Năm bết bát của ba đại gia phố Núi: ngập nợ ngàn tỷ, tài sản teo tóp
Có thể nói, năm 2018 vừa qua là một năm không mấy thuận lợi của các đại gia nổi đình nổi đám ở phố núi Gia Lai.
Quốc Cường Gia Lai: cả năm dính rắc rối pháp lý, cổ phiếu lao xuống “vực sâu”
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/12, cổ phiếu QCG của Công ty CP Quốc Cường Gia Lai tiếp tục giảm thêm 200 đồng xuống chỉ còn 4.600 đồng/cổ phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, QCG đã bốc hơi tới 67% giá trị, xuống mức giá thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2017, đánh dấu một năm tồi tệ của Quốc Cường Gia Lai trên sàn chứng khoán.
Quốc Cường ngập trong rắc rối pháp lý năm 2018
Nếu nhìn vào kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của QCG, thì diễn biến của cổ phiếu này trong năm qua cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Lợi nhuận của QCG bắt đầu lao dốc mạnh kể từ Quý II với con số vỏn vẹn hơn 4,6 tỷ đồng, danh thu đạt 86 tỷ đồng, suy giảm rất mạnh so với cùng kì 2017. Đến Quý III, lãi của QCG còn tệ hơn khi chỉ đạt hơn 1,4 tỷ đồng, doanh thu 82 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến kết quả này đều là do Quốc Cường Gia Lai chưa có doanh thu bàn giao nhà trong cả hai quý vừa qua.
Kết quả sau 9 tháng đầu năm, QCG chỉ đạt doanh thu 519 tỷ đồng (giảm 24%) và lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 58 tỷ đồng, suy giảm tới 88% so với cùng kì năm 2017. Tính đến 30/9/2018, tài sản của Quốc Cường Gia Lai đạt gần 12.400 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho chiếm tới hơn 7.300 tỷ đồng. Nợ phải trả của công ty này cũng lên tới gần 8.400 tỷ đồng, chiếm khoảng 2/3 cơ cấu nguồn vốn.
Bên cạnh đó, QCG còn dính vào hàng loạt những rắc rối về pháp lý trong giao dịch chuyển nhượng đất và xây dựng dự án. Ví dụ như vụ mua đất tại Phước Kiển (Nhà Bè) từ một công ty thuộc Văn phòng Thành ủy TPHCM là Tân Thuận. Hay trong đầu tháng 8, Đà Nẵng đã quyết định dừng cấp phép xây dựng và chuyển nhượng đất thuộc một dự án của Quốc Cường Gia Lai với lý do là công ty này vi phạm một loạt những quy định về xây dựng, hạ tầng dự án.
Vào cuối tháng 11, ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đôla) đã bất ngờ từ nhiệm mọi chức vụ tại công ty (Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc) trong lúc công ty đang gặp nhiều khó khăn. Ông Cường chính là con trai bà Nguyễn Thị Như Loan – Chủ tịch HĐQT của QCG.
Cường Đô la quyết định rời hoàn toàn Quốc Cường Gia Lai
Chưa hết, tới cuối năm QCG lại dính vào “scandal” về việc không công bố thông tin tới 14 giao dịch trị giá cả ngàn tỷ đồng trong suốt 4 năm từ 2013 đến 2017. Sau đó, chính bà Nguyễn Thị Như Loan đã phải gửi văn bản giải trình tới Sở Giao dịch chứng khoán HSX để giải thích cho cổ đông, trong đó thừa nhận những thiếu sót trong vấn đề cung cấp thông tin của hàng loạt giao dịch tại báo cáo tài chính.
Với kết quả kinh doanh bết bát, cổ phiếu rơi xuống mức giá của một ly trà đá, khối tài sản chứng khoán của nhà bà Loan đã teo tóp đáng kể sau một năm làm ăn. Cụ thể, hiện tại bà Loan đang nắm giữ 101,92 triệu cổ phiếu QCG (37,05% vốn điều lệ). Hai con của bà Loan là Nguyễn Ngọc Huyền My và Nguyễn Quốc Cường sở hữu lần lượt 39,38 triệu cp và 0,53 triệu cp QCG. Khối tài sản gia đình bà Loan đã giảm tới 67% xuống chỉ còn hơn 652 tỷ đồng.
Đức Long Gia Lai: cổ phiếu ngang mức cọng hành, rau thơm
Chốt phiên giao dịch cuối năm ngày 28/12, cổ phiếu DLG (Tập đoàn Đức Long Gia Lai) giảm kịch sàn xuống mức giá 1.520 đồng, ngưỡng thấp nhất trong lịch sử niêm yết của công ty này và cũng là một trong 10 cổ phiếu có giá rẻ mạt nhất trên sàn HSX. Giá trị vốn hóa của DLG hiện chỉ còn gần 455 tỷ đồng.
Tập đoàn Đức Long Gia Lai có trụ sở tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Sau nhiều lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ của DLG đã lên tới 2.993 tỷ đồng. Công ty đang có hơn 30 công ty thành viên, 4 công ty liên kết hoạt động ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau như nông nghiệp, năng lượng, sản xuất linh kiện điện tử, xây dựng...
Cổ phiếu của Đức Long Gia Lai thấp nhất trong lịch sử niêm yết
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 năm 2018, trong 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu hợp nhất của Đức Long Gia Lai đạt 2.113 tỷ đồng, tăng 4,6%. Tuy nhiên, lợi nhuận thu về chỉ vỏn vẹn 33,5 tỷ đồng, giảm mạnh chỉ còn một nửa so với cùng kì năm 2017. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh. Năm 2018, DLG đặt mục tiêu doanh thu đạt 3.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 140 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, DLG mới chỉ đạt 66% chỉ tiêu doanh thu và vỏn vẹn 24% chỉ tiêu lợi nhuận.
Với quy mô vốn điều lệ “khủng” gần 3000 tỷ đồng, trong nhiều năm qua, lợi nhuận công bố của Đức Long Gia Lai chỉ dao động quanh ngưỡng 60 tỷ đồng.
Tính đến 30/9/2018, quy mô tổng tài sản của DLG đạt 8.421 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ phải trả của DLG lên đến 5.044 tỷ đồng. Đáng chú ý, tổng nợ vay ngân hàng của công ty là 3.709 tỷ đồng, chiếm tới 73,5% tổng nợ. Trong đó, vay ngắn hạn chiếm 735 tỷ đồng, chủ yếu tại BIDV (241 tỷ đồng), Vietcombank (85 tỷ đồng)…Còn khoản vay dài hạn ngân hàng là 2.974 tỷ đồng, chủ yếu tại các ngân hàng như BIDV (1.574 tỷ đồng), VietinBank (906 tỷ đồng), Sacombank (151 tỷ đồng)… Trong 9 tháng đầu năm, chi phí lãi vay mà DLG phải trả ghi nhận ở mức 244 tỷ đồng, ăn mòn phần lớn khoản lợi nhuận gộp 335 tỷ đồng mà công ty này có được.
Kết quả doanh thu và lợi nhuận của DLG trong những năm gần đây
Mới đây, Dự án Trung tâm thương mại căn hộ cao cấp Dragon Court hay còn có tên là Dự án Đức Long Golden Land (Quận 7) đã được UBND TP.HCM giao công an TP.HCM chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra rõ những vi phạm mà Thanh tra TP.HCM đã phát hiện. Dự án này do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Vạn Gia Long làm chủ đầu tư. Doanh nghiệp này là thành viên của Đức Long Gia Lai Land - công ty được đầu tư bởi Tập đoàn Đức Long Gia Lai.
Trước đó, cơ quan chức năng đã nhận đơn tố cáo của một số người dân về những khuất tất của dự án. Qua rà soát, Thanh tra thành phố phát hiện nhiều sai phạm tại dự án như bán hàng chưa đủ điều kiện, liên quan đến đất công, chủ đầu tư chưa bồi thường và giải phóng mặt bằng vẫn được cấp phép quy hoạch, năng lực tài chính của chủ đầu tư, phần đất công trong dự án đã biến mất, dự án chuyển nhượng gây thiệt hại cho Nhà nước…
Hoàng Anh Gia Lai
Cái tên cuối cùng trong bộ ba đại gia “đình đám” đến từ phố Núi chính là CTCP Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức. Mặc dù tình hình tài chính và kinh doanh của HAGL đã cho thấy được sự cải thiện trong 9 tháng đầu năm 2018, nhưng giá cổ phiếu của công ty này khi kết thúc năm 2018 vẫn xuống ngưỡng thấp nhất trong lịch sử niêm yết.
Cụ thể, HAG chốt phiên giao dịch cuối cùng năm 2018 tại mức giá 4.880 đồng/cổ phiếu. Đây là vùng giá thấp nhất của HAG kể từ khi niêm yết cho đến nay. Như vậy, sau một năm vật lộn, cổ phiếu HAG đã bốc hơi 33,6% giá trị. Khối tài sản chứng khoán của bầu Đức cũng teo tóp chỉ còn 1.594 tỷ đồng.
Bầu Đức cũng chật vật trong năm 2018
Việc HAG đi xuống không chỉ đến từ đà giảm thị trường chung mà còn từ tình hình tài chính của HAGL. Hiện tại, HAG vẫn đang bị duy trì trong diện cảnh báo từ ngày 07/05/2018 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến 30/6/2018 là con số âm. Thêm vào đó, khoản lợi nhuận hơn 300 tỷ đồng có được trong quý III lại chưa thực sự đến từ sự cải thiện trong cơ cấu kinh doanh cốt lõi. Bên cạnh đó, khoản nợ vay lên tới 21.000 tỷ đồng của HAGL cũng khiến nhiều nhà đầu tư e dè khi đặt mua cổ phiếu này.
Cụ thể, tính tới cuối quý 3/2018, HAGL đang có tới 21.059 tỷ đồng nợ vay. Trong đó, nợ vay dài hạn là 15.269 tỷ đồng, giảm khoảng 5.000 tỷ đồng so với đầu năm; nhưng nợ vay ngắn hạn tăng hơn 3.000 tỷ đồng lên 5.790 tỷ đồng.
Điểm tích cực là trong lúc HAG đang bết bát trong kinh doanh và nợ nần, bầu Đức đã có được sự giúp đỡ của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Ôtô Trường Hải (Thaco). Cụ thể, vào tháng 8, Thaco chính thức ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược với HAGL đầu tư vào 2 công ty là HNG và HAGL Myamar. Doanh nghiệp của ông Dương sẽ chi 7.800 tỷ đồng để sở hữu lần lượt 35% vốn và 51% tại 2 công ty bầu Đức, chịu trách nhiệm chính đối với dự án bất động sản tại Myanmar, đẩy nhanh tiến độ xây dựng giai đoạn 2 để sớm hoàn thành theo cam kết với Chính phủ Myanmar.
Lợi nhuận kém cỏi, rắc rối pháp luật, dính sự cố thảm họa là những gì mà ba đại gia Phố núi đã phải đối mặt.