Ngân hàng giải nợ xấu, quyết sáp nhập

Lập công ty mua bán nợ trị giá khoảng 100.000 tỉ đồng để xử lý nợ xấu; tiến hành sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng yếu kém… đang là bước đi trong quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng.

Tại hội thảo “Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng (NH) thương mại” do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính phối hợp cùng Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TPHCM, Trường ĐH Tài chính Marketing tổ chức ngày 8-6, các chuyên gia cho rằng việc đầu tiên phải làm trong quá trình tái cấu trúc ngành NH là xử lý bằng được nợ xấu.

Xử lý “cục máu đông”

Theo thạc sĩ Vũ Thị Phương Hoa, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, quản trị rủi ro yếu kém của các NH đã làm nợ xấu gia tăng thời gian qua. Thêm vào đó, sự trì trệ của thị trường chứng khoán, bất động sản (BĐS) và nợ đọng của các DN sản xuất kinh doanh đã làm nợ xấu tăng lên trong toàn hệ thống NH.

Ông Đặng Đức Thành, cựu thành viên ban kiểm soát một NH thương mại lớn tại TPHCM, cho rằng nếu không biết gốc gác nợ xấu từ đâu có thể rơi vào vết xe cũ khi xử lý. Thời điểm năm 2007, thị trường BĐS bùng nổ, hàng trăm DN trong các ngành dầu khí, thủy sản, điện lực cũng nhảy sang BĐS và giờ… chết hàng loạt.

Theo quy định, các NH không được phép thực tế cho vay quá 3 lần vốn điều lệ nhưng vẫn cho vay vượt cả chục lần, đến khi lãi suất tăng lên cao kéo dài từ năm 2010 đến nay, cả NH lẫn DN đều “ngắc ngoải”. “Phải hiểu từ gốc vấn đề để kiểm soát chặt chẽ nguồn tiền ra của NH và thiết lập lại kỷ luật, đưa dòng vốn vào đúng chỗ, không để nợ xấu tăng lên rồi từ từ xử lý” - vị này phân tích.

Trong phiên giải trình trước Quốc hội ngày 7-6, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết nợ xấu toàn hệ thống NH đã tăng từ mức 6% lên 10%. Các NH thương mại phải gánh khoảng 10% khoản nợ xấu này, đẩy chi phí vốn thực tế còn rất cao. Trong khi đó, những con số về nợ xấu được công bố trước đây chỉ ở mức từ 3,2% đến 3,6%.

Theo các chuyên gia, nợ xấu như “cục máu đông” trong cơ thể con người khiến máu không thể lưu thông nên phải gỡ nút thắt quan trọng này. Người đứng đầu NH Nhà nước dự kiến sẽ thành lập công ty mua bán nợ quốc gia trị giá khoảng 100.000 tỉ đồng để xử lý nợ xấu theo nguyên tắc bảo toàn vốn, tạo thanh khoản nhất định cho các tổ chức tín dụng và tạo ra lượng vốn cần thiết cho vay nền kinh tế.

Ngân hàng giải nợ xấu, quyết sáp nhập - 1

Sáp nhập, hợp nhất sẽ giúp các ngân hàng tăng vốn, tăng năng lực cạnh tranh

Sẽ có những vụ M&A rất lớn

TS Lương Văn Lý, chuyên gia tư vấn về tái cấu trúc DN, cho rằng hiện nước ta có quá nhiều NH vượt nhu cầu đòi hỏi của nền kinh tế.

Tại diễn đàn mua bán, sáp nhập (M&A) mới đây, TS Lê Đức Thúy, nguyên thống đốc NH Nhà nước, cho biết M&A các NH yếu kém là một trong những bước đi của quá trình tái cơ cấu. Việc tái cấu trúc quan trọng là thay đổi cơ cấu phân bổ nguồn lực, đưa nguồn lực đến những nơi cần, đem lại hiệu quả thực sự để tăng trưởng bền vững hơn - điều mà NH chưa làm tốt.

TS Lê Đức Thúy cho rằng thời gian qua, bộ máy quản trị một số NH không những yếu kém mà còn bị chi phối bởi lợi ích riêng như việc dùng vốn NH đầu tư cho những công ty con (trong đó có lĩnh vực BĐS) nhưng không thu hồi được, rồi phải xé rào lách lãi suất, vay vốn bằng mọi giá…

Vụ trưởng Vụ Dự báo Thống kê tiền tệ - NH Nhà nước Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết quá trình tái cơ cấu sẽ có những thương vụ M&A rất lớn trong ngành NH trong thời gian tới. Mua bán, sáp nhập sẽ giúp các NH tăng vốn để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế trong khoảng 5 - 10 năm tới.

“NH Nhà nước phải chủ động trong việc sáp nhập, hợp nhất các NH yếu kém nhằm khoanh vùng xử lý nợ xấu nhưng cũng giúp các NH này tăng quy mô vốn nhằm đối phó với những rủi ro tổn thất có thể xảy ra. Cùng với sự hỗ trợ thanh khoản, NH Nhà nước sẽ tiến hành cơ cấu lại như hạn chế cấp tín dụng, thu nhỏ quy mô hoạt động của NH đó…” - ông Nguyễn Hữu Nghĩa nói.

Quá trình mua nợ nên tiến hành một cách sòng phẳng giữa NH, DN và công ty mua bán nợ. Phân loại xong, DN có phương án tốt để hoạt động trở lại, công ty mua bán nợ có thể còn bán được với giá cao hơn sẽ đem lại khoản lời cho Nhà nước...

Ông Trần Quốc Mạnh, Tổng Giám đốc Công ty CP Sản xuất Thương mại Sài Gòn (Sadaco)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN