Ngân hàng đua khuyến mại 'hút' tiền gửi có đáng ngại?
Ra Tết, nhiều ngân hàng đang tranh thủ tung ra các chương trình khuyến mại lớn để hấp dẫn người dân gửi tiền. Tuy lãi suất huy động không tăng nhưng có rất nhiều phần thưởng lớn đi kèm. Điều này có đáng ngại đặc biệt khi chi phí giá vốn đầu vào lên có thể tác động đến lãi suất cho vay đầu ra hoặc tăng hoặc không giảm như kỳ vọng?
Nhà băng nhỏ đua khuyến mại sau Tết
Cụ thể, từ 2/1/2018 đến 1/4/2018, Ngân hàng NCB triển khai chương trình khuyến mại Tết “Năm mới an khang – Xe sang chờ đón”. Theo đó, với mỗi sổ tiết kiệm mới mở từ 50 triệu đồng, kỳ hạn gửi tối thiểu 01 tháng trở lên, khách hàng sẽ được tham gia quay số trúng ngay tại quầy giao dịch và quay số cuối kỳ với hàng ngàn giải thưởng hấp dẫn. Với tổng số hơn 53.000 giải thưởng và tổng giá trị giải thưởng lên đến 2,3 tỷ đồng, khách hàng gửi càng nhiều, cơ hội trúng thưởng càng cao.
Ngân hàng tranh thủ hấp dẫn khách hàng bằng các chiêu khuyến mại
Đối với TPBank, khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy hoặc qua eBank có cơ hội nhận lì xì lộc xuân với những mệnh giá mang ý nghĩa tài lộc may mắn, hay Sacombank cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm số tiền từ 100 triệu đồng kỳ hạn 1 tháng hoặc từ 30 triệu đồng kỳ hạn 6 tháng trở lên bốc thăm trúng 100% bao lì xì mệnh giá 20.000 đồng, 60.000 đồng, 80.000 đồng...
Còn như tại Eximbank, vào ngày đầu tiên hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán (21/2), khách hàng gửi tiết kiệm ở đây sẽ nhận mức lãi suất tăng 0,1-0,2% so với trước, tuỳ kỳ hạn. Hiện lãi suất cao nhất của Eximbank là 8% với kỳ hạn 24-36 tháng.
Tương tự, Techcombank ngay sau Tết Nguyên đán cũng nhích nhẹ lãi suất huy động. Lãi suất cao nhất của ngân hàng này là 7,1% ở kỳ hạn 18 tháng. Nam A Bank cũng công bố biểu lãi suất mới với tiền đồng, tăng 0,1-0,2% mỗi năm ở một số kỳ hạn. Thậm chí, khi khách hàng đến quầy gửi số tiền từ 100 triệu đồng trở lên với kỳ hạn trên 6 tháng thì được ngân hàng này cộng thêm 0,5-1% lãi suất so với bảng niêm yết, tuỳ trường hợp.
Tuy nhiên, trong khi khối cổ phần tăng mạnh lãi suất thì khối NHTM Nhà nước vẫn khá bình chân. Tại nhóm ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank, VCB, Agribank lãi suất dừng ở mức 5,1 - 5,3% một năm. “Ngân hàng chúng tôi khá dồi dào về nguồn về huy động, dù lãi suất có thấp hơn nhiều nhà băng nhỏ nhưng lượng tiền gửi từ khu vực dân cư vẫn tăng mạnh”, một lãnh đạo Vietcombank cho biết.
Các NHTM đang tranh thủ đầu năm Tết ra kéo khách đến gửi tiền
Lãi suất ngân hàng nhỏ tăng vì sao?
Theo số liệu thống kê, năm 2017, tổng tài sản hệ thống tín dụng bao gồm ngân hàng và phi ngân hàng là 9 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi bao gồm người dân và doanh nghiệp và định chế tài chính khác ở mức khoảng 7 triệu tỷ đồng. Số liệu ước tính, trong số 7 triệu tỷ đồng, huy động vốn dân cư khoảng 60% (khoảng 4,2 triệu tỷ đồng), tổ chức 40%. Ngoài các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, vàng…, gửi tiết kiệm vẫn tiếp tục là kênh đầu tư được nhiều người dân lựa chọn bởi tính an toàn và hiệu quả.
“Lãi suất tiết kiệm hiện đang duy trì ở mức từ 5-8%/năm tùy kỳ hạn ngắn, dài vẫn được nhiều người lựa chọn với mức sinh lời khá tốt mà lại tương đối an toàn trong bối cảnh hiện nay”, một chuyên gia nhìn nhận. Về việc khuyến mại của nhiều nhà băng nhỏ, vị chuyên gia cũng cho rằng chắc chắn họ bị áp lực về cơ cấu lại nguồn vốn nhưng cũng không quá đáng ngại về áp lực tăng đầu vào. "Các chương trình khuyến mại đã được tính toán kỹ trong chi phí nên các ngân hàng sẽ không dám đẩy vào lãi suất đầu ra đâu" vị này nhận định.
Thông tin trên thị trường tiền tệ cho thấy: năm 2017, lãi suất trên thị trường 1 (tiền gửi dân cư, doanh nghiệp) đang ổn định nhất kể từ năm 2015. Lãi suất huy động VNĐ kỳ hạn trên 12 tháng phổ biến ở mức 6,4-7,2%. Lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm khoảng 0,5-1% so với đầu năm. Đối với khu vực sản xuất kinh doanh thông thường, lãi suất cho vay ở mức 6,8-11%/năm.
Nhìn vào bức tranh vĩ mô 2018 về phần lãi suất, Ủy ban giám sát cũng nhận định: Mặc dù thanh khoản hệ thống khá tốt, các điều kiện vĩ mô tương đối thuận lợi, lãi suất có tín hiệu giảm nhưng chưa như kỳ vọng vì: Thứ nhất, thị trường tiền gửi và thị trường liên ngân hàng kém liên thông.
Thứ hai, nợ xấu vẫn là rào cản lớn cho việc hạ lãi suất trong khi NIM của các TCTD vẫn còn ở mức khiêm tốn so với các nước trong khu vực. NIM của hệ thống ngân hàng tuy có xu hướng tăng trở lại (ở mức từ 2,74% năm 2014 lên mức khoảng 3% năm 2017) nhưng vẫn thấp so với các nước như Thái Lan (3,07%), Indonesia (5,82%), Philippines (3,58%). Điều này khiến các TCTD không có nhiều động lực để giảm lãi suất cho vay.
"Lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức khá thấp trong khi lãi suất trên thị trường tiền gửi giảm không nhiều, do thanh khoản dồi dào trên thị trường tập trung chủ yếu ở các TCTD lớn. Một số TCTD nhỏ hoặc thuộc diện tái cơ cấu thiếu vốn vẫn khó khăn trong việc cận dòng vốn lãi suất thấp trên thị trường liên ngân hàng, buộc phải giữ nguyên hoặc tăng lãi suất huy động trên thị trường tiền gửi.", Ủy ban giám sát nhận định.