Ngại ngần lãi vay ưu đãi mua nhà

Chưa kịp mừng với 30.000 tỷ đồng lãi suất rẻ - chỉ 6%/năm sắp được Ngân hàng Nhà nước giải ngân cho người thu nhập thấp vay mua nhà ở, nhiều ý kiến ngại ngần về thời hạn vay và lãi suất thường chỉ tăng mà không giảm.

Theo dự thảo Thông tư cho vay mua nhà ở vừa được Ngân hàng Nhà nước đưa ra lấy ý kiến thì doanh nghiệp có dự án nhà ở xã hội, người thu nhập thấp, công-viên chức thuê, mua nhà để ở sẽ được hưởng mức lãi suất vay 6%/năm ổn định kéo dài đến hết 15/4/2016, sau đó NHNN sẽ công bố mức hỗ trợ cụ thể từng thời điểm.

Phó tổng giám đốc một NHTMCP tại Hà Nội nhìn nhận, với mức lãi suất chỉ bằng 1/2 thậm chí là 1/3 thị trường là khá ưu ái cho các đối tượng vay. Đây cũng là cơ hội để những người thu nhập thấp có điều kiện "thực hiện giấc mơ có mảnh đất cắm dùi". Cùng với đó, một lượng lớn hàng tồn kho bất động sản cũng sẽ được xả, thị trường đang hấp hối sẽ hồi phục trở lại.

Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Vũ Đình Ánh lại cho rằng đây chỉ là lối thoát mang tính tình thế và tỏ ra lo lắng khi rủi ro lãi suất ở Việt Nam luôn hiện hữu. So với mặt bằng lãi vay trên thị trường hiện tại có thể 6%/năm là mức lãi vay lý tưởng, nhưng sau 3 năm có thể mức lãi suất này lại là cao. "Sau 3 năm căn cứ vào quy định nào để đưa ra mức lãi vay mới, mà món vay thì thường dài hạn, nếu có những biến động nghĩa vụ trả nợ liên quan tới lãi suất thì người vay không có động cơ trả nợ.... ", ông Ánh nhìn nhận.

Ngại ngần lãi vay ưu đãi mua nhà - 1
Mức lãi vay rẻ chỉ ổn định trong 3 năm đầu khiến nhiều người có nhu cầu vay hoang mang

Cũng cho rằng đây là quyết định tích cực, bước khởi đầu giúp người thu nhập thấp, trung bình mua được nhà, nhưng TS. Nguyễn Trí Hiếu – cố vấn cao cấp NHTMCP An Bình nghi ngại số tiền 30.000 tỷ đồng sẽ chỉ như "muối bỏ biển" so với nhu cầu vay thực của người thu nhập thấp hiện nay.

Theo ông, biến động lãi suất cho vay liên tục bị điều chỉnh theo hướng chỉ có tăng mà không giảm suốt thời gian qua khiến người dân không dám vay dù các nhà băng liên tục đưa ra chương trình tín dụng cho vay mua bất động sản. Vì thế, để người mua nhà và đi vay an tâm khả năng trả nợ ngân hàng thì lãi suất cần cố định trong khoảng thời gian dài chứ không nên chỉ cố định trong 3 năm rồi sau đó thay đổi. Thêm vào đó, thời hạn vay chỉ để 10 năm là quá ngắn với người thu nhập thấp ở Việt Nam, mà nên điều chỉnh ổn định dài hạn hơn, chẳng hạn trong 15 năm hoặc 20 năm .

Đơn cử, một căn hộ chung cư giá 1 tỷ đồng, nếu được vay 70% giá trị tương đương 700 triệu đồng, mức lãi suất 5%/năm trả trong vòng 20 năm lãi suất không thay đổi, mỗi tháng trả cả gốc và lãi khoảng 5 triệu đồng, bằng 50% thu nhập của một gia đình trung bình của người dân Việt Nam. "Ngân hàng Nhà nước nên đưa mức lãi vay cố định trong thời gian dài 15 năm hoặc 20 năm, chứ không nên chỉ cố định trong thời gian ngắn rồi lại điều chỉnh, như thế ngay bản thân người có nhu cầu vay thực cũng không dám vay do không tiên liệu được thu nhập của họ có đủ trang trải để trả nợ trong tương lai hay không"- TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá.

Có một thực tế không thể phủ nhận là đã có nhiều chương trình ưu đãi lãi suất được đưa ra để kích cầu thị trường, cứu doanh nghiệp.... nhưng hiệu quả của các gói hỗ trợ đó ra sao đến nay vẫn chưa có một tổng kết đầy đủ. Mục đích của chương trình hỗ trợ lãi vay mua nhà ở đối với người thu nhập thấp, công – viên chức, doanh nghiệp... mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra lần này là rất tích cực, song để đồng vốn thực tới tay người có nhu cầu thực, tránh những khuất tất là cả một chặng đường dài. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần có những quy định chặt chẽ hơn về phân bổ nguồn vốn, điều kiện vay, xem xét lại thời hạn vay... để vốn chảy tới đúng đối tượng cần thụ hưởng.

"Phải xác định vốn vay này là dành cho đối tượng nào là chính yếu, là người thu nhập thấp hay doanh nghiệp, nếu không đồng vốn sẽ chỉ chạy lòng vòng trong nhà băng, giúp DN bất động sản đảo nợ là chính, trong khi người có nhu cầu vay thực lại không vay được" – ông Ánh nói.

Thậm chí, TS. Vũ Đình Ánh đề xuất, với một vấn đề mang tính xã hội nên để một tổ chức xã hội giải quyết, hơn là trao nó vào tay tổ chức kinh doanh. "Phải có một thể chế về nguồn lực tài chính, sử dụng triển khai nguồn lực thông qua thể chế xã hội chứ không nên để tổ chức kinh doanh giải quyết vấn đề của xã hội". 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thu (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN