Nên lập 'ngân hàng đất nông nghiệp'

Sự kiện: Kinh Doanh

Trao đổi với Tiền Phong, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng, cần thành lập mô hình “ngân hàng” đất để nông dân có thể gửi những mảnh ruộng nhỏ lẻ vào trong đó, rồi cho doanh nghiệp (DN) thuê lại. Cách này vẫn đảm bảo tính thị trường, lợi nhuận của DN, đồng thời nông dân có lợi nhuận, không lo mất đất.

Theo ông Kiên, hiện bình quân cả nước mỗi hộ có 2,8 mảnh ruộng. Ở miền Bắc, bình quân đầu người chưa đủ 1 sào Bắc bộ, rất nhỏ lẻ, manh mún. Đã thế, ruộng mỗi nhà trồng một kiểu, cánh đồng lỗ chỗ, khó áp dụng máy móc, công nghệ, chất lượng nông sản thấp, chưa kể dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và an toàn thực phẩm… Nông dân nhiều nơi không đủ ăn, nhất là người trồng lúa. Ở nhiều địa phương, có hiện tượng đất ruộng để hoang hóa, thậm chí nông dân cho nhau mượn ruộng không lấy tiền. Nguy hại hơn, khi nông dân không đủ ăn, phải “bơi” ra phố để kiếm việc làm thêm, chúng ta sẽ không có được đội ngũ công nhân chuyên nghiệp. Nông dân đi làm công nghiệp, không qua đào tạo, nên cứ đến mùa “em lại xin về đi cấy”... sẽ làm hại đến quá trình công nghiệp hóa.

Nên lập 'ngân hàng đất nông nghiệp' - 1

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, việc lập ngân hàng đất đai, có thể giúp các DN có diện tích đất sạch đủ lớn để đầu tư công nghệ sản xuất. Ảnh: Bình Phương.

Thưa ông, nhiều địa phương đang diễn ra tình trạng tích tụ ruộng đất để khắc phục cảnh ruộng đồng manh mún, ông đánh giá thế nào?

Tích tụ hiện nay cũng có nhiều dạng, nhưng phổ biến là người dân tự góp đất với nhau để cùng canh tác một loại giống, bón cùng loại phân bón; hai là DN đến thỏa thuận từng hộ dân để thuê hoặc mua và ba là chính quyền đứng ra thuê đất của dân, rồi cho DN thuê lại.

Mỗi cách đều có điểm tích cực, nhưng cũng nảy sinh những rủi ro. Nếu các hộ nông dân tự tập hợp với nhau, tạo sự đồng thuận thì tốt, nhưng khó là sản phẩm không có thị trường, vốn, áp dụng khoa học công nghệ hạn chế, từ đó cho thấy sự “hên xui” theo “sóng” thị trường.

Còn nếu DN đứng ra thuê, nông dân sẽ có lợi. DN có đầu ra, có vốn, nhưng khi thị trường “đảo chiều” thì DN liệu có tồn tại được không? Thậm chí nếu thực hiện hết cam kết với nông dân, DN sẽ phá sản. Cách mà chúng tôi đang nghĩ tới và đề xuất, là có tổ chức kiểu như “ngân hàng đất”, hay “quỹ đất” để giúp nông dân tạo ra hệ số sinh lời trên đất cao hơn.

Nông dân gửi đất vào “ngân hàng” vậy họ được hưởng lợi thế nào và có nguy cơ gì, thưa ông?

“Ngân hàng đất” là một tổ chức do Nhà nước thành lập để nông dân đủ tin tưởng giao đất, và nó tuân thủ theo quan điểm “người cày có ruộng”. Đặc biệt, “ngân hàng” này không được “ăn” vào ngân sách, do vậy họ phải hạch toán.

Lúc đó, chúng ta coi quyền sử dụng đất của nông dân là tiền, khi họ gửi vào ngân hàng, không cần biết anh kinh doanh thế nào, nhưng phải trả nông dân lợi nhuận. Cái này như lãi suất tiền gửi, nếu nông dân gửi dài hạn 10 năm trở lên thì lãi cao hơn, nhưng nếu ngắn hạn thì thì sẽ thấp hơn, thậm chí ngân hàng sẽ không nhận, nếu thời hạn cho gửi ngắn quá.

Các DN được thuê nguồn đất sạch với diện tích đủ lớn để đầu tư sản xuất, với điều kiện là sử dụng lao động tại chỗ. Với cách này, vừa hỗ trợ cho nông dân, vừa đảm bảo nguyên tắc của thị trường và quan trọng là không sử dụng ngân sách. Cũng phải nói, trong trường hợp xấu nhất, là DN phá sản, nông dân vẫn không bị mất đất.

Thực tế, với giá thuê như một số DN đang áp dụng có nơi cao hơn tiền nông dân tự đầu tư sản xuất trên đơn vị diện tích với cây lúa. Như vậy, nông dân có hai nguồn thu, là từ tiền thuê đất và tiền lương làm công nhân cho DN.

Nên lập 'ngân hàng đất nông nghiệp' - 2

TS Nguyễn Đức Kiên.

Không thể tích tụ, đầu tư kiểu “cưỡng bức”

Thưa ông, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, cần sửa Luật Đất đai 2013 để nới hạn điền trong nông nghiệp?

Luật Đất đai sửa đổi mới thông qua năm 2013, đến nay chưa được 5 năm. Trong cương lĩnh của Đảng năm 2011, Hiến pháp năm 2013 vẫn xác định đất đai là sở hữu toàn dân. Liệu chúng ta có sửa ngay được vấn đề trên không? Điều đó là khó.

Chấp nhận tích tụ ruộng đất kiểu tự nhiên, tức có tiền thì tôi mua. Nhưng ai là bà đỡ cho người nông dân bán ruộng, rồi họ đi đâu? Bây giờ một DN vào mua 30 ha đất nông nghiêp của khoảng 3.000 hộ. Nếu mỗi hộ 4,5 nhân khẩu sẽ có gần 15.000 nghìn dân, trong khi đó DN giỏi lắm chỉ nhận khoảng 3.000 người làm công nhân, vậy còn lại đi đâu? Chưa kể, trong tương lai, con cái gia đình họ lớn lên, mỗi hộ có 2 người nữa, sẽ lấy đâu ra việc làm?

Ở đây Nhà nước phải nhìn thấy mâu thuẫn nảy sinh, sẽ nảy sinh trong xã hội và có biện pháp trong việc hài hòa quyền lợi của DN và nông dân; có sự tích tụ, nhưng không được tạo ra điểm nóng cho xã hội.

Việc sửa mức hạn điền, với tư cách là đại biểu Quốc hội, tôi sẽ cân nhắc mình thông qua phương án đó hay không, cần có sự so sánh các lợi thế tạo ra khi nâng hạn điền với rủi ro trong xã hội, kinh tế và đặt các phương án đó trên nền là kinh tế thị trường.

Số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp hiện rất ít, Nhà nước cần một chính sách đủ mạnh để “kích” DN đầu tư vào lĩnh vực này, thưa ông?

Ở đây, chúng ta đừng lấy tư duy của ta trong công nghiệp để “cưỡng bức” DN vào hỗ trợ nông nghiệp. Trong nền kinh tế thị trường, nếu thấy có lợi nhuận, anh có ngăn cản, người ta cũng vào đầu tư.

Chúng ta hễ nói đến nông nghiệp là lập tức nghĩ ngay đến cây lúa, trong khi nông nghiệp còn có ti tỉ chuyên ngành khác.  Tại sao như ở Sơn La, có nông dân không trồng lúa, chỉ 1,5 ha đất, người ta nuôi  bò, trồng cam và sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm của Israel thu nhập cả tỉ đồng mỗi năm, họ có cần mở rộng hạn điền ra không? Cái hạn điền mà chúng ta nói đó là tư duy sản xuất lúa, đó không phải là trồng cây lâu năm, rau màu, cây ăn quả…

Cũng nói về chính sách hỗ trợ, chúng ta đang lấy “tư duy kế hoạch” hóa áp cho trồng lúa mà chúng ta nói là hỗ trợ nông nghiệp, thế là sai. Thế thì bà con nuôi cá tra, ba sa bao nhiêu năm nay bị Mỹ o ép thì sao? Nếu chúng ta hỗ trợ nông dân về thuế môi trường, thủy lợi phí, phí nông nghiệp…nhưng họ sẽ đánh thuế gấp nhiều lần phần chúng ta miễn, thế thì lợi nhuận rơi vào ai? Đó là những bài học nhãn tiền, để thấy rằng, chúng ta không thể hỗ trợ nông dân kiểu cũ.

Cũng phải nói rằng, không có DN, nông dân vẫn sống được, nhưng không có nông dân đố DN sống được. Các DN phải hiểu rằng, nông dân là nguồn sống của anh, và anh muốn sống xông xênh, thì hãy nuôi dưỡng nguồn bằng cách chia sẻ hài hòa lợi nhuận giữa DN -người bỏ vốn, kỹ thuật và nông dân- người góp đất, góp công.

Cám ơn ông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Anh (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN