Ngân hàng, doanh nghiệp bí đầu ra
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo phải khơi thông vốn tín dụng mới có cơ sở để kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn.
Tín dụng đã quay đầu tăng trưởng dương từ tháng 3 và tăng tốc mạnh hơn trong tháng 4 nhưng tính chung 4 tháng đầu năm, tổng tăng trưởng tín dụng mới chỉ đạt 3,09% so với tháng 12-2013. Cả ngân hàng (NH) và doanh nghiệp - “cặp bài trùng” - đều giảm lợi nhuận vì đang bí đầu ra.
Tài sản tăng, lợi nhuận giảm
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (NFSC), năm 2013, tổng tài sản của hệ thống NH đã tăng 15% so với năm 2012. Nếu nhìn vào con số thì thấy bình thường nhưng thực chất đây là mức tăng khá cao vì hiện tại tổng tài sản của hệ thống NH đã lớn hơn nhiều so với trước đây. Cơ cấu tài sản cũng được cải thiện theo hướng tích cực hơn. Trước đây, cứ 100 đồng thì 77 đồng là tiền huy động, 23 đồng là tiền vay mượn trên thị trường liên NH. Nhưng năm 2013, tiền điều phối của các NH gửi cho nhau chỉ còn 17%, giảm được 6%. Ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch NFSC, phân tích: “Nói nôm na là 6 đồng đã được bù đắp từ tiền gửi của dân, hạn chế vay mượn và hạn chế rủi ro trên thị trường liên NH, đây là xu hướng tốt hơn”.
Đáng lưu ý là tính thanh khoản của các NH đã tăng khi vốn huy động tăng tới 23,6%, lãi suất huy động bình quân giảm 2%. Lãi suất cho vay cũng giảm từ mức 20% của năm 2011 xuống còn 12%. Tình trạng đô la hóa cũng giảm mạnh, tín dụng VNĐ chiếm 85% trong khi tín dụng ngoại tệ chỉ chiếm 15% trong tổng tín dụng. Đường cong lãi suất đã vận hành đúng nguyên lý kinh tế, lãi suất tiền gửi dài hạn cao hơn lãi suất ngắn hạn.
Ngân hàng đang thừa tiền trong khi doanh nghiệp lại không có vốn để tổ chức sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Chế biến điều xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Bình Phước Ảnh HỒNG THÚY
Tổng tài sản tăng, chất lượng tài sản cũng tăng lên, thanh khoản dồi dào nhưng hiệu quả sinh lời của hệ thống NH lại giảm mạnh. ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) đã giảm từ mức 15% năm 2009 còn 6% năm 2013, ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản) giảm từ mức 1,12% xuống còn 0,56%. Tức là trước đây, 100 đồng tài sản thì NH lãi 1,1 đồng nhưng nay giảm xuống còn 50 xu. Đó là tính chung cả hệ thống, riêng ở một số NH, lợi nhuận chỉ được 1% thậm chí còn âm.
Vốn đổ vào trái phiếu Chính phủ
Huy động tăng nhưng khó cho vay, các NH đang tìm nơi “trú ẩn” ở trái phiếu Chính phủ. Năm 2013, giá trị phát hành trái phiếu Chính phủ đạt gần 195.000 tỉ đồng, tăng 16% so với năm 2012. Giá trị giao dịch thứ cấp cũng đạt kỷ lục 405.000 tỉ đồng, tăng 91% so với năm 2012. NH thừa vốn trong khi doanh nghiệp lại không có vốn để tổ chức sản xuất, kinh doanh. Nghịch lý này không được giải quyết sẽ tiếp tục gây nghẽn mạch cho nền kinh tế.
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch NFSC, phân tích 3 yếu tố có thể gây nghẽn tín dụng, đó là cung, cầu và các vấn đề kỹ thuật (rào cản pháp lý). Theo ông Ngoạn, cung tín dụng đang rất tốt vì thanh khoản của NH hiện nay dồi dào, đủ và thừa nguồn tiền cho vay. Về kỹ thuật thì vẫn còn điểm nghẽn, có vấn đề cản trở doanh nghiệp tiếp cận vốn. Nhưng nguyên nhân chính là cầu yếu, nhiều doanh nghiệp chỉ hoạt động 50%-60% công suất, một số phá sản, ngừng hoạt động nên không có nhu cầu vay vốn. Do đó, để khơi thông dòng chảy tín dụng, trước mắt cần duy trì cầu ở mức hợp lý, còn bài toán lâu dài là phải nâng cao năng suất lao động, tăng cường quản trị, tạo sức bật chung cho cả nền kinh tế.
Với nhận định tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát có cơ sở kiểm soát dưới 6%, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục yêu cầu NH Nhà nước phải có kế hoạch chủ động giảm ngay lãi suất, không phải chờ đến cuối năm.
Nhiều gói tín dụng ưu đãi Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NH Nhà nước, cho biết đã lên kế hoạch xây dựng các chương trình tín dụng quy mô lớn với mức lãi suất ưu đãi áp dụng cho một số ngành nghề. Đó là các gói tín dụng 10.000 tỉ đồng trong lĩnh vực thủy sản, dành cho doanh nghiệp ngư dân vay phục vụ đóng mới tàu vỏ sắt, cải hoán nâng cấp tàu cũ để vươn khơi bám biển với lãi suất ưu đãi 5%/năm, thời hạn cho vay tối đa 10 năm. Tiếp theo là gói tín dụng quy mô tới 12.000 tỉ đồng phục vụ cho nhu cầu vay vốn tái canh cây cà phê tại Tây Nguyên. |