Ngân hàng hạ lãi suất, doanh nghiệp vẫn khó vay
Lãi suất cho vay vốn được dự báo sẽ tiếp tục giảm từ nay đến cuối năm, song các doanh nghiệp sẽ vẫn khó tiếp cận vốn nếu các rào cản về hồ sơ, điều kiện, tài sản thế chấp… không được tháo gỡ.
Giảm vì “ế” vốn
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý III/2014 của các tổ chức tín dụng (TCTD) được Vụ Dự báo thống kê, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố, trên 70% TCTD cùng khẳng định hoặc dự kiến sẽ tiếp tục giữ nguyên hoặc giảm nhẹ mức giá bình quân sản phẩm dịch vụ trong quý III và cả năm 2014.
88% các TCTD tin rằng, xu hướng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay sẽ giảm trong thời gian tới. Trên 70% TCTD dự báo mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay VND đều giảm với mức giảm kỳ vọng bình quân tương ứng 1,24%/năm và 1,43%/năm (tính chung cả năm 2014 so với năm 2013)...
Tuy mặt bằng lãi suất dự báo có thể giảm nhẹ nhưng việc đẩy nhanh tín dụng ra nền kinh tế vẫn rất khó khăn do rào cản chính vì quá trình giải quyết nợ xấu chưa có nhiều tiến triển và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, đặc biệt là lòng tin của khu vực tư nhân còn yếu. Báo cáo chiến lược của SBC |
Kết quả điều tra này tương đồng với báo cáo chiến lược 6 tháng đầu năm Công ty chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) vừa đưa ra.
BSC nhận định, do thanh khoản hệ thống ngân hàng tốt nhưng tín dụng tăng trưởng thấp, đặc biệt là tín dụng bằng VND, mặt bằng lãi suất huy động trong 6 tháng cuối năm được dự báo tiếp tục ổn định và giảm nhẹ với mức giảm khoảng 0,5%/năm.
“Luôn là “con nợ” của ngân hàng, nên lãi suất vay vốn ngân hàng giảm tý nào, doanh nghiệp thêm lãi tý ấy”, anh Trần Lâm - Giám đốc Công ty TNHH Nội thất Sông Hồng nói.
Anh Lâm cho biết, các khách hàng của anh thường chỉ đặt cọc một phần và thanh toán sau khi giao hàng, thậm chí giao hàng xong khách vẫn nợ tiền, nên Công ty thường phải duy trì vài tỷ đồng vay vốn ngân hàng. Gần đây, anh đang ấp ủ kế hoạch làm đồ chơi gỗ nên dự tính sẽ vay vốn ngân hàng khoảng chục tỷ đồng nữa.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn gặp khó khăn khi tiếp cận vốn vay
50% trở ngại về tài sản thế chấp
Sau khi khai trương siêu thị mini Thanh Phương ở Thanh Trì (Ngọc Hồi) được ba tháng, chị Lụa - chủ siêu thị nhận thấy muốn nhập được nguồn hàng giá rẻ thì chị phải nhập với số lượng lớn và như vậy, chị cần có thêm một cơ sở phân phối hàng nữa.
Để có vốn mở siêu thị mini thứ hai, chị Lụa “gõ cửa” ngân hàng nhưng chị đều nhận được những cái lắc đầu bởi hồ sơ vay vốn của chị không đáp ứng được điều kiện của ngân hàng. Chị Lụa cho biết, do những tài sản có giá trị, chị đã thế chấp khi vay vốn đầu tư cho siêu thị thứ nhất. Nay chị muốn thế chấp siêu thị thứ nhất làm tài sản đảm bảo thì phía ngân hàng không đồng ý.
Chị Quỳnh Lưu - phụ trách kế toán Công ty Dược Meotis thừa nhận, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng đối với các DN nhỏ và vừa khá khó khăn, nhất là các DN mới đi vào sản xuất, kinh doanh. Không chỉ là khó khăn về điều kiện tài sản đảm bảo luôn phải có giá trị cao hơn số vốn vay; mà còn cần phải có báo cáo tài chính theo tiêu chuẩn quốc tế.
“Chưa kể, lãi suất cho vay thường chỉ giảm trong 6-12 tháng đầu ở mức 8-10%/năm, còn sau đó thì DN đều phải trả lãi xấp xỉ 12-13%/năm. Rồi còn chuyện ngân hàng thẩm định cho vay thì rất lâu, kéo dài đến cả tháng; nhưng giải ngân thì rất nhanh chỉ trong vài ngày, khiến khách vay nhiều khi đáp ứng thủ tục giải ngân cũng toát mồ hôi”, chị Lưu chia sẻ.
Thừa nhận thực tế DN, nhất là DN nhỏ và vừa luôn gặp khó khăn khi tiếp cận vốn vay, bà Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra số liệu khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2013 của VCCI cho thấy, 22% DN cho rằng, tiếp cận vốn là khó khăn hàng đầu họ gặp phải trong sản xuất kinh doanh.
Riêng với khối DN nhỏ và vừa, có tới 68% DN phản ánh khó hoặc không thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Kết quả khảo sát của VCCI khá tương đồng với của Hiệp hội DN vừa và nhỏ: Có đến 55%
DN cho rằng hồ sơ vay vốn phức tạp, yêu cầu quá cao; 50% DN gặp trở ngại do những yêu cầu về tài sản thế chấp.