Nên bỏ thủ tục đăng ký đầu tư
Ngày 23/6, thảo luận về Luật Đầu tư sửa đổi, một số đại biểu (ĐB) kiến nghị cần có giải pháp đột phá, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Thậm chí, có thể bỏ thủ tục giấy chứng nhận đầu tư đối với tất cả các dự án, trừ các dự án sử dụng nguồn lực nhà nước.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho biết, theo Luật Doanh nghiệp các chủ thể phải làm thủ tục đăng ký kinh doanh, như thủ thục khai sinh để bước vào thương trường.
“Dù nhà đầu tư là ai, doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân hay hộ gia đình, đều phải đăng ký kinh doanh. Thật khó thuyết phục, nếu bắt tất cả các nhà đầu tư sau khi đăng ký kinh doanh lại phải đăng ký đầu tư một lần nữa theo Luật Đầu tư...”- ông Lộc phân tích.
ĐB Lộc cho rằng, sẽ thật đáng tiếc, nếu chúng ta không dám triệt để yêu cầu tất cả các cơ quan nhà nước có liên quan không được đòi nhà đầu tư giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong những trường hợp pháp luật không quy định.
Ông Lộc lưu ý, nhóm dự án sử dụng nguồn lực từ nhà nước hoặc ảnh hưởng đáng kể tới nguồn lực không sẵn có, khan hiếm, cần kiểm soát bằng thủ tục giấy chứng nhận đầu tư thì dự luật lại bỏ qua.
“Đầu tư kinh doanh sử dụng nguồn lực của nhà nước phải quản lý chặt chẽ, đảm bảo không sử dụng lãng phí hoặc xâm hại tới các lợi ích công cộng trong quá trình sử dụng các nguồn lực này. Đề nghị bỏ thủ tục đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả các dự án đầu tư, trừ các dự án sử dụng nguồn lực từ nhà nước, đất đai, tài nguyên hoặc có ảnh hưởng đáng kể tới các nguồn lực khan hiếm khác của xã hội”- ĐB Lộc kiến nghị.
Phải tạo đột phá mới
Nhấn mạnh sửa đổi Luật Đầu tư vào thời điểm này là kịp thời và hết sức cấp thiết, ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) nói rằng, với điều kiện đất nước hiện nay khi nhu cầu vốn đầu tư xã hội ngày một gia tăng, để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, khôi phục tốc độ tăng trưởng hợp lý, việc đổi mới cơ chế chính sách nhằm tăng cường huy động các nguồn lực ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển là hết sức cấp thiết.
Luật phải thực sự là một đột phá, mở ra một trang mới cho đầu tư, kích thích vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và kích hoạt động lực từ đầu tư, kích thích tăng trưởng khu vực kinh tế tư nhân. Từ đó tạo một vòng lặp tăng trưởng mới, ít nhất 10 năm tới cho nền kinh tế, góp phần hưng thịnh đất nước.
“Luật sửa đổi phải tạo được cơ chế đột phá, thu hút đầu tư trong tình hình mới; phải kiểm soát tốt dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là nguồn vốn có nguồn gốc từ nhà nước; phải khắc phục những bất cập cơ bản của Luật Đầu tư năm 2005” – ông Thường phát biểu.
ĐB Thường kỳ vọng Luật sửa đổi dành một chương riêng về đặc khu kinh tế, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt theo Khoản 9, Điều 70 Hiến pháp. “Cần làm rõ các cơ chế ưu đãi theo các mức ưu tiên khác nhau, tạo sự thống nhất, minh bạch trong đầu tư; đồng thời, cần xác định các ngành nghề hạn chế đầu tư để tránh ảnh hưởng tới thị trường trong nước cũng như lợi ích quốc gia” – ĐB Thường kiến nghị.
Không dễ dãi thu hút đầu tư
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) phân tích, đầu tư nước ngoài sau 20 năm đang tồn tại một số căn bệnh các nước khác không có: Tỷ lệ nội địa hóa một số ngành cơ khí sản xuất ô tô, xe máy thất bại, công nghiệp phụ trợ không hình thành được, xuất khẩu thô và xuất khẩu nguyên liệu, gia công, công nghệ thấp, lao động giá rẻ.
“Lao động ở Trung Quốc bây giờ đã lên, giá lao động lên chứng tỏ kinh tế người ta phát triển tốt, chúng ta vẫn là nơi hứng dự án công nghệ thấp, sử dụng lao động giản đơn, giá rẻ. Luật phải giải đáp được bài toán đó. Không phải đây là lúc 20 năm về trước, chúng ta mở Luật Đầu tư, để lại hứng những dự án đầu tư một cách dễ dãi như trước” – ĐB Nghĩa phát biểu.
“Không phải đây là lúc 20 năm về trước, chúng ta mở Luật Đầu tư, để lại hứng những dự án đầu tư một cách dễ dãi như trước” ĐB Trương Trọng Nghĩa |
Còn theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), cần cấm các địa phương, các bộ đưa thêm ưu đãi để thu hút đầu tư tại địa phương của mình. Theo ĐB này, việc thu hút như vậy,không tạo được một môi trường cạnh tranh công bằng giữa các địa phương và có thể gây ô nhiễm ở tại địa phương khác. Bên cạnh đó, các bộ ngành, địa phương không được tự ban hành danh mục lĩnh vực, ngành nghề cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện, mà phải gửi danh mục dự kiến về Quốc hội để xem xét, góp ý trước khi ban hành.