Ngân hàng đang mua bán nợ xấu lẫn nhau

Đó là thông tin được chuyên gia cung cấp tại Hội nghị “Ổn định tài chính khu vực Đông Á” ngày 27 và 28-11. Hệ thống ngân hàng Việt Nam bị đánh giá đang ở chuẩn quản trị rủi ro rất thấp so với các nước trên thế giới.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nói: Nhiều tổ chức tài chính quốc tế như IMF, WB và Ngân hàng thanh toán Quốc tế (BIS) đánh giá tiến trình cải cách tài chính trên thế giới đang phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức.

Ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ khu vực sử dụng đồng Euro, cùng những bất cập nội tại của nền kinh tế khu vực Đông Á đang đòi hỏi các nhà lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, cùng cơ quan giám sát phải tiếp tục và đẩy nhanh lộ trình cải cách tài chính một cách mạnh mẽ, tăng cường phối hợp chính sách và giám sát thị trường một cách hiệu quả, phát triển an toàn và bền vững hơn.

Trong bối cảnh tài chính quốc tế và Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều hiểm họa, Hội nghị lần này thể hiện quyết tâm mạnh mẽ đổi mới nền tài chính theo hướng an toàn, vững chắc, tạo tiền đề duy trì sự tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Ngân hàng đang mua bán nợ xấu lẫn nhau - 1
Hệ thống ngân hàng VN chưa đề cao vấn đề quản lý rủi ro.

Theo các chuyên gia, sau cuộc khủng hoảng của hàng loạt ngân hàng trên thế giới, phản ứng chính sách đầu tiên của các quốc gia là cẩn trọng điều hành chính sách vĩ mô khi sử dụng các công cụ như: tăng dự trữ bắt buộc, trích lập dự phòng rủi ro, các chuẩn mực kế toán, siết chặt cho vay, hỗ trợ tổ chức tài chính mất thanh khoản…

Đặc biệt, các định chế tài chính ban hành các tiêu chuẩn quản trị rủi ro, an toàn vốn - Basel III nhằm tăng cường giám sát, quản lý rủi ro mang tính hệ thống hiệu quả hơn.

Basel III đã được áp dụng tại các ngân hàng của 14 quốc gia châu Âu, giúp tăng trưởng nguồn vốn mới có chất lượng hơn.

Theo đánh giá của World Bank và IMF, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn chưa thực hiện được hết các tiêu chuẩn của Basel I.

Còn Ngân hàng Nhà nước đưa ra mục tiêu khá “khiêm tốn”: đến năm 2015 sẽ đạt được đầy đủ cấu phần của Basel I, cố gắng đạt một phần tiêu chí của Basel II.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng tỏ ra lo ngại: “Quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, mua bán - sáp nhập đang chậm lại vì chưa xử lý được các vấn đề nợ xấu, tháo gỡ tín dụng cho doanh nghiệp. Đặc biệt, là mối quan hệ sở hữu chằng chịt giữa các ngân hàng, lợi ích nhóm”.

Vì nhiều ngân hàng, doanh nghiệp không minh bạch tài chính, nên cơ quan quản lý không thể xác định quy mô và chất lượng nợ xấu, ai đang thâu tóm và thao túng ngân hàng, mối quan hệ nào chi phối lợi ích…

Trao đổi với phóng viên, TS Cấn Văn Lực, cho biết, hiện các ngân hàng đã áp dụng một cách xử lý nợ xấu - vốn không hề mới - nhưng lại khá hiệu quả.

Đó là các ngân hàng mua bán nợ lẫn nhau trên sổ sách và khoản nợ xấu sẽ được “dọn” khỏi bảng cân đối kế toán. Ngân hàng mua khoản nợ xấu có thể hạch toán vào mục khác, để không bị đánh giá là nợ xấu.

Ông Lực cho biết: “Hoạt động mua bán nợ giữa các ngân hàng Việt Nam hiện chưa đồng bộ về pháp lý. Các ngân hàng hiện chưa dám làm mạnh, chỉ mới mua bán nợ của nhau trên sổ sách. Hoặc chỉ chuyển nhượng một số khoản nợ”.

Theo ông Lực, với tỷ lệ nợ xấu nhỏ (dưới mức 3%) thì ngân hàng có thể tự xử lý, mua bán nợ. Còn nợ xấu lớn hơn, cần có công ty mua bán nợ quốc gia mới xử lý được.


Một khảo sát mới đây của tổ chức tài chính nước ngoài cho thấy, có 58% người được hỏi sẵn sàng mua tài sản nợ xấu tại Việt Nam. Vấn đề là giá cả (tỷ lệ chiết khấu trên khoản nợ), cơ chế pháp lý.

Do đó, nếu có cơ chế và hành lang pháp lý để quản lý hoạt động này thì đây cũng là một giải pháp để giải quyết khối nợ xấu của ngân hàng.

Ngân hàng phải đánh giá lại tài sản thế chấp

Ngày 27-11, Ngân hàng nhà nước (NHNN) có văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm việc trích lập dự phòng, xử lý tài sản để thu hồi nợ. NHNN yêu cầu các ngân hàng xử lý rủi ro phải rà soát, đánh giá lại khả năng phát mại tài sản bảo đảm, giá trị thị trường của tài sản để xác định giá trị và tỷ lệ khấu trừ hợp lý, trích lập tối đa dự phòng rủi ro để tạo nguồn xử lý nợ xấu ngay trong năm 2012.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Hằng (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN