Ngậm đắng với các khoản vay cũ

Nhiều ngân hàng vẫn cố "neo" lãi suất các khoản vay cũ ở mức 19 - 21%/năm. Cá nhân, doanh nghiệp rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan trước các khoản nợ cũ với lãi ngất ngưỡng này.

Chị Thảo, một khách hàng của Sacombank, cho biết chị vẫn đang phải trả khoản nợ vay tại ngân hàng này với mức lãi suất trên 18%/năm.

Cá nhân, doanh nghiệp đều… chịu trận

Cùng chung cảnh ngộ như chị Thảo, nhiều khách hàng của các ngân hàng khác cũng đang trả lãi suất các khoản vay cũ với lãi suất ngất ngưởng. Anh Q., một khách hàng của ngân hàng T., cho biết từ nhiều tháng nay anh phải trả lãi suất khoản vay cũ với lãi suất gần 21%/năm. Hiện tại lãi suất đang giảm xuống 9%, anh hy vọng ngân hàng giảm lãi chút ít để “được đồng nào hay đồng ấy”, nhưng ngân hàng vẫn không có động thái nào thể hiện việc giảm bớt lãi suất cho phù hợp với thị trường. “Giờ đàm phán không được, khiếu nại cũng không xong, tôi nghĩ chỉ còn có cách lên tận ngân hàng để tỏ thái độ phản ứng thì lãnh đạo ngân hàng mới biết đến sự bức xúc của khách hàng”, anh Q. nói.

Tại HSBC, dù lãi cho vay mới được ngân hàng này chào mời rất hấp dẫn, song chị H., khách hàng của ngân hàng này vẫn phải ngậm ngùi trả lãi với mức 20,5%. “Nhân viên tín dụng của ngân hàng này nhiều lần chào mời tôi sử dụng các dịch vụ tiếp theo của ngân hàng, như thẻ tín dụng, vì đánh giá tôi là khách hàng… nghiêm túc. Song nghĩa vụ của ngân hàng là giảm lãi suất thị trường như hợp đồng vay vốn giữa tôi và ngân hàng thì ngân hàng lại lơ. Tôi nghĩ khách hàng cũ chính là những khách hàng ngân hàng đã có và cần phải giữ. Vậy nhưng các ngân hàng lại không làm việc này, trong khi đi chèo kéo, mời gọi khách hàng mới với ưu đãi hấp dẫn. Khách hàng như chúng tôi thiệt thòi kép vì đã trả lãi cao suốt thời gian dài, giờ lãi suất giảm vẫn cứ chịu lãi cao là quá vô lý”, chị H. bức xúc.

Cùng cảnh ngộ, nhiều doanh nghiệp cho biết, các khoản nợ cũ họ vay trước đó vẫn có lãi suất trên 16,5%/năm, thậm chí 17% hoặc 18%/năm. Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng và kinh doanh vật tư, cho biết, các khoản nợ cũ đáo hạn trong tháng 8, tháng 9 vay từ các ngân hàng như BIDV, Vietcombank vẫn đang chịu lãi suất 16,5%/năm. Trong khi đó, vay ở những ngân hàng cổ phần, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu lãi suất cao hơn như Công ty thương mại sản xuất Hoàng Tuấn đang chịu lãi suất tai ACB với lãi suất trên 18%/năm.

Thực trạng chịu mãi lãi suất cao từ giữa năm 2011 đến nay khiến nhiều cá nhân, doanh nghiệp tìm cách đáo hạn nợ cũ, vay nợ mới để giảm lãi suất. Tuy nhiên, cái khó bó cái khôn nên nhiều người vẫn phải ôm nợ cũ với lãi suất cao. Chị Thảo cho biết đã tính vay các ngân hàng khác để trả khoản nợ cũ lãi suất 18%/năm - 20%/năm, nhưng “rất ít ngân hàng chịu mua lại khoản nợ cũ mà yêu cầu vay mới và có mục đích vay rõ ràng”. Còn ngân hàng mà họ đang vay lại yêu cầu tất toán khoản nợ cũ mới được vay khoản mới. “Lãi suất các khoản vay mới giảm được từ 3 - 4%/năm nhưng ngân hàng yêu cầu trả cũ mới được vay mới. Chúng tôi lấy đâu ra tiền mà trả ngân hàng bây giờ”, chị Thảo phân trần.

Ngậm đắng với các khoản vay cũ - 1

Trong khi chào mời khách hàng mới với hàng loạt ưu đãi, các ngân hàng lại "neo" lãi cao với khách hàng cụ để tận thu bằng mọi giá

"Neo" cao để bù huy động cao

Việc lãi suất huy động đã giảm về 9%/năm, trần lãi vay một số lĩnh vực chỉ còn 12%/năm nhưng nhiều cá nhân, doanh nghiệp vẫn đang phải chịu lãi suất vay gấp đôi so với huy động, theo lý giải của nhiều ngân hàng là do… cam kết, thỏa thuận giữa hai bên. Chị Thảo cho biết, ngân hàng Sacombank giải thích với chị về việc 3 tháng mới điều chỉnh lãi suất 1 lần nên, chị phải chịu cao như vậy. Ngân hàng T. cũng giải thích, hợp đồng đã quy định biên độ điều chỉnh theo tháng, quý hoặc nửa năm và người ký kết đã đồng ý từ trước. Tuy nhiên, theo anh Q. , mấy tháng trước đó, anh phải chịu lãi suất cao đến 21%/năm ,và khi lãi suất về 15%/năm, ngân hàng này cũng chỉ giảm nhẹ cho anh chưa đến 1%/năm. Trần tình về việc này, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB, nói: “Hợp đồng đã ký kết, nếu lãi suất lên, ngân hàng cũng phải giữ yên lãi suất thì khi lãi suất xuống, cá nhân, doanh nghiệp cũng phải chịu lãi suất cũ chứ”.

Tuy nhiên, bản chất của việc cố giữ lãi suất cho vay ở mức cao này nằm ở việc khác. Bởi ngoài việc giữ lãi suất cũ ở mức cao, tại một số ngân hàng, lãi suất cho vay mới vẫn trên 17%/năm. Nhân viên tín dụng của một ngân hàng cho biết: “Mấy ngân hàng nhà nước không nói, chứ lãi suất cho vay cá nhân tại các ngân hàng cổ phần lúc này chỉ giảm về mức 17,5%/năm là hết rồi, không giảm thêm nữa đâu”. Theo nhân viên này là “ngân hàng phải cho vay ra cao để bù đắp việc đã huy động cao trước đó”. “Lãi suất cho vay làm sao mà giảm được khi cả năm trời ngân hàng đã phải vay với lãi suất 17,5%, 18,5%/năm”, nhân viên này tiết lộ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Phương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN