Mỹ - Trung leo thang thương mại, “vua tôm vua cá” Việt kiếm ngay cả trăm tỷ đồng

Nhiều đại gia vẫn kiếm hàng trăm tỷ bất chấp áp lực chốt lời từ các nhà đầu tư.

Lực bán mạnh mẽ vào cuối phiên đã khiến thị trường chứng khoán ngày 26/9 tiếp tục có phiên điều chỉnh nhẹ thứ hai liên tiếp. Kết phiên, VN-Index giảm 1,13 điểm xuống 1009,61 điểm, thanh khoản toàn thị trường vẫn duy trì ở mức khá cao. Tổng số tiền mà nhà đầu tư đổ vào thị trường trong phiên hôm nay là gần 6.600 tỷ đồng.

Chỉ số giảm điểm nhẹ chủ yếu là do hầu hết các cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn đang chịu áp lực bán mạnh. Cụ thể, hai mã có vốn hóa lớn nhất trên sàn là VIC (Vingroup) và VHM (Vinhomes) cùng giảm 500 đồng, GAS (PVGas) giảm 900 đồng, VNM (Vinamilk) giảm 400 đồng, VCB (Vietcombank) giảm 600 đồng.

Khối ngoại hôm nay mua ròng nhẹ khoảng 30 tỷ đồng trên sàn TP.HCM. Còn trên sàn Hà Nội, khối này lại bán ròng khoảng 15 tỷ đồng.

Trong khi hầu hết các cổ phiếu ngân hàng khác đều giảm giá thì TCB (Techcombank) nổi lên là ngôi sao của thị trường. Cổ phiếu này đang có diễn biến rất tích cực trong thời gian gần đây. Sau khi điều chỉnh nhẹ vào hai phiên trước, hôm nay TCB tiếp tục tăng 900 đồng lên 28.900 đồng/cổ phiếu.

Mỹ - Trung leo thang thương mại, “vua tôm vua cá” Việt kiếm ngay cả trăm tỷ đồng - 1

Đà tăng của TCB giúp gia đình ông Hồ Hùng Anh “kiếm đậm” trong thời gian gần đây

Với diễn biến này, khối tài sản trên sàn chứng khoán của gia đình ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT Techcombank đã tăng thêm gần 536 tỷ đồng trong ngày hôm nay. Hiện tại, ông Hồ Hùng Anh cùng gia đình đang sở hữu tổng cộng khoảng 595,5 triệu cổ phiếu TCB, giá trị tài sản chứng khoán đạt khoảng 17.210 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu của các đại gia đến từ phố Núi Gia Lai cũng có tình hình khá tốt trong phiên hôm nay. Bộ đôi HAG-HNG của bầu Đức giữ được mức tăng giá khá: HAG tăng 90 đồng lên 6.150 đồng/cổ phiếu, HNG tăng 200 đồng lên 16.200 đồng/cổ phiếu. QCG (Quốc Cường Gia Lai) của nhà Cường đôla cũng có được mức tăng 190 đồng lên 8.540 đồng/cổ phiếu.

Nhóm cổ phiếu ngành thủy sản tiếp tục duy trì “phong độ” rất cao khi hàng loạt mã tăng “nóng”. Cụ thể HVG (Thủy sản Hùng Vương) của ông Dương Ngọc Minh tăng kịch trần phiên thứ hai liên tiếp lên 6.010 đồng/cổ phiếu. Như vậy, chỉ trong khoảng nửa tháng, HVG đã tăng gần gấp đôi giá trị. Diễn biến này đã giúp “vua cá tra” Dương Ngọc Minh có thêm hơn 200 trăm tỷ đồng trong thời gian ngắn, nâng khối tài sản chứng khoán lên khoảng 522 tỷ đồng.

MPC của Minh Phú cũng tiếp tục tăng giá mạnh 4.500 đồng lên 51.100 đồng/cổ phiếu. Đà tăng này đã giúp vợ chồng “vua tôm” Lê Văn Quang – Chu Thị Bình kiếm hơn 300 tỷ đồng chỉ trong một ngày.

Mỹ - Trung leo thang thương mại, “vua tôm vua cá” Việt kiếm ngay cả trăm tỷ đồng - 2

Nhóm đại gia thủy sản Việt đang đón nhận những thông tin thị trường rất tích cực

Theo nhận định từ Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc cổ phiếu thủy sản tăng “phi mã” trong thời gian gần đây có nguyên nhân từ nhiều yếu tố, trong đó đầu tiên là kết quả kinh doanh ấn tượng và việc hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Cụ thể, doanh thu xuất khẩu tháng 8 của Vĩnh Hoàn đạt 41 triệu USD, mức kỷ lục mới về doanh thu tháng. So với kết quả đạt được tháng 8/2017 thì giá trị xuất khẩu của tháng 8/2018 tăng tới 85%. Còn "Vua tôm" Minh Phú cũng đạt mức xuất khẩu kỷ lục nhất từ trước đến nay với 8.354 tấn trong tháng 8, tăng hơn 35% so với cùng kỳ.

Cũng theo Chứng khoán Bảo Việt, ngành thuỷ sản của Việt Nam mà điển hình là sản phẩm cá da trơn được đánh giá sẽ hưởng lợi lớn từ xung đột thương mại Mỹ-Trung nếu như biết nắm bắt cơ hội.

Cụ thể, trong gói đánh thuế của Tổng thống Donald Trump, các sản phẩm thuỷ sản nhập khẩu từ Trung Quốc đã bị áp mức thuế là 10%. Năm 2017, cá rô phi Trung Quốc chiếm gần 45% tổng giá trị nhập khẩu cá thịt trắng của Mỹ, trong khi cá tra, basa chỉ chiếm gần 25%. Diễn biến này mở ra cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cá thịt trắng (cá tra, cá basa) sang Mỹ để giành giật thị phần sụt giảm từ cá rô phi của Trung Quốc. Về phía Trung Quốc, năm 2017 là lần đầu tiên Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất sản phẩm cá tra của Việt Nam. Bên cạnh đó, thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc đối với sản phẩm cá tra đang ngày một tăng lên..

Theo BVSC, nhìn chung nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang, xuất khẩu cá tra của Việt Nam có nhiều cơ hội để đẩy mạnh sang cả hai thị trường này. Kết hợp với đề xuất của Bộ nông nghiệp Mỹ mới đây về việc công nhận cá tra của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ, trong đó Hùng Vương được hưởng mức thuế 0% từ mức 3,87 USD/kg sẽ là những thông tin mang tính hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất cá tra.

Hoa Sen ”lao dốc”, vợ cũ đại gia Lê Phước Vũ vẫn chi cả chục tỷ để tăng sở hữu

Bà Hoàng Thị Xuân Hương và công ty của mình đã từng thoái toàn bộ vốn tại Hoa Sen vào giữa năm 2018.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Sơn ([Tên nguồn])
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN