Ngân hàng đua tăng lãi suất cuối năm

Lãi suất huy động lại bước vào “cuộc đua” tăng, bên cạnh đáp ứng nhu cầu vốn dịp cuối năm tăng cao còn do áp lực nợ xấu.

Áp lực an toàn, nợ xấu

Chị N.L.T (trú tại Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) vừa rút sổ tiết kiệm đáo hạn tại một ngân hàng thương mại Nhà nước mang ra Ngân hàng VPBank chi nhánh Thụy Khuê gửi tiết kiệm do ngân hàng này đang có lãi suất cao hơn. Nhân viên ngân hàng tại đây cho hay, lãi suất kỳ hạn 3 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ bình thường chỉ ở mức 5,2%/năm nhưng với chương trình “Phát lộc thịnh vượng” đang được khuyến mãi lớn nên cộng tất cả lại chị T. sẽ được hưởng lãi suất lên tới 7,2%/năm với điều kiện phải viết giấy cam kết không rút trước hạn.

Theo BVSC, hiện nhóm các ngân hàng sở hữu công ty tài chính tiêu dùng có tỷ lệ nợ xấu cũng như nợ nhóm 2 vẫn đang trong xu hướng tăng. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu không có nhiều cải thiện (trừ MBB). Vì vậy, việc tăng lãi suất để huy động vốn trong nhóm các ngân hàng này có thể sẽ “lên cơn” ở từng thời điểm.

VPBank là một trong số các ngân hàng đang nâng lãi suất huy động trong dịp cuối năm ở hầu hết các kỳ hạn. SHB hay OCB cũng vừa nâng lãi suất huy động thêm lần lượt 0,6%/năm và 0,1-0,2%/năm. Các ngân hàng Nhà nước không tham gia cuộc đua tăng lãi suất nhưng một số đơn vị đẩy mạnh bán trái phiếu vào cuối năm để nâng quy mô vốn trong bối cảnh lợi nhuận vẫn phải chia cổ tức thay vì được để lại bổ sung vốn như mong muốn trong mấy năm qua.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng lý giải 3 lý do ngân hàng đua tăng lãi suất: Đáp ứng nhu cầu thời vụ giai đoạn cuối năm; Đáp ứng yêu cầu của Thông tư 16/2018/TT-NHNN (tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 45% còn 40% từ năm 2019); Phát hành trái phiếu dài hạn tăng vốn cấp 2 (đáp ứng yêu cầu an toàn vốn - CAR và chuẩn mực Basel II).

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính phân tích kỹ hơn, dù NHNN đã hạ hệ số CAR theo Thông tư 41 từ 9% còn 8% vào năm 2020 nhưng nếu tính đúng thì với thời hạn hơn 1 năm nữa nhiều ngân hàng cũng vẫn khó đạt được tỷ lệ này.

Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nợ xấu cũng khiến các ngân hàng phải tăng lãi suất. Bởi bình thường khi ngân hàng cho vay ra thì tiền quay lại khi khách hàng trả nợ. Song, khi thành nợ xấu, đồng tiền này không quay lại ngân hàng nữa. Trong khi tiền ngân hàng cho vay là tiền gửi có kỳ hạn nên khi đến hạn khách gửi muốn rút mà ngân hàng không có tiền trả thì phải huy động vốn mới để trả tiền gửi cũ. “Nên ngân hàng nào nợ xấu càng cao thì lãi suất huy động cũng cao”, ông Hiếu nhận định.

Ngoài ra, theo ông Hiếu, lãi suất đồng USD đã được Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ tăng đều trong thời gian qua nên việc các đồng tiền khác phải tăng lãi suất là không tránh khỏi. Nhưng ông Hiếu cũng lưu ý, dưới áp lực tăng tỷ giá, một số người rút tiền VND mua USD chờ tăng giá để bán kiếm lời. Và việc tăng lãi suất cũng là một cách giữ chân khách hàng để không bị xáo trộn về nguồn vốn.

Ngân hàng đua tăng lãi suất cuối năm - 1

Nhu cầu vốn cuối năm tăng, cộng áp lực nợ xấu khiến nhiều ngân hàng phải đua tăng suất để hút tiền - Ảnh: Tạ Tôn

Lãi suất cho vay sẽ tăng 0,25-0,5%?

Chính diễn biến tăng lãi suất đồng USD nói trên mà ông Lực đề xuất NHNN có thể tăng nhẹ lãi suất điều hành mà chủ yếu là lãi suất tái cấp vốn thêm 0,25%/năm (mức 6,25%/năm được áp dụng từ tháng 7/2017). Đề xuất này được hiện thực hoá rất có thể sẽ tác động tới mặt bằng lãi suất cho vay. Còn trước mắt với đợt tăng lãi suất hiện nay, ông Lực cho rằng, chưa ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất cho vay bởi định hướng của Chính phủ là giữ ổn định để hỗ trợ nền kinh tế.

Trong khi đó, Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) lại dự báo mặt bằng lãi suất tăng 0,25% - 0,5%/năm vào năm 2019. Điều này sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu vay vốn của khách hàng, nhất là doanh nghiệp.

Hiện, một số ngân hàng đã hết room tín dụng của cả năm 2018 nhưng vẫn còn nhiều ngân hàng dư dả. Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, những ngân hàng còn room vẫn có thể huy động vốn để đẩy mạnh cho vay cuối năm. Nhưng xét về cầu tín dụng năm tới, lĩnh vực “hút” nhiều vốn là bất động sản hiện đang bị “siết” thông qua việc nâng hệ số rủi ro lên 200% vào đầu năm 2018 và 250% vào đầu năm 2019 khi ngân hàng cho vay vào lĩnh vực này.

Ngoài ra, ngân hàng cũng phải hạ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 5% còn 40% vào đầu năm 2019. Do đó, tăng trưởng tín dụng năm tới có khả năng sẽ thấp hơn 17% của năm nay. BVSC dự báo tăng trưởng tín dụng trong 3-5 năm tới sẽ duy trì khoảng 14%/năm, thấp hơn so với giai đoạn 2015-2017 (trung bình 18,1%). Theo đó, tăng trưởng kinh tế dự báo chậm lại, GDP năm 2019 dự báo ở mức 6,4-6,5%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Sơn ([Tên nguồn])
Ngân hàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN