Năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng Lào

Đây là đánh giá của các chuyên gia kinh tế và lao động tại Diễn đàn Năng suất lao động Việt Nam 2014, do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 27/11.

Nhóm thấp nhất khu vực

TS Nguyễn Bá Ngọc, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cho biết, năng suất lao động (NSLĐ) Việt Nam hiện chỉ xấp xỉ Lào, cao hơn một chút so với Campuchia, Myanmar; tốc độ tăng NSLĐ chỉ mức trung bình của khu vực. Năm 2013, nước ta có khoảng 53,7 triệu lao động, nhưng lao động qua đào tạo chỉ chiếm 18,4% (tăng 1% so với năm 2007). Đặc biệt, lao động Việt Nam có thái độ làm việc thiếu nghiêm túc (chất lượng, đúng giờ), thiếu kỹ năng sáng tạo, tiếp thu công nghệ, làm việc nhóm, kỹ năng lãnh đạo... “Nhưng vẫn có một lượng lớn lao động “thừa kỹ năng”, là những lao động qua đào tạo nhưng làm trái nghề, hoặc không làm được việc, số này ngày càng tăng”, TS Ngọc nói.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho hay, khi dự hội nghị tiểu vùng sông Mekong mới đây, các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản cho biết đang tập trung sản xuất ô tô ở Thái Lan và Indonesia, họ mong Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất đó. Lý do DN Nhật muốn Việt Nam tham gia, vì Thái Lan đang thừa lao động kỹ năng (với lương cao), nhưng ít lao động thiếu kỹ năng (với lương thấp). Do đó, họ muốn Việt Nam tham gia chuỗi để sản xuất những sản phẩm không cần tới lao động kỹ năng.

Bà Lan đặt câu hỏi, tại sao cùng một người, khi làm trong DN có vốn đầu tư nước ngoài rất tuân thủ kỷ luật, nhưng khi làm cho DN Việt lập tức sinh chuyện, viện đủ lý do để nghỉ làm? Tuy vậy, theo bà Lan, không thể đổ hết lỗi lên đầu người lao động, khi lâu nay chúng ta chưa “xới” vấn đề này.

Mới đây, khi Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) lên tiếng cảnh báo NSLĐ Việt Nam quá thấp, vấn đề này mới “nóng”. Theo ILO, khi cộng đồng chung ASEAN được thiết lập (vào năm 2015), NSLĐ các nước phải tăng lên gấp đôi. “Hiện các nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan… NSLĐ đã cao gấp nhiều lần nước ta, vậy chúng ta cần phải tăng lên gấp bao nhiêu lần nữa mới đuổi kịp các nước trong khu vực? Trong hội nhập, nếu chúng ta không nhìn nhận đúng vấn đề, sẽ tụt hậu lớn và bị các nước đi sau vượt qua”, bà Lan nói.

Theo các chuyên gia, hiện Việt Nam có nhiều “điểm nghẽn” khiến NSLĐ tăng thấp, như: Việc chuyển dịch từ lao động nông thôn đang bị cản trở từ các quy định hạn chế nhập cư; DN nhà nước được ưu tiên nhiều tài sản, vốn, tài nguyên nhưng NSLĐ thấp hơn những gì được nhận; bản thân các ngành có NSLĐ cao là công nghiệp và dịch vụ cũng đang tăng trưởng chậm, công nghiệp chủ yếu gia công nên khó tăng NSLĐ; vốn đầu tư xã hội ít đổ vào sản xuất để tạo việc làm, mà đổ nhiều vào bất động sản, chứng khoán… 

Năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng Lào - 1

Số liệu năm 2012 của ILO, đơn vị: 1.000 USD.

Phải nuôi dưỡng những sáng kiến

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM, cho biết, tiền lương tối thiểu của nước ta tăng liên tục, nhưng chỉ bù trượt giá. Các DN cũng muốn tăng lương nhưng không thể tăng khi NSLĐ giữ nguyên. “NSLĐ Việt Nam hiện nay đang rất đáng báo động, lý do tới từ cả chính sách, thể chế tới động lực, bộ máy nhà nước và người lao động ”, ông Doanh nói. Theo đó, mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian qua chủ yếu dựa trên mối quan hệ. “Tất cả DN, kể cả nhà nước lẫn tư nhân đều làm giàu khá dễ dàng, chỉ cần có quan hệ, mang phong bì tới gặp ông nọ bà kia để được một miếng đất, được phá rừng, khai thác mỏ… đã có lợi nhuận lớn. Như vậy, anh cần gì phải nâng cao NSLĐ, đầu tư khoa học”, vị chuyên gia này nói.

Ông Doanh đề xuất, cần chuyển dịch tăng trưởng kinh tế từ khai thác tài nguyên sang tăng trưởng xanh, bền vững; có chính sách để khuyến khích đầu tư khoa học công nghệ. Đồng thời, cần chế tài để xử lý nghiêm những ai chỉ tập trung tàn phá môi trường, tài nguyên. Ngoài ra, xem xét lại hệ thống đào tạo, không thể để đào tạo nghiêng về hành chính nhưng thiếu kỹ năng như thời gian qua…

Bà Phạm Chi Lan nói rằng, Việt Nam cần phân bổ lại nguồn lực xã hội, chuyển các ưu đãi từ DN nhà nước sang khu vực tư nhân có NSLĐ tốt hơn; xác định rõ lợi thế cạnh tranh để đầu tư vào một số ngành nghề chính, tránh đầu tư dàn trải; dỡ bỏ những rào cản để lao động dịch chuyển giữa các ngành, lĩnh vực, giữa nông thôn và thành thị.

Viện trưởng CIEM, TS Nguyễn Đình Cung, nói rằng, muốn nâng cao NSLĐ, phải tạo ra một xã hội sáng tạo, khuyến khích sáng tạo. Ông Cung lấy dẫn chứng về phát minh ra máy bay của hai anh em người Mỹ, nếu hai người này ở Việt Nam, chắc chắn phát minh đó sẽ không được làm, không được thử, và sẽ không có máy bay để đi. “Sáng kiến, sáng tạo dù nhỏ cũng cần được xã hội nuôi dưỡng, từ đó mới có NSLĐ cao”, ông Cung nói. Theo đó, DN muốn nâng cao NSLĐ không khó, nhưng quan trọng phải để họ thấy đó là cần thiết, không phải chỉ lo chạy chọt, chia chác kiếm lời như hiện nay.

Theo ông Cung, cũng không nên áp dụng mức lương tối thiểu như hiện nay. “Quy định lương tối thiểu nên DN chỉ trả lương quanh mức đó vẫn hợp pháp. Thực tế, chính sách lương tối thiểu đang phản tác dụng, lương thấp dẫn tới NSLĐ thấp, vì chẳng ai cố gắng làm để hưởng mức lương thấp như vậy. Thay vào đó, mức lương nên để thị trường quyết định”, ông Cung nói. 

Kết quả nghiên cứu của ILO cho thấy, năm 2013, NSLĐ Việt Nam chỉ đạt 5.440 USD, bằng nửa mức NSLĐ trung bình của khu vực ASEAN, cao hơn một chút so với Lào (5.396 USD), Campuchia, Myanmar; thấp hơn 18 lần của Singapore, 6,5 lần Malaysia, 2,7 lần Thái Lan… Về tiền lương, năm 2012, lương bình quân của lao động Việt Nam là 181 USD/tháng, cao hơn Lào (119 USD), Campuchia (121 USD), Indonesia (174 USD); thấp hơn 19,5 lần so với người lao động Singapore (3.547 USD), 3,6 lần Malaysia, 1,9 lần Thái Lan, 1,1 lần Philippines.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hữu Việt (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN