Ngạc nhiên vì lương cao nhất không phải "sếp" PVN, EVN

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, ông ngạc nhiên khi thu nhập bình quân năm 2013 cao nhất lại không thuộc lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hay Tập đoàn Điện lực.

Bộ Công Thương vừa công bố báo cáo thống kê mức lương trung bình của các lãnh đạo cấp cao trong các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam trong năm 2013. Bộ công khai mức thu nhập của 120 lãnh đạo cấp cao thuộc 11 Tập đoàn, Tổng công ty lớn.

Trong đó, mức thu nhập cao nhất của các lãnh đạo thuộc Bộ Công Thương thuộc về Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc TCT Dầu thực vật Việt Nam ông Đỗ Ngọc Khải với thu nhập bình quân năm 2013 đạt 74,73 triệu đồng/tháng. Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN ông Phùng Đình Thực với mức thu nhập bình quân 65,8 triệu đồng/tháng, Chủ tịch Tập đoàn Điện Lực Hoàng Quốc Vượng cũng có mức thu nhập trên 60 triệu đồng/tháng...

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – TS. Lê Đăng Doanh về các số liệu này.

Ngạc nhiên vì lương cao nhất không phải "sếp" PVN, EVN - 1

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh

Ông nghĩ sao về mức lương trung bình của các lãnh đạo cấp cao trong các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam?

Thật ngạc nhiên khi thu nhập bình quân năm 2013 cao nhất lại thuộc về một tổng công ty như trên. Trong khi đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hay Tập đoàn Điện lực đều có quy mô lớn hơn rất nhiều, công việc của người đứng đầu cũng phức tạp hơn nhiều mà lương lại thấp hơn.

Theo tôi cần phải tính toán lại, phải dựa trên hệ số, mức độ phức tạp của công việc họ đảm nhận… để tính lương sao cho công bằng hơn. Cứ lôi cái chức Tổng giám đốc ra rồi cào bằng lương như thế theo tôi là không hợp lý.

Cùng với đó, Bộ Công Thương cần phải công khai rõ ràng mọi khoản thu nhập khác ngoài lương của lãnh đạo các doanh nghiệp đó như: thưởng, bổng lộc, tiền đi lại, trợ cấp, xe đưa đón....

Cụ thể hơn, theo ông, nên dựa vào các yếu tố, tiêu chí nào để đưa ra mức lương phù hợp, xứng đáng cho người đứng đầu các doanh nghiệp?

Trước tiên phải dựa vào lợi nhuận của doanh nghiệp. Sau đó phải xem xét tổng chi phí lương trong cơ cấu của chi phí kinh doanh. Nếu lương cao quá so với chi phí kinh doanh thì doanh nghiệp không thể trụ được. Nói cách khác, theo cơ chế thị trường, muốn xét lương của lãnh đạo các doanh nghiệp phải dựa vào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đó.

Ngoài ra, còn có nhiều hệ số bổ sung khi xét lương của họ. Chẳng hạn, họ đề ra các mục tiêu là phải tăng năng suất lao động bao nhiêu, phải tăng tỷ số lợi nhuận trên đồng vốn ra sao, phải hạ tiêu hao năng lượng, vật liệu như thế nào… Nếu làm tốt các việc trên họ sẽ được thưởng thêm và ngược lại, họ sẽ bị phạt/trừ lương.

Còn về thâm niên công tác của các lãnh đạo, thưa ông?

Trên thế giới tôi chưa thấy ở đâu dựa vào thâm niên công tác để tính lương cho lãnh đạo các doanh nghiệp cả. Giờ có những vị lãnh đạo trẻ, nhưng họ có tài năng thì họ xứng đáng được hưởng lương cao. Trong khi đó, có những người lớn tuổi, nhưng có thể không còn làm được việc. Vậy áp dụng tiêu chí về tuổi đời công tác trong việc tính lương để làm gì?

Nói cách khác, thâm niên công tác không liên quan tới hiệu quả công việc. Nếu đưa tiêu chí này vào mà xét lương, tôi rất ngạc nhiên.

Vậy theo ông mức lương của Chủ tịch các tập đoàn bao nhiêu là phù hợp?

Đối với tập đoàn nhà nước, Chính phủ đã có quy định mức lương, còn với tập đoàn tư nhân không có một giới hạn nào cả miễn là họ nộp đầy đủ thuế thu nhập cá nhân. Nếu quy định thế nào là đủ, là phù hợp thì không thể trả lời được.

Trên thế giới có một quy tắc: Lương của người đứng đầu các tập đoàn thường gấp 12 lần lương trung bình của các nhân viên trong tập đoàn đó. Tuy nhiên, khi trưng cầu dân ý, có nước không đồng ý với quy tắc trên chẳng hạn như Thụy Sỹ.

Còn với doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam, theo ông nên tính lương cho lãnh đạo doanh nghiệp như thế nào?

Như tôi đã nói ở trên, khó quy định mức cụ thể, nhưng chỉ cần họ nộp thuế thu nhập cá nhân đầy đủ là được. Ở Thụy Điển, ngành thuế của họ làm việc rất gắt gao. Còn tại Việt Nam, cần siết chặt hơn nữa thì chúng ta mới biết được thu nhập thực sự của lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Quân ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN