Năm 2014, lạm phát vẫn có thể gây "sốc"

Với mục tiêu là kiềm chế lạm phát trong năm 2014 ở mức 7%, theo các chuyên gia đây vẫn là nguy cơ lớn, có thể gây "sốc" cho nền kinh tế trong năm 2014.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A nói: "Năm 2014, việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý sẽ tiếp tục là nhân tố ảnh hưởng mạnh nhất đến diễn biến lạm phát. Chưa kể, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn trong năm 2014 (5,8%), nới lỏng bội chi ngân sách từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP, cùng với phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ thì mục tiêu kiểm soát lạm phát sẽ lại tạo ra áp lực lớn cho cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, lạm phát nước ta năm 2014 có thuận lợi là kinh tế vĩ mô 2013 đã được duy trì ổn định, với tổng cầu trong phạm vi kiểm soát, không gây áp lực lớn lên lạm phát và giúp ổn định kỳ vọng về lạm phát của dân chúng. Không những thế, giá hàng hóa thế giới được dự báo không có biến động lớn, thậm chí giảm trong 2 năm tới. Theo Ngân hàng Thế giới, trong năm 2014 - 2015, giá năng lượng giảm tương ứng 1% và 0,8%, giá hàng hóa phi năng lượng giảm tương ứng 0,3% và 0,9%. Tuy nhiên, "vẫn còn không ít những trở ngại tác động đến lạm phát"- ông Long nói. Theo ông Long, đó là áp lực khi điều chỉnh chính sách vĩ mô, nhất là tăng đầu tư công, dư nợ tín dụng, giá điện, than và dịch vụ công, đặc biệt là việc điều chỉnh bội chi năm 2014 lên 5,3% GDP và phát hành thêm 170 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, chuyên gia ngân hàng-TS Phan Minh Ngọc cho rằng, lạm phát năm 2014 phần lớn sẽ phụ thuộc vào động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Càng nới lỏng, càng chạy theo mục tiêu tăng trưởng, theo yêu cầu cấp vốn của Chính phủ thì áp lực lạm phát càng gia tăng.

Chuyên gia kinh tế Phạm Sĩ An – Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng: Ngay cả khi lạm phát đang ở mức thấp, các chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng vẫn sẽ đưa lại rủi ro lạm phát. "Việc đặt mục tiêu tỷ lệ lạm phát thấp nhưng hành động chính sách lại không tương ứng sẽ làm lòng tin vào chính sách suy giảm, có thể làm tăng lạm phát kỳ vọng và làm tăng chi phí cho kiềm chế lạm phát"- ông An nói.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, việc kiểm soát lạm phát là nhiệm vụ khó khăn. Bởi một mặt, chúng ta phải ổn định được kinh tế vĩ mô, nhưng mặt khác phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế ở mức khoảng 5,8%, trong khi bội chi ngân sách Quốc hội đã phê duyệt năm 2014 ở mức 5,3%. Quốc hội cũng đã phê duyệt Chương trình trái phiếu Chính phủ cao hơn trong năm 2014.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN