Năm 2017: Kinh tế đối mặt nhiều thách thức

Sự kiện: Kinh Doanh

Theo các chuyên gia kinh tế, để duy trì đà tăng trưởng, năm 2017 và các năm kế tiếp Việt Nam phải giải quyết hàng loạt vấn đề liên quan năng suất lao động, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân, thương mại, đồng thời tìm giải pháp cân bằng giữa phát triển và bảo vệ môi trường bền vững.

Năm 2017: Kinh tế đối mặt nhiều thách thức - 1

Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần tăng năng suất lao động thông qua đổi mới, sáng kiến (trong ảnh: công nhân đang luyện thép). Ảnh: Như Ý.

Giải bài toán năng suất lao động

Trao đổi với PV Tiền Phong, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione cho hay, 5 năm qua, kinh tế Việt Nam phát triển mạnh, lạm phát ở mức một con số trong khi GDP tăng khoảng 7% trong nhiều năm liên tiếp và chỉ giảm xuống khoảng hơn 6% trong hai năm trở lại đây. Tuy nhiên, so với các nước trên thế giới, có mấy nước đạt được mức tăng trưởng ở mức 6%.

Thách thức khác với Việt Nam trong năm 2017 cũng như các năm tới, theo Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam chính là vấn đề môi trường. Đây là điều đáng lưu ý khi phát thải khí nhà kính ở Việt Nam đã tăng rất cao. “Cần quan tâm đến những chính sách bảo vệ, quản lý môi trường cùng với đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo sạch như gió, điện mặt trời. Để làm được, cần có các chính sách phát triển kinh tế đi cùng bảo vệ môi trường bền vững”, ông Ousmane Dione nói và cho rằng, cần tiếp tục đẩy nhanh xóa nghèo, cân bằng giữa tăng trưởng và giảm khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, vốn đang có xu hướng ngày càng giãn cách hơn.

Năm 2017: Kinh tế đối mặt nhiều thách thức - 2

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione.

Theo ông Ousmane Dione, trong tương lai, Việt Nam phải đối mặt và giải quyết nhiều vấn đề trong quá trình tiến lên. Vấn đề đầu tiên chính là tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam hiện rất thấp, chỉ khoảng 4%-5%. Việt Nam nếu muốn giữ mức tăng trưởng cao thì phải cải thiện năng suất lao động. Việc này phải thực hiện song song với nhiều giải pháp thúc đẩy khối doanh nghiệp tư nhân, tạo môi trường cạnh tranh thông thoáng hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ phải tiếp tục tăng cường kỷ luật ngân sách, giải quyết vấn đề nợ công. “Trong quá trình phát triển vừa qua và cả trong các năm tới, Việt Nam sẽ phải tiếp tục cần tới các nguồn đầu tư từ bên ngoài như ODA. Quản lý, sử dụng vốn vay ODA hiệu quả sẽ giúp kinh tế đất nước phát triển. Kinh nghiệm cho thấy, vốn ODA dùng đầu tư vào cảng biển, đường giao thông, cơ sở hạ tầng sẽ mang lại hiệu quả cao cho nền kinh tế. Việt Nam sẽ phải tăng tỷ lệ đầu tư trong nước cao hơn nữa. Phải làm sao để đến năm 2035, Việt Nam trở thành nước có thể đóng góp vào cho vay ODA thay vì đi nhận đầu tư như hiện nay. Người Việt rất chăm chỉ nên không có lý do gì không đạt được các mục tiêu đề ra”, ông Ousmane Dione nói.

Mở cửa để phát triển khu vực tư nhân

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, hội nhập là xu thế của nền kinh tế thế giới. Vì vậy, hiện là thời điểm các quốc gia, cũng như Việt Nam, phải “luyện nội lực” để tham gia mạnh mẽ vào hội nhập thay vì đứng ngoài hay tìm cách tăng cường phòng thủ.

Năm 2017: Kinh tế đối mặt nhiều thách thức - 3

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Theo ông Thiên, tăng trưởng kinh tế năm 2017 ở mức bao nhiêu không phải là vấn đề thực sự quan trọng. Quan trọng là cách làm, tạo dựng cho thị trường phát triển thuận lợi nhất.  Khi đó, các con số tăng trưởng sẽ xuất hiện bền vững và không cần phải tính toán từng phần trăm tăng trưởng một như hiện nay nữa. “Năm 2017 vẫn phải tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đủ năng lực để hấp dẫn các nguồn vốn chất lượng. Khi đó, một phần trăm tăng trưởng sẽ khác với hiện tại. Khi đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ bám được với kinh tế thế giới để nhảy vọt”, ông Thiên nói.

“Chúng ta cần có chính sách để  phát triển các tập đoàn tư nhân mạnh để tạo ra trục tăng trưởng. Về lâu dài, chương trình 5 năm tới phải tạo ra được lực lượng doanh nghiệp quốc gia trên cơ sở hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng. Chúng ta phải giải được bài toán, vì sao sau thời gian dài hội nhập, doanh nghiệp Việt Nam vẫn yếu”. 

PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Điểm khó cần giải quyết trong năm 2017, theo ông Thiên, là việc tạo ra những động lực mới cho doanh nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh khối doanh nghiệp Việt hiện còn quá yếu. Năm 2017 và các năm sau, kinh tế Việt Nam sẽ buộc phải cải thiện mạnh mẽ hơn để hấp dẫn các dòng vốn chất lượng thực sự. Trước mắt, phải giải quyết câu chuyện DN Việt Nam yếu, không liên kết được, thậm chí không đủ sức tạo thành chuỗi kết nối với khu vực doanh nghiệp FDI.

Ông Ousmane Dione cũng cho hay, tại diễn đàn kinh tế tổ chức hồi tháng 12/2016, hai vấn đề lớn được đặt ra chính là làm thế nào để khối DN tư nhân phát triển và làm sao để kết nối khu vực FDI với các DN tư nhân trong nước. Đây là điểm rất quan trọng. Khi Việt Nam đạt mức phát triển cao hơn, khu vực tư nhân sẽ đóng vai trò cực kỳ quan trọng do đây là khu vực giúp tăng cạnh tranh cũng như tính năng động của nền kinh tế. “Với tôi, làm sao để kết nối các DN FDI với DN trong nước để giúp nền kinh tế phát triển hơn nữa là đặc biệt quan trọng. Một điểm yếu nữa của kinh tế Việt Nam hiện nay đó là các DN logistics Việt đang rất yếu”, ông nói.

Cần điều chỉnh chính sách xuất nhập khẩu

TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, nhiều nghiên cứu cho thấy, quan hệ kinh tế - tài chính quốc tế năm 2017 có thể chứng kiến nhiều sự điều chỉnh chiến lược, thậm chí là nguy cơ đổ vỡ và gia tăng xung đột ngay cả đối với những cam kết tưởng chừng rất chắc chắn trong các FTA song phương và đa phương. Vì vậy, năm 2017 Việt Nam sẽ chịu tác động rất mạnh của khả năng đảo chiều xu thế toàn cầu hóa trong năm 2017 và điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Theo ông Ánh, tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2017 được dự báo là tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi cầu trên thị trường thế giới còn yếu và chậm phục hồi kéo theo mặt bằng giá cả xuất nhập khẩu đều đứng ở mức thấp. Đặc biệt, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy sẽ cản trở thương mại toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại và đầu tư của nhiều nước đang phát triển, nhất là nước có độ mở của nền kinh tế lớn như nước ta. “Tuy vậy, nếu chủ động đẩy nhanh tiến độ và có hiệu quả cơ cấu lại thương mại, cả cơ cấu hàng hóa, cơ cấu nhà xuất khẩu và cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu thì cán cân thương mại năm 2017 có thể thặng dư trên cơ sở tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10% - gấp đôi so với tốc độ tăng tổng kim ngạch nhập khẩu”, ông Ánh cho hay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN