Ngân hàng "đào vàng" ở nước ngoài

Không chỉ đẩy mạnh chiếm lĩnh thị trường nội địa, các ngân hàng Việt Nam còn nuôi tham vọng vươn mình ra thế giới.

Tuy nhiên, các ngân hàng Việt Nam mới chỉ thực hiện bước đi ban đầu là mở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc thành lập ngân hàng con ở nước ngoài.

Tham vọng

Hiện nhiều ngân hàng Việt Nam đã và đang có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài bên cạnh các nhà băng đã có mặt ở một số quốc gia trên thế giới, chủ yếu là các nước có số lượng doanh nghiệp (DN) Việt hoạt động nhiều.

Chẳng hạn, với Sacombank, sau một thời gian hoạt động dưới hình thức chi nhánh tại thị trường Campuchia, Ngân hàng đã quyết định chuyển đổi chi nhánh thành ngân hàng con 100% vốn trực thuộc Sacombank, với vốn điều lệ 38 triệu USD.

MB đã khai trương chi nhánh tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia, với vốn pháp định 39 triệu USD vào cuối năm 2011. Đây là ngân hàng Việt Nam thứ 4 đầu tư vào Campuchia, sau Agribank, BIDV, Sacombank. MB tin rằng, chi nhánh Phnom Penh là một hướng mở rộng kinh doanh chiến lược của Ngân hàng trong thời gian tới, sau khi MB mở chi nhánh nước ngoài đầu tiên tại Lào vào cuối năm 2010 với số vốn 12 triệu USD.

SHB cũng chính thức mở chi nhánh tại Campuchia vào trung tuần tháng 2/2012 ở thủ đô Phnom Penh. Chủ tịch HĐQT SHB, ông Đỗ Quang Hiển cho biết, SHB coi Campuchia là thị trường đầu tư nước ngoài đầu tiên trong chiến lược lâu dài đưa SHB trở thành một ngân hàng bán lẻ hiện đại trong nước và khu vực.

Còn Maritime Bank cũng đang trong quá trình làm thủ tục thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài tại Campuchia và dự kiến sẽ chính thức đưa vào hoạt động trong năm 2012 này.

Ngân hàng "đào vàng" ở nước ngoài - 1

Các ngân hàng Việt Nam nuôi tham vọng vươn mình ra thế giới.

Ngày 9/4 vừa qua, VietinBank đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp nhận nguyên tắc việc thành lập ngân hàng con trên cơ sở chuyển đổi chi nhánh tại Đức, với tổng số vốn đầu tư dự kiến là 50 triệu EUR. Trong đó, vốn điều lệ ban đầu là 25 triệu EUR. Chủ tịch HĐQT VietinBank, ông Phạm Huy Hùng cho biết, VietinBank đã sẵn sàng cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hữu ích cho cộng đồng người Việt tại Đức, các cá nhân, doanh nghiệp Đức cũng như thông tin về các cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.

Theo lãnh đạo các nhà băng, việc mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế là nhằm đẩy mạnh kế hoạch phát triển và tận dụng các cơ hội kinh doanh. Mặt khác, ngân hàng Việt Nam có những lợi thế nhất định, chẳng hạn như khác với Malaysia và Indonesia, Việt Nam có điều kiện và thực tế có hoạt động mậu dịch cận biên rất sôi động.

… và thực tế

Theo MB, chỉ với mức vốn đầu tư 12 triệu USD ban đầu cho chi nhánh tại Lào, nhưng tính đến cuối năm 2011 (chỉ sau một năm hoạt động), Chi nhánh đã có lãi khoảng 500.000 USD và dư nợ tín dụng đạt khoảng 100 triệu USD. Vì thế, việc mở chi nhánh tại Campuchia cũng được MB kỳ vọng sẽ đạt kết quả tốt. Một số DN là khách hàng truyền thống của MB đang hoạt động rất thành công ở thị trường này và không ít DN, tập đoàn kinh tế Việt Nam đang có kế hoạch đầu tư vào thị trường Campuchia. Năm 2012, MB đặt kế hoạch đạt dư nợ hơn 200 triệu USD đối với chi nhánh vừa khai trương ở Campuchia.

Còn với Sacombank Campodia, sau hơn 2 năm hoạt động dưới hình thức chi nhánh ở thị trường này, tính đến 20/3/2012, Ngân hàng đã đạt tổng huy động vốn 47 triệu USD, dư nợ cho vay 60 triệu USD, lợi nhuận trước thuế đạt trên 2 triệu USD. Doanh số chuyển tiền hai chiều Campuchia - Việt Nam qua Ngân hàng cũng đạt con số 521 triệu USD. Đến nay, Sacombank Campodia đã có 4 chi nhánh trực thuộc đi vào hoạt động ở thị trường Campuchia và tham vọng sẽ còn mở rộng quy mô thời gian sắp tới.

Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà thì cho biết, BIDV đã và đang tiến hành đầu tư rộng hơn ra một số nước như Lào, Campuchia, Séc, Myanmar. Trong các năm qua, hoạt động của BIDV tại Lào, Campuchia, Séc đạt hiệu suất cao. Cụ thể, tại thị trường Lào, các hoạt động đầu tư của BIDV đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn (ROE) là 19%. Tại Campuchia, ROE là 2%, ước tính đến hết năm 2011 là 8%.

Hầu hết ngân hàng khi mở chi nhánh ở nước ngoài đều hướng đến các đối tượng có quan hệ với Việt Nam. Trong đó, chủ yếu vẫn là những DN Việt đang hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, khách hàng Việt kiều. Mặt khác, tăng cường đầu tư ra nước ngoài cũng là cơ sở để các ngân hàng Việt mở rộng các hoạt động thu hút vốn trong bối cảnh hoạt động tín dụng trong nước trở nên khó khăn hơn.

Nhu cầu giao thương của Việt Nam với các nước trên thế giới và ngược lại là rất lớn. Việc ngân hàng Việt mở rộng sự hiện diện ở nước ngoài ngày càng nhiều cùng làn sóng đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài được xem là điều tích cực. Tuy nhiên, theo một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, điều đó không có nghĩa các ngân hàng chỉ chạy đua để lấy tiếng mà cần phải từng bước xây dựng được thương hiệu của mình ở thị trường bạn, còn không sẽ rất dễ bị đào thải.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Vinh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN