Ngân hàng hạ chuẩn cho vay

Cho vay tín chấp đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp trẻ, chào cho vay với lãi suất 7%/năm... là những việc ngân hàng đang làm để khơi thông dòng vốn.

Ngày 26/6, lần đầu tiên sau nhiều năm, Ngân hàng (NH) Đông Á (DongA Bank) đã đưa ra chương trình cho vay tín chấp với doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ, DN trẻ, với lãi suất 13%/năm, không cần tài sản đảm bảo.

Hạ lãi suất và… hạ chuẩn!

Theo DongA Bank, để vay tín chấp, DN vừa và nhỏ phải có báo cáo tài chính với lợi nhuận ròng tối thiểu 2 năm, tỷ lệ nợ trên tổng tài sản năm gần nhất dưới 70%; không phát sinh nợ quá hạn (từ nhóm 2 trở lên) trong vòng 12 tuần gần nhất. DN phải có nguồn trả nợ từ trong nước hoặc từ xuất khẩu. NH này không giới hạn ngành nghề để cho vay tín chấp, nhưng lại yêu cầu phải sử dụng vốn vào mục đích sản xuất, kinh doanh. Khi đạt được các yêu cầu này, DongA Bank sẽ cho vay tối đa 75% đối với DN sản xuất, kinh doanh trong nước và tối đa 85% đối với DN xuất khẩu.

Hiện tại, DongA Bank chỉ thực hiện chương trình này trong 6 tháng với thời hạn vay tối đa 6 tháng, hạn mức 1.000 tỷ đồng. Nhưng theo bà Hồ Thị Như Ý, Phó trưởng phòng Khách hành DN, chi nhánh Gò Vấp của DongA Bank, sau 6 tháng, NH sẽ đánh giá lại hiệu quả của chương trình. “Việc có tiếp tục và mở rộng quy mô hay không phải dựa trên kết quả thực hiện”, bà Như Ý cho biết.

Thực tế, hiện nhiều NH lớn vẫn đang cho vay tín chấp với khách hàng là DN, nhưng chỉ cho vay với các DN, tập đoàn lớn như than, điện, khoáng sản có sự bảo lãnh của Chính phủ, hoặc được mua bảo hiểm… Nhìn nhận việc này, Phó tổng giám đốc một NH lớn, cho biết: “Nếu DongA Bank cho vay tín chấp đối với DN vừa và nhỏ lại trẻ nữa thì thực sự là một bước đi liều lĩnh”.

Ngân hàng hạ chuẩn cho vay - 1

Do vốn tồn đọng cao, DN mới được dễ thở hơn với NH

Phần lợi vẫn thuộc NH

Lãnh đạo nhiều NH cho rằng họ đang chia sẻ khó khăn với DN, nhưng thực tế có vậy? Phó tổng giám đốc một NH đang cho vay tín chấp đến 50% dư nợ cho biết, khi kiểm soát và theo dõi được sự luân chuyển dòng tiền tốt để cho vay tín chấp, dù là với DN vừa và nhỏ thì độ rủi ro vẫn ít hơn cho vay dựa vào tài sản thế chấp mà không kiểm soát được dòng tiền. “Tín chấp sẽ đỡ nợ xấu hơn thế chấp. Cầm cả đống tài sản nhưng nhiều NH vẫn mất thanh khoản, bởi tiền lưu thông không có, nợ xấu đầy rẫy. Trong lúc tín dụng ế như hiện nay, lựa chọn DN nhỏ nhưng tốt vẫn có lợi hơn DN lớn, làm ăn kém. Đây cũng là cách để các NH nhỏ tránh nợ xấu”.

Còn TS. Lê Thẩm Dương lại cho rằng, ngay cả với lãi suất 7%/năm, NH cũng có thể kiếm lời. Vì có những khoản tín dụng NH huy động với lãi suất chỉ 1% - 2%/năm với thời hạn dài, cộng với lãi huy động hiện nay là 9%/năm, bình quân lãi suất tại nhiều NH có khi chỉ 6%, 7%/năm. Với những NH lớn, mức bình quân này có thể thấp hơn… NH còn có thêm biên độ tỷ giá USD nữa, họ cho vay mức này vẫn có thể kiếm lời. Chịu giảm bớt lợi nhuận để đẩy vốn là cách mà các NH chọn trong thời điểm cho vay không dễ hiện nay.

Eximbank vừa “gây sốc” khi cho vay với lãi suất 7%/năm. Dù phải đảm bảo biên độ tỷ giá USD 3% nhưng đây vẫn được coi là mức lãi suất thấp nhất cho khách hàng DN vay hiện nay. Vì nếu so với trần huy động 9%/năm thì lãi suất theo chương trình này của Eximbank vẫn rẻ hơn 2%/năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Phương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN