Năm 2015: Năm "hao hụt hầu bao" của giới tỷ phú
Nhóm 400 tỷ phú giàu nhất hành tinh đã “nghèo” đi một chút trong năm 2015 - hãng Bloomberg cho hay.
Theo xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index, nhóm “đại gia” này đã chứng kiến tổng giá trị tài sản ròng của họ sụt giảm 19 tỷ USD trong năm nay, đánh dấu năm đầu tiên đi xuống kể từ khi xếp hạng được thực hiện vào 2012. Nguyên nhân chính dẫn tới sự mất mát tài sản này là giá hàng hóa cơ bản sụt giảm và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc khiến giới đầu tư toàn cầu hoảng loạn.
Sau khi tăng mạnh vào nửa đầu năm, thị trường chứng khoán thế giới đã chuyển sang giảm mạnh vào nửa sau của năm. Tính đến cuối phiên giao dịch ngày 28/12, chỉ số MSCI All Country World Index của thị trường chứng khoán toàn cầu giảm 3,8% so với cuối năm ngoái.
Tuy có một năm thất thoát tài sản, nhóm 400 người giàu nhất thế giới vẫn là chủ nhân của khối tài sản 3,9 nghìn tỷ USD, lớn hơn GDP của bất kỳ quốc gia nào trừ Mỹ, Trung Quốc, và Nhật Bản. Vào lúc đỉnh điểm hôm 18/5, nhóm tỷ phú này nắm tổng cộng 4,3 nghìn tỷ USD tài sản.
Năm 2015, không một tỷ phú nào mất nhiều tiền như “trùm” viễn thông người Mexico Carlos Slim. Giá cổ phiếu tập đoàn America Movil sụt 25% trong năm, do Chính phủ Mexico đẩy mạnh nỗ lực phá vỡ thế độc quyền viễn thông, khiến Slim mất gần 20 tỷ USD giá trị tài sản ròng. Là người giàu nhất thế giới gần đây nhất vào tháng 5/2013, hiện vị tỷ phú này đã tụt xuống vị trí thứ 5.
Nhà đầu tư huyền thoại người Mỹ Warren Buffett, người giàu thứ ba thế giới, cũng mất 11,3 tỷ USD khi tập đoàn Berkshire Hathaway của ông có một năm làm ăn không được tốt, đặc biệt tại các công ty con thuộc lĩnh vực vận tải và công nghiệp.
Người giàu nhất thế giới từ tháng 5/2013, nhà sáng lập hãng phần mềm Microsoft Bill Gates, mất 3 tỷ USD trong năm nay.
Tài sản của Bill Gates hiện chỉ lớn hơn 10 tỷ USD so với tài sản của người giàu thứ nhì thế giới, là tỷ phú người Tây Ban Nha Amancio Ortega, ông chủ thương hiệu Zara. Năm nay, Ortega lần lượt “soán ngôi” Slim và Buffett trên bảng xếp hạng tỷ phú nhờ khối tài sản ròng tăng 12,1 tỷ USD.
Các tỷ phú Trung Quốc là những người chứng kiến tài sản biến động mạnh nhất trong năm 2015. Vào ngày 1/1/2015, 23 tỷ phú Trung Quốc có tên trong danh sách 400 người giàu nhất thế giới nắm tổng cộng 205 tỷ USD. Hôm 27/5, số tỷ phú Trung Quốc trong danh sách này tăng lên 31, với 348 tỷ USD.
Đến ngày 28/12, còn 28 tỷ phú Trung Quốc góp mặt trong danh sách, với tổng tài sản đạt 256 tỷ USD.
Khi thị trường tăng điểm mạnh vào đầu năm, Trung Quốc thực sự là một “lò” sản sinh tỷ phú. Trong 6 tháng đầu năm, nước này có thêm hơn 50 tỷ phú mới. Nhưng đến tháng 7, bong bóng chứng khoán Trung Quốc vỡ tung. Trong số 50 tỷ phú Trung Quốc mới xuất hiện trong nửa đầu năm, đến tháng 8, chỉ còn 19 người giữ được “ngôi” tỷ phú.
Các tỷ phú Nga cũng có một năm 2015 “đen đủi”. Giá dầu giảm sâu và lệnh trừng phạt của phương Tây khiến 19 tỷ phú Nga trong danh sách 400 người giàu nhất thế giới tính đến ngày 28/12 mất 8 tỷ USD trong năm nay. Năm ngoái, các tỷ phú Nga trong danh sách này mất 14 tỷ USD.
Warren Buffett (trái) và Bill Gates (phải), hai tỷ phú cùng hao hụt tài sản trong năm 2015.
Khó như giữ “ngôi” tỷ phú
Trở thành tỷ phú đã khó, nhưng việc duy trì tài sản ở ngưỡng 10 con số còn khó hơn. Kết quả một nghiên cứu mới do ngân hàng Thụy Sỹ UBS và công ty tư vấn PwC thực hiện đã cho thấy điều này.
Theo hãng tin CNBC, nghiên cứu này đã phát hiện thấy chỉ 44% số tỷ phú thế giới vào năm 1995 còn giữ được địa vị này cho tới năm 2014. Điều này đồng nghĩa với việc 56% số tỷ phú vào năm 1995 đã mất đi một dấu chấm trong con số giá trị tài sản ròng của họ, thậm chí là hơn thế, trong vòng 20 năm.
Chắc chắn nhiều cựu tỷ phú vẫn thuộc hàng ngũ những người siêu giàu, nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ biến động lớn về tài sản của tầng lớp tỷ phú trong thế giới ngày nay. Những khối tài sản khổng lồ của họ có liên hệ mật thiết với thị trường chứng khoán, sự thay đổi công nghệ, và những thăng trầm của nền kinh tế toàn cầu.
“Dân số tỷ phú đã thay đổi nhiều hơn những gì được công nhận trong 20 năm qua. Sự thay đổi này phần nào được phản ánh qua số tỷ phú mới xuất hiện, nhưng điều mà mọi người ít để ý là sự biến động của những khối tài sản lớn”, báo cáo của UBS/PwC có đoạn viết.
Trên thực tế, phần lớn số tỷ phú của năm 2014 là tỷ phú mới, ít nhất là mới kể từ năm 1995. Vào năm 1995, thế giới có 289 tỷ phú, còn vào năm 2014, số tỷ phú của thế giới là 1.347.
Điều này cho thấy hầu hết các tỷ phú hiện nay là những người “phất lên” trong thời gian tương đối gần.
Những người giữ được vị trí tỷ phú trong 20 năm tính đến năm 2014 chứng kiến tổng giá trị tài sản ròng của họ tăng thêm hơn 1 nghìn tỷ USD, từ mức 365 tỷ USD lên mức 1,38 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, trong số 289 tỷ phú vào năm 1995, chỉ còn 126 người còn sở hữu tài sản “tỷ đô” cho tới năm 2014.
Trong số 163 người không còn là tỷ phú, có 73 người mất địa vị này do kinh doanh gặp khó khăn hoặc thất bại, 24 trường hợp do ly dị, và 66 người qua đời.
Theo nghiên cứu, địa vị tỷ phú có vẻ dễ giữ hơn đối với các nhà sáng lập công ty công nghệ. Vào năm 1995, tỷ trọng tài sản của các tỷ phú công nghệ trong tổng tài sản của giới tỷ phú toàn cầu là 10%, thì đến năm 2014, tỷ trọng này đã tăng gấp đôi lên 20%.
Các tỷ phú trong ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ cũng ăn nên làm ra. Năm 2014, các tỷ phú trong các lĩnh vực này chiếm 32% tổng tài sản của giới tỷ phú toàn cầu.
Bên cạnh đó, giới tỷ phú Mỹ cũng là nhóm chứng kiến tài sản gia tăng nhiều hơn bất kỳ tỷ phú tại quốc gia nào khác.
UBS/PwC cho rằng, chấp nhận rủi ro một cách khôn ngoạn, tập trung vào trọng tâm kinh doanh, quyết tâm cao, và năng lực quản lý tốt là một vài trong số những nhân tố quan trọng để các tỷ phú duy trì và phát triển tài sản dài lâu.
Tuy vậy, theo báo cáo, việc duy trì địa vị tỷ phú có thể sẽ càng trở nên khó khăn hơn những năm tới do xu hướng chính trị chống lại giới giàu trên toàn cầu.
“Tâm lý chống lại giới nhà giàu trong chính trị, thuế tăng, và các quy định được thắt chặt sẽ là những nguy cơ lớn nhất đối với tài sản của các tỷ phú”, báo cáo viết.
Năm 2015 là năm "vận đen" của tỷ phú Mexico.
Tỷ phú nào mất nhiều tiền nhất trong năm 2015?
Theo bảng xếp hạng tỷ phú thế giới năm 2015 do trang Forbes bình chọn và công bố hồi tháng 3/2015, tỷ phú Slim là người giàu thứ 2 trên thế giới. Tại thời điểm đó, tài sản của ông có tổng trị giá 77,1 tỷ USD.
Tuy nhiên, tính đến ngày 08/12, tài sản của ông trùm viễn thông Mexico đã giảm xuống còn 55,2 tỷ USD, giảm tới 21,9 tỷ USD - tương đương 28,4%.
Chỉ riêng từ tháng 1-8/2015, tài sản của ông Slim đã giảm 15,9 tỷ USD, tương đương 22%.
Giờ đây, tỷ phú Slim tụt xuống vị trí là người giàu thứ 5 thế giới và bị ông trùm bán lẻ Tây Ban Nha Amancio Ortega – tài sản 75 tỷ USD soán ngôi. Ông cũng đứng sau nhà đầu tư huyền thoại Mỹ Warren Buffett – tổng tài sản 62,6 tỷ USD, CEO và nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos – tổng tài sản 59,3 tỷ USD. Người đồng sáng lập công ty Microsoft Bill Gates vẫn đứng đầu danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới do trang Forbes bình chọn từ năm 2014.
Tài sản của ông Slim bị giảm mạnh là do giá cổ phiểu của công ty América Móvil – đại gia viễn thông do Slim và các con ông điều hành – bị lao dốc trong thời gian vừa qua. América Móvil – nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền và viễn thông không dây lớn nhất ở châu Mỹ La Tinh - đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự mất giá với đồng USD và những quy định khắt khe chống độc quyền nhắm tới các đại gia viễn thông ở Mexico.
Đồng Peso Mexico đã bị mất giá 20% so với đồng USD kể từ tháng 7/2015, chủ yếu do tác động của sự sụt giảm giá dầu trên toàn cầu.
Chính vì những tác động trên, công ty América Móvil của ông Slim đã bị lỗ 2,88 tỷ peso (170 triệu USD) trong quý 3/2015, đây là lần đầu tiên công ty này bị lỗ quý trong suốt 14 năm qua.
Không chỉ có vậy, hồi giữa năm 2015, Carlos Slim là một trong những tỷ phú bị ảnh hưởng nhiều nhất khi giá vàng giảm xuống mức đáy trong 6 năm. Giá cổ phiếu của công ty Minera Frisco – nơi tỷ phú Slim nắm giữ 80% cổ phần đã giảm 53%, trở thành một trong những công ty khai khoáng làm ăn thua lỗ nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, những mất mát này không hề ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của ông Slim trong năm nay. Ông vẫn mua “đáy” bán “đỉnh” trong nhiều thương vụ trên thế giới.
Hồi đầu năm, ông Slim trở thành nhà đầu tư cá nhân lớn nhất tại The New York Times sau khi tăng sở hữu của ông tại công ty truyền thông này từ 7% lên 17%.
Vài tháng sau đó, các công ty liên doanh với Slim mua 2 tòa nhà thương mại ở Mỹ, trong đó có trụ sở của công ty PepsiCo Americas Beverages ở Somers thuộc phía Bắc thành phó New York với tổng mức đầu tư 87 triệu USD; và thương vụ mua tòa nhà Marquette Building ở trung tâm Detroit với giá 5,7 triệu USD.
Tỷ phú Slim cũng sở hữu một dinh thự tư nhân ở Fifth Avenue, thuộc thị trấn nghệ thuật Beaux có lịch sử phát triển hàng trăm năm và ông đã giao bán trên thị trường với giá 80 triệu USD.