Nên dừng xây nhà tái định cư?

Sự kiện: Nhà giá rẻ

Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố 372 hộ dân được mua nhà tái định cư (TĐC) nhưng không đến nhận. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc xóa bỏ việc xây dựng nhà TĐC, thay vào đó khi đền bù đất cần tính theo giá thị trường và hỗ trợ để người dân chủ động lựa chọn theo phương án của mình.

Ngao ngán... nhà tái định cư

Đang ăn cơm tối, gia đình chị Lê Hạnh ở tại khu TĐC Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) phải bỏ chạy ra ngoài vì nền nhà bỗng sụt lún và có tiếng nổ lớn. Chị Hạnh cho biết, từ khi dọn về đây, gia đình chị luôn sống tình trạng thấp thỏm vì chất lượng nhà rất kém. 

Chị Hạnh kể, có hôm đang ngủ, cả nhà phải hốt hoảng thức dậy vì nghe tường lở... đôm đốp. Chưa kể, có những hôm đường ống nước bị hỏng nước thải chảy lênh láng ra đường. Những ngày nắng nóng mùi bốc lên khủng khiếp. Còn những ngày mưa ruồi, muỗi bu đầy rất mất vệ sinh. Nhiều hộ dân ngao ngán nên đã sớm bán nhà chuyển đi nơi khác.

Cùng chung cảnh ngộ, gia đình anh Nguyễn Văn Chung sống tại Khu TĐC Trung Hòa - Nhân Chính cũng đang gặp không ít bất cập. Sau nhiều năm sử dụng, khu nhà này đã bắt đầu bong tróc, lở rốp. Cầu thang thường xuyên gặp trục trặc, hệ thống phòng cháy, chữa cháy không được đảm bảo. Nhiều lần kiến nghị đến chính quyền và chủ đầu tư nhưng hư hỏng vẫn không được xử lý.

Nên dừng xây nhà tái định cư? - 1

Một khu nhà tái định cư ở Hà Nội.

Theo khảo sát của PV Tiền Phong tại các khu nhà TĐC, hầu hết chỉ sau vài năm dân vào ở, chất lượng các căn hộ đã xuống cấp trầm trọng và phát sinh hàng loạt vấn đề. Nhiều người dân nghe nhắc tới nhà TĐC đã tỏ ra sợ. Một số khu TĐC vừa xây mới xong đã bị bỏ hoang. Chẳng hạn, chung cư hơn 20 tầng tại đường Tạ Quang Bửu (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Đây là dự án TĐC với khoảng 154 căn hộ do Cty CP Tu tạo và Phát triển nhà làm chủ đầu tư. Năm 2015, chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện dự án sau nhiều năm dang dở. Tuy nhiên, đến nay, tòa nhà vẫn chưa có người đến ở.  Tại khu TĐC ở khu đô thị mới Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) do Công ty CP xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco3) làm chủ đầu tư cũng gặp tình cảnh tương tự. Được xây dựng từ năm 2001 - 2006 đến nay nhưng khu TĐC này cũng đang bị bỏ hoang, dân không nhận nhà. Để tránh lãng phí chủ đầu tư Hanco 3 còn đề xuất xin tự đập bỏ 3 toà TĐC này.

Linh hoạt chính sách để dân lựa chọn

Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội công bố 372 hộ dân được mua nhà tái định cư (TĐC) nhưng không đến nhận. Nói về nguyên nhân, Phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng (Hà Nội) cho rằng, những hộ được phân nhà tái định cư không đến nhận vì muốn trì hoãn để rao bán và hưởng chênh lệch. Với những hộ dân đã bố trí nhà nhưng chưa đến nộp tiền và nhận nhà, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong 60 ngày kể từ thời điểm thông báo chính thức được đăng tải (13/8/2018), những hộ dân có tên trong danh sách không liên hệ với Ban Quản lý để hoàn tất thủ tục mua nhà sẽ được tổng hợp để báo cáo lên cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định. Sở Xây dựng Hà Nội cũng đang đề xuất trong vòng 2 năm nếu người mua không đến nhận sẽ bán đấu giá để thu hồi vốn.

GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT cho rằng, nguyên nhân khiến người dân “ngán” nhà TĐT, một phần do chất lượng của các khu TĐC quá kém. Theo GS Võ, rất nhiều khu TĐC, chỉ cần sau 2 năm không có người đến ở là xuống cấp. Chất lượng nước, điện, thang máy, sinh hoạt công cộng đều có vấn đề. Nhiều khu TĐC, kể cả nằm ở vị trí vàng, người dân vẫn không muốn ở.  

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, Nhà nước không nên tiếp tục xây dựng nhà TĐC. Nên có những chính sách linh hoạt để người dân có nhiều sự lựa chọn phù hợp hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Hưng ([Tên nguồn])
Nhà giá rẻ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN