Nga có thể trở thành cứu tinh cho châu Âu?

Nhiều nhà phân tích cho rằng đảo Síp sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ từ Nga sau khi từ chối đánh thuế tiền gửi để nhận khoản hỗ trợ 10 tỷ euro của ECB (Ngân hàng trung ương châu Âu). Đây là một tình huống mà Nga có thể trở thành “vị cứu tinh của châu Âu”.

Bộ trưởng Tài chính đảo Síp Michael Sarris đã đến Moscow để gặp gỡ các quan chức Nga vào chiều tối hôm qua (19/3). Ivan Tchakarov, nhà kinh tế trưởng của Renaissance Capital cho rằng với sự kiện đảo Síp, Nga đã bắt đầu tham gia vào những nỗ lực cứu vãn cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu, điều mà trước đây Nga dường như bị đứng ngoài cuộc.

“Tình huống này là một cơ hội tuyệt vời cho Nga và cho cả Tổng thống Putin để có một ‘hành động cao đẹp’ là cấp gói hỗ trợ cho đảo Síp và trở thành vị cứu tinh cho châu Âu”, Ivan Tchakarov cho biết từ Moscow.

“Từ nay trở đi, Nga sẽ không còn đứng ngoài như trước mà sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán. Hơn nữa, Nga có lợi ích rõ ràng trong việc giúp đỡ đảo Síp”.

Hiện nay Nga đang cho đảo Síp vay 3,2 tỷ USD và quốc đảo này đang yêu cầu được vay thêm. Trong khi đó, khoảng 30 – 40% tiền gửi ở đảo Síp là thuộc về các cá nhân và công ty của Nga. Vấn đề cần quan tâm bây giờ chỉ là Nga sẽ cho đảo Síp vay thêm bao nhiêu, 7 hay 8 tỷ USD.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladmir Putin và Thủ tướng Dimitry Medvedev đã lên án quyết định đánh thuế 15,6% với những khoản tiền gửi trên 100.000 euro của châu Âu. Ông Putin gọi đây là hành động “bất công, không chuyên nghiệp và nguy hiểm”, còn ông Medvedev cho rằng việc làm này cũng giống như việc “sung công” tiền của người dân.

Quyết định của đảo Síp từ chối đánh thuế tiền gửi để nhận hỗ trợ đã khiến các nhà lãnh đạo khu vực đồng tiền chung châu Âu đau đầu để tìm giải pháp khác ngăn đảo Síp không bị phá sản. Nếu đảo Síp không nhận hỗ trợ, hệ thống ngân hàng của nước này sẽ mất thanh khoản và làm bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính mới. Điều này đe doạ sự an toàn của thị trường tài chính toàn bộ khu vực đồng tiền chung châu Âu vốn đang lao đao kể từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra tại Hy Lạp năm 2009. Đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng qua so với đồng USD kể từ đầu tuần này.

Rửa tiền

Theo nhiều nhà phân tích và nhà kinh tế, việc châu Âu quyết định đánh thuế tiền gửi ở đảo Síp làm nhằm đánh vào những hoạt động rửa tiền của người Nga ở đảo Síp.

Trong một báo cáo về dòng tiền chảy ra nước ngoài bất hợp pháp ở Nga giai đoạn từ 2004 đến 2011, Tổ chức Minh bạch Tài chính toàn cầu (GIF) đã đặt câu hỏi tại sao đảo Síp, một hòn đảo với GDP khoảng 23 tỷ USD, lại có thể là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào Nga trong 3 năm từ 2009 đến 2011.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đảo Síp đã rót 128,8 tỷ USD FDI vào Nga trong năm 2011, gấp hơn 4 lần tổng GDP của hòn đảo này. Đây là một bằng chứng nữa khiến người ta cho rằng các công ty và cá nhân Nga dùng hòn đảo này để rửa tiền.

Có lợi cho Moscow ?

Tuy nhiên, cũng có những cách nhìn khác từ Nga về vấn đề đảo Síp. Sergey Cheremin, người đứng đầu Ban quan hệ quốc tế và kinh tế của Nga cho rằng “Việc đánh thuế ở đảo Síp cảnh báo cho người dân Nga thấy rằng tiền gửi ở đó không hề an toàn. Điều này sẽ khuyến khích các công ty Nga tập trung nguồn lực nhiều hơn ở Moscow.”

Kế hoạch đánh thuế tiền gửi của đảo Síp đã khiến thị trường chứng khoán Nga rơi xuống mức thấp nhất trong 3 tháng qua. Cổ phiếu của VTB Group, ngân hàng cố phần nhà nước của Nga có chi nhánh tại đảo Síp đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10.

Nga hiện đang hiện đại hoá Sở giao dịch chứng khoán Moscow và thuê tập đoàn Goldman Sachs để “đánh bóng” hình ảnh quốc gia trong giới kinh doanh. Nga hiện xếp thứ 112 trong bảng khảo sát về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới hồi tháng 10/2012.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đặt mục tiêu đưa Moscow trở thành trung tâm tài chính quốc tế từ khi ông còn là tổng thống năm 2008. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương An (Vnmedia)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN