Năm 2016, lo tăng trưởng GDP khó đạt 6,3-6,5%

Trước báo cáo của Chính phủ GDP cả năm 2016 có thể đạt khoảng 6,3-6,5%, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho rằng mức tăng trưởng này sẽ rất khó đạt được.

Năm 2016, lo tăng trưởng GDP khó đạt 6,3-6,5% - 1

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho rằng kết quả ước thực hiện cả năm GDP tăng 6,3-6,5% cũng chỉ là kỳ vọng và sẽ rất khó để đạt được-Ảnh: Nguyễn Nam

Sáng nay 17-10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp cho ý kiến về báo cáo kinh tế-xã hội năm 2016 do Chính phủ trình để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2 của QH khai mạc ngày 20-10 tới đây.

Báo cáo của Chính phủ khẳng định đến thời điểm này, nền kinh tế đất nước đã vượt qua những khó khăn rất lớn trong quý I và quý II, lấy lại đà phục hồi và phát triển từ đầu quý III.

Tốc độ tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm trong nước) quý III đã đạt 6,4%, cao hơn quý I (tăng 5,48%) và quý II tăng (5,78%). Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP ước tăng 5,93%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm trước (6,63%), nhưng đã cao hơn nhiều so với tốc độ tăng 6 tháng đầu năm (5,52%).

Với các điều kiện ổn định của thị trường thế giới, với sự nỗ lực của các ngành, các cấp và doanh nghiệp, Chính phủ cho rằng tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt khoảng 6,3-6,5% (thấp hơn so với chỉ tiêu QH giao 6,7%).

Cụ thể, tính toán sơ bộ, nếu quý IV năm nay giữ mức tăng trưởng như quý III (6,4%) thì cả năm 2016, tăng trưởng chỉ đạt 6,0%. Nếu tăng trưởng tương đương quý IV năm 2015 là 7% thì cả năm 2016, mức tăng đạt 6,3%. Để tăng trưởng cả năm đạt 6,5%, thì quý IV phải tăng 7,7%. Đây đã được coi là mốc rất cao, không dễ đạt được.

Còn để đạt mục tiêu kế hoạch đề ra là 6,7%, GDP quý IV phải tăng 8,3% là rất khó đạt được.

Chính phủ nhìn nhận tốc độ tăng GDP thấp hơn kế hoạch đề ra chủ yếu do hậu quả của rét đậm, rét hại ở các tỉnh miền núi phía Bắc, hạn hán ở miền Trung, Tây Nguyên, hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL, sự cố ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung... trong 6 tháng đầu năm đã tác động đến phát triển nông nghiệp, thủy sản.

Bên cạnh đó, sự giảm sản lượng của công nghiệp khai khoáng đã làm giảm tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Cùng với việc chỉ tiêu tăng trưởng GDP khó về đích, chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu cũng sẽ không đạt kế hoạch đề ra (ước thực hiện 6-7% trong khi kế hoạch là 10%).

Thẩm tra vấn đề này, Uỷ ban Kinh tế của QH đánh giá tốc độ tăng GDP không đạt kế hoạch mà báo cáo của Chính phủ chủ yếu đề cập đến những nguyên nhân khách quan, chưa phân tích rõ về những nguyên nhân chủ quan. Nhìn rộng hơn, sự sụt giảm tăng trưởng của nông nghiệp cho thấy những bất cập của một nền nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, hiệu quả thấp và phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh lo ngại những dự báo về những yếu tố tác động để GDP quý IV tăng cao hơn là vốn đầu tư phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch, nông nghiệp tăng trưởng cao hơn, số doanh nghiệp quay lại hoạt động và thành lập mới tăng cao, thu hút vốn FDI tăng và quy luật GDP quý cuối bao giờ cũng tăng cao hơn các quý trước… thì hầu hết là chưa chắc chắn, chưa được định lượng cụ thể.

Đáng chú ý, về thu ngân sách nhà nước từ khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ đạt 57% dự toán, trong khi số thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đều tăng cao so với dự toán cùng kỳ năm 2015.

Ủy ban Kinh tế cho rằng ngoài các nguyên nhân khách quan, thì nguyên nhân chủ quan là do hạn chế trong công tác quản lý nguồn thu dẫn đến số thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt thấp. Chín tháng đầu năm mới thực hiện thu vào ngân sách được 10.000 tỉ đồng trong tổng số 30.000 tỉ đồng bán cổ phần sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp theo dự toán đã được QH quyết định.

Có ý kiến cho rằng trốn thuế, thất thu tương đối lớn, hoạt động thương mại ít có hóa đơn, chứng từ; các doanh nghiệp giao dịch liên kết ngoài kiểm soát, cơ chế tự khai nộp thuế nhưng công tác hậu kiểm thiếu chặt chẽ trong nền kinh tế sử dụng tiền mặt.

Tính đến 31-8, có hơn 74.000 tỉ đồng nợ đọng thuế trên toàn quốc, trong đó gần 15.000 tỉ đồng nợ không có khả năng thu.

Vì vậy, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh cho rằng kết quả ước thực hiện cả năm GDP tăng 6,3-6,5% cũng chỉ là kỳ vọng và sẽ rất khó để đạt được.

Về việc dự báo, điều hành chỉ tiêu lạm phát, báo cáo của Chính phủ cho hay năm 2016, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn được kiểm soát ở mức thấp. Tháng 9-2016, CPI tăng 3,14% so với tháng 12-2015, chủ yếu do tăng giá dịch vụ công (trong đó, dịch vụ y tế đóng góp 1,74 % và dịch vụ giáo dục đóng góp 0,7% vào mức tăng chung).

Diễn biến lạm phát trong quý IV năm nay sẽ chủ yếu phụ thuộc vào việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục và nhu cầu tiêu dùng tăng lên theo chu kỳ cuối năm. Dự báo mức lạm phát cả năm dưới 5% do QH đề ra.

Thẩm tra báo cáo của Chín phủ, Uỷ ban Kinh tế cho rằng CPI dự báo cả năm tăng khoảng 4,5-5%. Nhiều ý kiến đề nghị cần phấn đấu kiểm soát lạm phát dưới 4% các năm đầu kỳ kế hoạch theo Nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Từ nay đến cuối năm 2016, đề nghị tính toán thời gian, liều lượng điều chỉnh phù hợp đối với giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá xăng dầu, điều hành mức tăng trưởng tín dụng phù hợp (kế hoạch là 18%) ... để tránh gây áp lực lên chỉ số CPI.

Năm 2017 cũng khó đạt mục tiêu

Dự kiến về các chỉ tiêu kinh tế xã hội chủ yếu của năm 2017, Chính phủ đề nghị mức tăng trưởng GDP 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6-7%; tỉ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 31,5% GDP...

Thẩm tra, Uỷ ban Kinh tế của QH yêu cầu báo cáo rõ cơ sở xây dựng, tính khả thi của những chỉ tiêu đề xuất này. Cơ quan thẩm tra phân tích năm 2016, GDP ước đạt 6,3-6,5% trong khi tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước 32,5% GDP.

Năm 2017, Chính phủ dự kiến chỉ tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,7% mà tổng mức đầu tư xã hội dự kiến chỉ 31% GPD.

Từ đó, cơ quan thẩm tra cho rằng, khả năng các nguồn lực tăng trưởng khác như chất lượng lao động, khoa học công nghệ chưa thể thay đổi đột biến, khó có khả năng đạt mức tăng trưởng năm 2017 cao hơn năm 2016 với mức chênh lệch từ 0,2-0,4% như dự kiến Chính phủ đưa ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Trân (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN