Ngân hàng đông nhưng chưa mạnh
Mỗi năm, hệ thống ngân hàng nộp ngân sách vài chục ngàn tỉ đồng nên mức sụt giảm 20%-30% là đáng kể
Không hấp dẫn nhà đầu tư, thị trường chứng khoán chưa thể thu hút những dòng vốn lớn Ảnh: TẤN THẠNH
Mới đây, đánh giá kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội lưu ý việc thu NSNN từ lĩnh vực ngân hàng (NH) đang giảm.. Vì thế, cần phân tích, tìm nguyên nhân để khắc phục trong thời gian tới, bảo đảm tăng thu NSNN.
Trả giá nợ xấu
Mức sụt giảm của tỉ lệ đóng góp vào NSNN từ khu vực NH trong năm 2015, theo TS Cao Sỹ Kiêm - thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia - là khoảng 20%-30% so với năm trước. TS Cao Sỹ Kiêm cho biết mỗi năm, hệ thống NH nộp NSNN vài chục ngàn tỉ đồng nên mức sụt giảm này là đáng kể.
Trái với sự ảm đạm của các NH, thị trường tài chính năm 2015 nhìn chung có khởi sắc. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy doanh thu của thị trường bảo hiểm năm 2015 đạt 81.636 tỉ đồng, tăng 24,43% so với năm 2014. Thị trường chứng khoán cũng phát triển ổn định và tăng khá so với các nước trong khu vực, mức vốn hóa tăng 15% so với cuối năm 2014, tương đương 15% GDP. Dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài tích cực hơn so với các nước trong khu vực và đạt mức cao nhất từ trước đến nay là trên 15 tỉ USD.
Không hấp dẫn nhà đầu tư, thị trường chứng khoán chưa thể thu hút những dòng vốn lớn Ảnh: TẤN THẠNH
TS Cấn Văn Lực, hàm Phó Tổng Giám đốc NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), phân tích nguyên nhân khiến cho khoản thu NSNN từ lĩnh vực NH giảm là do năm qua, hệ thống này quyết liệt xử lý nợ xấu, vừa bán nợ xấu vừa dùng tiền trích lập dự phòng rủi ro để đưa nợ xấu về mức dưới 3%. Trong số nợ xấu, các NH tự xử lý được khoảng 58%, bán cho Công ty Quản lý nợ xấu (VAMC) 42%. Phần nợ xấu bán rồi, NH vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro mỗi năm 20%.
“Vừa trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu vừa bán cho VAMC nên lợi nhuận của các NH giảm mạnh trong mấy năm vừa qua. Tất nhiên, có NH có lãi nhưng nhiều NH nhỏ lỗ. Cho nên, bình quân tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của hệ thống NH có tăng nhưng vẫn rất thấp so với khu vực, chỉ đạt khoảng hơn 6%, trong khi tỉ lệ này ở khu vực là 10%-12%, thậm chí 15%” - TS Cấn Văn Lực nói.
Để tăng thu ngân sách, TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng cần kiểm soát chặt chất lượng tín dụng, giảm chi phí, tăng tiết kiệm nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống NH.
Phản ánh sức khỏe nền kinh tế
Hiện nay, NH đóng vai trò chi phối trong hệ thống tài chính Việt Nam. Cụ thể, trong quy mô thị trường tài chính, NH chiếm 75% GDP, trái phiếu Chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp 19%, thị trường chứng khoán 14%, bảo hiểm hơn 1%. Đến cuối năm 2014, tổng tài sản của hệ thống NH đạt trên 6,5 triệu tỉ đồng, chiếm hơn 86% tổng tài sản của các định chế tài chính.
PGS-TS Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết hệ thống tài chính Việt Nam năm 2014 đạt đến quy mô 191% GDP. Việt Nam có số lượng NH, công ty tài chính, công ty bảo hiểm phát triển nhanh nhưng thiếu các định chế tài chính quy mô lớn và có đủ năng lực cạnh tranh ở mức trung bình trong khu vực. Tuy có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam và thị trường bảo hiểm còn khá thấp so với các nước trong khu vực. Doanh thu phí bảo biểm của Việt Nam năm 2014 chỉ đạt 2,9 tỉ USD. Trên thế giới, các công ty bảo hiểm đầu tư chủ yếu vào thị trường vốn còn tại Việt Nam, công ty bảo hiểm (đặc biệt là công ty bảo hiểm của nhà nước) chủ yếu gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm. Chẳng hạn, PVI gửi 83,4%, Pjico gửi 85,6% tài sản vào tài khoản NH. Đối với thị trường chứng khoán, mức vốn hóa thị trường chỉ đạt trên 25% GDP.
“Là kênh dẫn vốn chủ yếu của nền kinh tế, sức khỏe của NH phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, NH sụt giảm lợi nhuận, nộp ngân sách giảm thì nền kinh tế không thể nhộn nhịp” - TS Cao Sỹ Kiêm nhận định.