Ngân hàng 'khát' vốn, lãi suất huy động liên tục tăng

Hiện tại, tăng trưởng huy động vốn chậm hơn tăng trưởng tín dụng. Vì vậy, các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động do cần nguồn vốn nhiều hơn để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và đảm bảo nhu cầu vốn trong từng ngân hàng.

Ngân hàng 'khát' vốn, lãi suất huy động liên tục tăng - 1

Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng quyết định điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi, nhất là ở các kỳ hạn ngắn. Lãi suất ngắn hạn tăng từ 0,1-0,2%, tối đa 0,3%. Đối với trung, dài hạn, các ngân hàng tăng tối đa 0,5%. Đến nay, làn sóng tăng lãi suất huy động vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Không chỉ các ngân hàng nhóm dưới, các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, Vietinbank cũng đồng loạt tăng lãi suất huy động.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết có nhiều nguyên nhân khiến các ngân hàng liên tục tăng lãi suất huy động.

Thứ nhất là do 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt 1,54%, trong khi yêu cầu của năm 2016 ít nhất là 18%. Do đó, các ngân hàng đều đang thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Thứ hai là do hiện tăng trưởng huy động vốn lại chậm hơn tăng trưởng tín dụng, chỉ có 1,3%. Vì vậy, các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động do cần nguồn vốn nhiều hơn để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và đảm bảo nhu cầu vốn trong từng ngân hàng.

Đồng thời, nguyên nhân cũng đến từ dự thảo sửa đổi Thông tư 36. Theo dự thảo, nguồn vốn huy động trung, dài hạn trên 12 tháng  được đưa vào nguồn vốn trung, dài hạn. Trong khi đó, Thông tư 36 hiện hành quy định nguồn vốn huy động trung, dài hạn từ 12 tháng trở lên.

Như vậy, nguồn tiền gửi 12 tháng đưa xuống tiền gửi ngắn hạn. Khi đưa xuống ngắn hại, nguồn tiền gửi 12 tháng cộng vào tiền gửi ngắn hạn làm cho tiền gửi của ngắn hạn nhiều hơn trước. Từ đó, lấy nguồn vốn ngắn hạn này để cho vay trung, dài hạn theo tỷ lệ 40%. Được biết, vốn huy động 12 tháng chiếm 12 -13% trong tổng huy động vốn.

Lý giải về việc các ngân hàng tập trung tăng lãi suất huy động ở kỳ hạn ngắn, ông Minh cho biết trước đó, một số ngân hàng tăng lãi suất cho các kỳ hạn dài, từ 2 năm trở lên, thế nhưng không huy động được nhiều. Nguồn vốn huy động không tăng như kỳ vọng. Vì thế, hiện tại các ngân hàng mới chuyển sang tăng lãi suất ngắn hạn.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động đang phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng. Lãi suất từ 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng phổ biến ở mức 5,4 - 6,5%/năm. Kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.

Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn. Các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn, từ 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Lãi suất cho vay USD cũng tương đối ổn định. Hiện lãi suất này phổ biến ở mức 2,8-6,2%/năm, trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-5,2%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 5,3-6,2%/năm.

Theo ông Minh, Ngân hàng Nhà nước đang khuyến khích các ngân hàng nếu giảm được lãi suất cho vay thì tốt, nếu không giảm được thì nên giữ ổn định.

“Mặc dù tăng lãi suất huy động nhưng cho vay ở 5 lĩnh vực tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp thì lãi suất không tăng. Lãi suất cho vay tăng ở một số đối tượng như cho vay chứng khoán, tiêu dùng, tăng nhẹ từ 0,2 – 0,3%/một năm”, ông Minh nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan Diệu (Một thế giới)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN