những gia đình chỉ có một căn nhà duy nhất mang thế chấp ngân hàng, thì NH không dễ gì đẩy họ ra đường để thu hồi.

Xử lý nợ - hợp đồng phụ quyết định

Từng tư vấn cho nhiều doanh nghiệp, ngân hàng, ông thấy so với quốc tế thì họ minh bạch như thế nào?

Thực ra luật của VN về chuyện này đã đầy đủ và chặt chẽ vào loại nhất thế giới, chẳng hạn như thủ tục vay mượn, chúng ta luôn có nhiều công đoạn, nhiều loại giấy tờ, hoặc luôn luôn phải có tài sản bảo đảm vì nếu không có thì NH không biết bám víu vào đâu, rất rủi ro cho NH. Có điều, yêu cầu bắt buộc phải giữ sổ đỏ, công chứng, đăng ký thế chấp,… làm rất nhiều thủ tục pháp lý nhưng khi cần phải xử lý thì bên cho vay lại gần như không có quyền chủ động quyết định.

Chẳng hạn với nhiều nước, nếu đã đầy đủ thủ tục pháp lý thì NH đương nhiên được kê biên, tịch thu, phát mại tài sản hoặc có ra tòa thì thủ tục cũng vô cùng nhanh gọn, chỉ trong một vài ngày đương nhiên khách hàng phải chấp nhận hợp đồng đó hợp pháp, hợp lệ và sẽ có phán quyết của tòa. Nhưng của VN làm theo mọi quy định của pháp luật rồi, cuối cùng NH vẫn phải đi kiện cáo khách hàng như chưa từng làm gì, nhanh thì từ 2-3 năm, thậm chí 5-7 năm.

Là một người làm về luật ông đã tiếp nhận những vụ liên quan đến xử lý nợ xấu này chưa, ông thấy rốt cục bản chất vấn đề này như thế nào?

Câu chuyện nghĩa vụ nợ nần, vay mượn, thế chấp, tất cả đều đã rõ ràng theo nguyên tắc có vay có trả. Chủ yếu vướng mắc, tranh chấp là nguồn vốn vay bị thất thoát, ẩn dấu mất và và sự lắt léo của khách hàng cũng như các cơ quan chức năng khi xử lý tài sản bảo đảm. Giấy tờ, thủ tục, nguyên tắc thì đầy đủ, đúng đắn, bình thường, nhưng khi xử lý, cãi cọ, tranh chấp thì bị bóp méo, hiểu sai và tiêu cực.

Cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Anh - KH (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN