Ngân hàng đồng cảm, chứ không cứu DN?
Dù Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng phải hạ ngay lãi suất các khoản vay cũ về 15%/năm, lãi suất vay mới đối với các lĩnh vực ưu tiên không quá 13%/ năm, nhưng các doanh nghiệp không mấy lạc quan về khả năng được cứu.
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen, cho rằng với lãi suất 15%, doanh nghiệp (DN) vẫn không thể sống được. Nếu được giảm thêm thì may ra DN mới có hy vọng dựa vào bản năng sinh tồn để gượng dậy.
Không kỳ vọng
Phó tổng giám đốc ngân hàng (NH) Phát triển Việt Nam (VDB), ông Trần Phú Minh, cho biết, Hiệp hội chế biến, xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng đã đề nghị đưa lãi suất kỳ hạn xuống dưới 10% mới có thể giải cứu được DN. Nhưng việc này, theo ông Minh là nằm ngoài khả năng của NH trong thời điểm này. Trong khi đó, bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang, than phiền các DN trong tỉnh vốn sống dựa vào lúa gạo và cá tra xuất khẩu, nhưng lãi suất vay trong một thời gian dài ở mức 20 – 25% đã bào mòn hiệu quả của DN. Trong khi xuất khẩu đình đốn, 6 tháng đầu năm lượng gạo xuất khẩu chỉ đạt khoảng 79% so với cùng kỳ năm trước. Từ nông dân đến DN đều bất an, người nuôi cá còn cá trong ao thì không chấp nhận bán chịu cho DN vì sợ bị xù nợ, nếu hết cá thì treo ao vì lỗ tới 5.000 – 6.000 đồng/kg. Lúa giảm liên tục, người trồng lúa trông chờ vào chương trình mua tạm trữ, nhưng cả nước mới mua nửa triệu tấn trong khi riêng lượng lúa hàng hóa tại An Giang đã gần 1 triệu tấn. “Gần đây chúng tổ chức 4 – 5 hội nghị tháo gỡ khó khăn cho DN nhưng bế tắc vẫn bế tắc…”, bà Tuyết ngao ngán.
Phía DN thì tỏ ra không mấy lạc quan về khả năng vay được vốn từ NH. Ông Đỗ Hà Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex, cho biết 6 tháng đầu năm DN của ông xuất khẩu đạt 500 triệu USD. Là khách hàng đáng tin cậy của các NH, nhưng chưa bao giờ ông vay được quá 50% nhu cầu, trong khi ít nhất phải từ 70% mới có thể giải quyết được khó khăn, buộc ông phải tìm đến những nguồn tín dụng khác.
Lãi suất còn cao khiến DN mất niềm tin trước hàng loạt biện pháp hỗ trợ, giải cứu
Buôn một lỗ ba!
Theo ông Đỗ Hà Nam, khó khăn về vốn kéo theo hàng loạt những hệ lụy về thị trường xuất khẩu. Khách hàng tìm mọi cách ép giá khi thấy DN Việt Nam chịu áp lực bán hàng để lấy tiền trả NH. Nhiều DN năm trước phải nhập khẩu hạt điều nguyên liệu với giá 40.000 đồng/kg, nhưng giá điều rớt xuống chỉ còn 20.000 đồng/kg, tính ra DN nào có khoảng 10.000 tấn điều (tính mức giá lúc cao điểm 400 tỷ đồng) trong kho giờ chỉ bán được chừng 100 tỷ đồng, lỗ khoảng 300 tỷ đồng.
Ông Nam nói chưa bao giờ ngành điều đau thương đến thế. DN lớn không có tiền trả DN nhỏ, DN nhỏ không đủ tiền để nộp thuế VAT, nhiều DN còn vay nóng tiền của nông dân, hệ quả là sự sụp đổ theo dây chuyền. Giữa lúc này thương nhân Trung Quốc thừa cơ, vào tận kho DN lựa chọn mua hàng trả giá, thay vì để các DN chào hàng như trước đây. “Họ đi lại tự do như người VN, đặt hàng rồi hủy, mua hàng xù tiền, ngay cả những biện pháp thanh toán được xem là an toàn nhất là mở LC với thương nhân Trung Quốc cũng không còn an toàn nữa”, ông Nam bức xúc.
Khốn khổ với thép Trung Quốc Ông Lê Phước Vũ cảnh báo, những năm trước đây lượng thép từ Trung Quốc vào ít, vì giá thép của nước này ngang bằng, thậm chí cao hơn thép Việt Nam. Nhưng hiện giá đã về mức thấp hơn. Sản lượng thép tại Trung Quốc tới 700 triệu tấn, trong khi nhu cầu của Việt Nam chỉ khoảng 10 triệu tấn/năm. Nếu tận dụng kẽ hở về thuế (thép nhập bị đánh thuế nhưng nếu pha trộn thêm thành phần và khai thành hợp kim sẽ được hoàn 70% thuế), Trung Quốc chỉ cần đẩy 1 - 2% lượng thép của họ sang cũng đủ giết chết các DN thép Việt Nam. |
Ngân hàng chỉ… đồng cảm
Không hy vọng được cứu, nên tại buổi tọa đàm gỡ khó cho DN trong sản xuất, xuất khẩu ngày 17/7, được Bộ Công thương tổ chức, lượng DN ít ỏi đến chỉ hy vọng nhận được động thái tích cực nào đó từ phía các NH, nhưng nhiều người chẳng thể lạc quan thêm. Ông Đỗ Hà Nam cho hay, do khó vay vốn, nhiều DN đã phải học theo cách làm của các DN Ấn Độ, là thành lập DN ở nước ngoài, sau đó vay vốn từ các NH ngoại rồi về Việt Nam mua hàng.
Ông Trần Phú Minh thừa nhận, mức lãi suất hiện nay vẫn cao so với kỳ vọng của DN, nhưng khó có thể làm khác trong thời điểm hiện nay. Theo kế hoạch cho vay, dư nợ năm nay của VDB khoảng 18.000 tỷ đồng, nhưng 6 tháng đầu năm mới chỉ cho vay khoảng 8% số đó. Song những DN được vay phải rà soát rất kỹ về khả năng kinh doanh. “Những DN khó khăn thực sự, khó vượt qua thì VDB không thể hỗ trợ”, ông Minh nói. NH này dự kiến 6 tháng cuối năm cho vay thêm từ 3.000 – 5.000 tỷ đồng, chủ yếu cho DN khối thủy sản.
Song ông Cát Quang Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng, NHNN tỏ ra phấn khởi vì sau 10 ngày triển khai hạ lãi suất đã có 10 NH (trong đó có 4 NH nhà nước), khoảng 90% tổ chức tín dụng thực hiện đúng chủ trương này, và đến nay chưa thấy có khiếu nại nào về chuyện DN phải vay vượt khung. Ông Dương cũng thừa nhận lãi suất vẫn cao trong khi mọi chi phí sản xuất của DN trong nước thua xa các nước trong khu vực, công nghệ lạc hậu… là thiệt thòi cho DN. “Nhưng DN tự gỡ là chính chứ dựa vào NH hơi… khó”, ông Dương nói.
Thông tin mới đây cho biết, thực hiện theo chủ trương tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) triển khai chiến dịch “Sacombank đồng hành cùng doanh nghiệp”. Theo đó, ngày 17/7/2012, Sacombank đã ký kết biên bản thỏa thuận hỗ trợ 1.110 tỷ đồng vốn ưu đãi cho 16 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM nhằm góp phần giúp các doanh nghiệp ổn định nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Chương trình có sự tham dự của bà Quách Tố Dung - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, ông Phạm Văn Huỳnh - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, bà Nguyễn Bích Nam - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM. Các doanh nghiệp tham gia ký kết thỏa thuận nhận nguồn vốn ưu đãi từ Sacombank là các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sản xuất kinh doanh hàng tiêu dùng, thực phẩm, dược phẩm, nguyên vật liệu xây dựng, máy móc… với mức vay từ 30 - 300 tỷ đồng/doanh nghiệp và thời hạn vay tối đa 6 tháng. Mức lãi suất Sacombank áp dụng cho các khoản vay là 13%/năm được cố định trong 3 tháng đầu. Những khoản vay theo thỏa thuận này sẽ được giải ngân từ nay đến ngày 31/12/2012. Được biết, nguồn vốn 1.110 tỷ đồng này thuộc gói 2.000 tỷ đồng của chương trình “Cho vay ưu đãi USD và VND đối với khách hàng doanh nghiệp” Sacombank vừa triển khai từ ngày 10/7/2012. Chương trình “Cho vay ưu đãi USD và VND đối với khách hàng doanh nghiệp” của Sacombank bao gồm gói 2.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi lãi suất 13%/năm cho các khoản vay mới và gói 50 triệu USD cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu vay ưu đãi lãi suất từ 4,5%/năm. Từ thời điểm triển khai đến ngày 16/7/2012, Sacombank đã giải ngân được trên 400 tỷ đồng và 30 triệu USD nhằm chia sẻ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc ổn định nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm. Như vậy, từ đầu năm đến nay, Sacombank đã triển khai tổng cộng 12 gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp với tổng nguồn vốn là 5.500 tỷ đồng và 180 triệu USD. |