NDT "lên ngôi" gia tăng bất ổn cho hệ thống tiền tệ
"Nhân dân tệ (NDT) sẽ trở thành đồng tiền dự trữ đầu tiên trong các quốc gia đang phát triển. Điều này sẽ gia tăng bất ổn cho hệ thống tiền tệ toàn cầu vì chúng ta có thể thấy rõ vào tháng 8 vừa qua, đồng NDT đã làm cho nền kinh tế toàn cầu phải khổ sở ra sao?", chuyên gia kinh tế Daili Wang tại Roubini Global Economics LLC cho biết.
Thời gian để đưa ra quyết định có để đồng NDT vào giỏ định giá Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF hay không đang đến gần. Tuy nhiên, những động thái gần đây của IMF dường như đang ám chỉ sẽ chấp nhận đồng tiền này, cụ thể: các chuyên gia IMF đã nhất trí cho rằng đồng NDT đã đáp ứng hai tiêu chí chính của quỹ đưa ra là "được sử dụng rộng rãi" và "được giao dịch tự do". Cùng với đó, Chủ tịch Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã lên tiếng ủng hộ đồng nhân dân tệ (NDT) lọt vào giỏ định giá Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF.
Ảnh: nguồn internet
Theo đó, khả năng cao là đồng tiền này sẽ được "ngồi chung mâm" cùng với 4 đồng tiền quyền lực còn lại là đồng: USD, euro, yen, bảng Anh. Vậy, nền kinh tế toàn cầu sẽ đạt đến kỷ nguyên của sự ổn định lớn hơn?
"Cấu trúc hiện tại của hệ thống tài chính tiền tệ toàn cầu hiện đang được chiếm ưu thế bởi đồng USD và cấu trúc này hiện đang không ổn định và không bền vững", Stephen Jen, người đồng sáng lập của SLJ Macro Partners LLP ở London và là một cựu chuyên gia kinh tế của IMF, cho biết.
Khoảng 87% giao dịch ngoại hối có liên quan đến đồng USD. Hiện tại, đồng USD vẫn là đồng tiền thống trị nhất thế giới, trong khi đó, đồng euro đang suy giảm trong bối cảnh diễn ra cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, cuộc khảo sát gần đây nhất của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) cho thấy.
Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là quốc gia giao dịch lớn nhất thế giới nên Trung Quốc phải cố gắng chiến thắng được quyết định của IMF. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ - Jacob J. Lew đã phát biểu với Phó Thủ tướng Trung Quốc- Uông Dương trong khi tham gia cuộc họp G20 rằng, Mỹ luôn ủng hộ đồng NDT vào SDR miễn là đồng tiền này đáp ứng yêu cầu của IMF.
Động thái này sẽ thúc đẩy các ngân hàng trung ương và các quỹ tài sản có chủ quyền toàn cầu đặt 350 tỉ USD vào thị trường trái phiếu Trung Quốc trong khoảng thời gian năm năm, theo JPMorgan Chase & Co. Con số này chỉ là một phần trong khoản tiền trị giá 1,27 nghìn tỉ USD trái phiếu kho bạc chính thức được nắm giữ bởi Trung Quốc.
"Theo đó, Trung Quốc cần phát triển và chứng minh thêm quyền lực để thuyết phục thế giới nắm giữ đồng tiền và tài sản của họ. Điều này thể hiện niềm tin từ các nhà đầu tư toàn cầu và sẽ tương đối khó với Trung Quốc", Stephen Jen cho biết.
"Đồng NDT sẽ trở thành đồng tiền dự trữ đầu tiên trong các quốc gia đang phát triển. Điều này sẽ gia tăng sự bất ổn định cho hệ thống tiền tệ toàn cầu vì chúng ta có thể thấy rõ vào tháng 8 vừa qua, đồng NDT đã làm cho nền kinh tế toàn cầu phải khổ sở ra sao?", chuyên gia kinh tế Daili Wang tại Roubini Global Economics LLC cho biết.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Zhou Xiaochuan và các đồng minh của ông đang hướng tới mở cửa thị trường các tài chính Trung Quốc và giảm bớt vai trò của nhà nước trong việc thiết lập lãi suất cho vay và trả tiền gửi tiết kiệm.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đang đấu tranh cho một kế hoạch năm năm nhằm gia tăng vị thế của các nguồn lực thị trường trong nền kinh tế Trung Quốc.
Hiện tại, đồng NDT đang có ý nghĩa đóng góp đến sự ổn định kinh tế quốc tế, đồng tiền này hoặc là làm tăng sự ổn định hoặc là sẽ phá hủy sự ổn định và điều này phải phụ thuộc vào tình hình kinh tế của quốc gia này. Nếu Bắc Kinh vẫn theo đuổi những cải cách thị trường khắc khổ trong 24 tháng tới thì vị thế của đồng NDT sẽ được mở rộng một cách tích cực, Daniel Rosen, một đối tác tại công ty nghiên cứu kinh tế Rhodium Group LLC cho biết.
Hiện tại, Trung Quốc vẫn đang theo đuổi các sáng kiến khác để nâng cao vị thế của đồng NDT, trong đó bao gồm hai dự án quan trọng nhất là: Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á và Con đường tơ lụa để mở rộng những liên kết giữa vùng đất và vùng biển với các quốc gia Đông Nam Á.
"Nhìn chung, đồng NDT vào SDR sẽ có tác động sâu sắc tới thị trường tài chính toàn cầu và trật tự tiền tệ quốc tế. Cùng với việc mở thị trường vốn và kế hoạch Con đường tơ lụa, quốc gia này sẽ sử dụng đồng tiền của họ nhiều hơn trong cả thương mại và tài chính toàn cầu trong trung hạn", bà Jian Chang, nhà kinh tế trưởng tại tại Barclays Plc, Hồng Kông, cho biết.
Hiện nay, nền kinh tế toàn cầu đang bị mắc kẹt với hệ thống tiền tệ do đồng USD làm bá chủ. Theo đó, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất luôn được xem "tiếng sét ngang tai" hạ gục các nền kinh tế mới nổi và các nhà đầu tư.
"Sự gia tăng vị thế hiện tại của đồng NDT sẽ giúp chuyển đổi hệ thống tiền tệ quốc tế hiện tại vào một hệ thống đa phân cực hơn", Shen Jianguang, nhà kinh tế trưởng tại Mizuho Securities Asia Ltd, Hồng Kông, cho biết vào hồi tuần qua.