Ngân hàng cắt giảm hàng loạt phí giao dịch

Các loại phí dịch vụ thẻ, dịch vụ ngân hàng được các ngân hàng cắt giảm trong thời gian qua. Tiêu biểu như phí chuyển tiền, phí xác nhận cam kết thanh toán, phí liên quan đến cho vay như như phí tư vấn, thu xếp, thẩm định dự án...

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến Cải cách hành chính và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghị quyết 19 và nghị quyết 35 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) ngành ngân hàng do Ngân hàng nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 18/10.

Theo đó, ngân hàng BIDV, giai đoạn 2016-2018 đã giảm hoặc miễn phí 9 loại phí, gồm: giảm phí chuyển tiền, miễn phí đăng ký sử dụng dịch vụ, miễn phí thường niên cho tất cả các dịch vụ BIDV online, BIDV Business, BIDV Bank Plus, BIDV Smartbanking, bỏ nhiều loại phí đăng ký dịch vụ/chấm dứt sử dụng dịch vụ...

Ngân hàng MB bank cắt giảm 16 loại phí, gồm: 3 loại phí xác nhận cam kết thanh toán, 5 loại phạt liên quan đến thực hiện cam kết, 6 loại phí liên quan đến TSBĐ, 2 loại phí liên quan đến hoạt động cấp tín dụng. Giảm 2 loại phí kiều hối; cắt giảm các loại phí liên quan đến thẻ; điều chỉnh giảm 50% thay cho 30% đối với phân khúc khách hàng Super VIP khi giao dịch chuyển khoản khác hệ thống đối với khách hàng cá nhân. Đối với khách hàng DN lược bỏ phí chuyển khoản khác hệ thống qua thanh toán bù trừ điện tử.

Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) thực hiện Chương trình Zero fee (miễn phí 100%) cho cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong chuyển tiền. Số tiền miễn phí chuyển tiền giá trị cho người dân, doanh nghiệp tương ứng hơn 100 tỷ đồng.

Ngân hàng OCB định kỳ 3 tháng/lần rà soát biểu phí theo hướng phù hợp với xu hướng chung và đảm bảo cạnh tranh trên thị trường.

Ngân hàng cắt giảm hàng loạt phí giao dịch - 1

Khách hàng giao dịch tại ngân hàng. Ảnh minh họa

Đối với việc loại bỏ phí không hợp lý liên quan đến hoạt động cho vay: BIDV đã cắt giảm các loại phí như Phí tư vấn/thu xếp/thẩm định dự án; bỏ phí duy trì hạn mức, điều chỉnh tăng hạn mức, gia hạn hạn mức; không áp dụng các loại phí như: quản lý tài sản đảm bảo, phí chậm rút vốn, phí hủy rút vốn, phí cơ cấu nợ, phí rút vượt số tiền cam kết... Đồng thời, ngừng thu phí phát hành cam kết tín dụng cho khách hàng và phí cam kết cấp tín dụng/phát hành hợp đồng tín dụng bằng tiếng nước ngoài.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, việc cắt giảm các loại phí trên nằm trong chương trình cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD)  nhằm góp phần trong quá trình cải thiện môi trường kinh doanh.

“Dù cắt giảm ĐKKD đạt kết quả nhưng vẫn còn nhiều việc phải triển khai để xoá bỏ thủ tục thông tin giữa hệ thống ngân hàng và DN. Nhiều DN phàn nàn về việc tiếp cận vốn để sản xuất kinh doanh. Các ngân hàng thương mại tập trung vào giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vay vốn”, ông Tú nhấn mạnh.

Lãnh đạo NHNN yêu cầu, thời gian tới, các ngân hàng thương mại (NHTM) lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính, tập trung vào tăng vốn và cải thiện chất lượng nguồn vốn tự có. Tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kiểm soát chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu, nâng cao chất lượng tài sản.

NHTM cần chuyển đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh theo mô hình đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng. Nâng cao tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong cung ứng dịch vụ ngân hàng điện tử. Ưu tiên cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế.

“Các NHTM cần hoàn thiện, áp dụng hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực và lộ trình áp dụng Basel II tại Việt Nam. Hoàn thiện, áp dụng các chuẩn mực quản trị phù hợp với thông lệ quốc tế; phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và kinh doanh ngân hàng có trình độ chuyên môn cao, ý thức tuân thủ pháp luật, có đạo đức và tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp tốt”, lãnh đạo NHNN yêu cầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Nga ([Tên nguồn])
Ngân hàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN