Mỹ có nguy cơ vỡ nợ: Đe dọa kinh tế TG
Nước Mỹ - siêu cường số 1 thế giới - bị vỡ nợ sẽ ra sao? Nguy cơ này là có thật và nếu không có sự thay đổi, điều đó sẽ xảy ra vào cuối tháng 10 tới.
Ngày 18.9, Giám đốc Phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) Doug Elmendorf cho biết, Mỹ có thể bắt đầu bị vỡ nợ vào cuối tháng 10, đầu tháng 11 tới nếu Quốc hội nước này không tăng được mức trần nợ công liên bang. Và một điều chắc chắn rằng, kinh tế Mỹ lại rơi vào khủng hoảng và nền kinh tế toàn cầu sẽ lại bị một phen chao đảo.
Quả bom nổ chậm
Hiện nay, các khoản nợ quốc gia của Mỹ đang phình to, sắp vượt trần cho phép 17.400 tỷ USD, mỗi người dân Mỹ đang phải gánh chịu khoản nợ hơn 52.000USD. Riêng nợ công của Mỹ tính đến đầu tháng 4.2013 là 11.959 tỷ USD, chiếm 73% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao nhất trong lịch sử ngoại trừ thời điểm năm 1945. Theo dự báo của CBO, nếu không có biện pháp khắc phục, đến năm 2038 tổng khoản nợ quốc gia của Mỹ sẽ chiếm 100% GDP.
Tổng thống Mỹ Obama cho rằng không thể thương lượng về nợ công.
Mỹ đang phải gánh trên lưng một nền kinh tế bị mất đi hàng trăm ngàn công ăn việc làm, các ngân hàng chồng chất các khoản nợ xấu vì những khoản vay với thế chấp dưới tiêu chuẩn, hàng triệu người mất nhà cửa, và công nghiệp ô-tô đứng bên bờ vực sụp đổ.
Sự tụt dốc của nền kinh tế này bắt đầu vào ngày 15.9.2008 với việc Ngân hàng Lehman Brothers phá sản, tiếp theo là các bước cứu nguy cho các tập đoàn tài chính được xem là quá lớn không thể để cho sụp đổ. Và từ đó dẫn đến tình trạng suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ cuộc đại suy thoái kinh tế (1930). Tổng thống Obama dành phần lớn nhiệm kỳ đầu của ông để thực hiện chương trình kích thích kinh tế được Quốc hội thông qua và chương trình cứu nguy ngành công nghiệp ô tô đang bên bờ phá sản. Và kết quả, ông đã giúp nền kinh tế dần hồi phục trở lại. Hàng ngàn người đã tìm được công việc…
Những đối thủ của Tổng thống Obama thuộc Đảng Cộng hòa ở Quốc hội bác bỏ phần lớn các đề xuất của ông cho một chương trình kích thích kinh tế và cải cách thuế khóa. Các nhà lập pháp thuộc Đảng Cộng hòa dọa sẽ cắt khoản chi tiêu cho Luật Chăm sóc sức khỏe do Tổng thống Obama lập ra, và tình hình đó có thể dẫn đến việc Chính phủ bị đóng cửa, và một cuộc tranh chấp mới về mức trần nợ của Chính phủ sắp diễn ra, một điều mà ông Obama nói là “không thể thương lượng.”
Tổng thống Obama nói rằng những thứ tự ưu tiên của Đảng Cộng hòa về ngân sách sẽ làm cho nền kinh tế gặp nhiều rủi ro. Tổng thống Obama cũng cáo buộc, những người đang đối đầu với ông trong vấn đề này, đang sẵn lòng gây thiệt hại cho người dân chỉ để giành phần thắng về mặt chính trị của họ.Quyền chi tiêu của Chính phủ sẽ đáo hạn vào ngày 30.9. Và trong thời gian 2 tuần lễ trước mắt, ông Obama sẽ tiếp tục đặt trọng tâm hoạt động vào lĩnh vực kinh tế, trong lúc Quốc hội tìm cách đề ra một ngân sách mới.Dân Mỹ ngày càng nghèo?
Tình trạng gia tăng việc làm ở Mỹ rất chậm chạp trong vài tháng qua, và một số công nhân không tìm kiếm việc làm nữa. Tỷ lệ thất nghiệp đã sụt giảm xuống 7,3% là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2008, nhưng vẫn còn rất cao.
Tổng thống Obama cho biết, mức chênh lệch giàu nghèo đang gia tăng ở Mỹ: “Ngay cả trong lúc doanh nghiệp đang tạo ra công ăn việc làm và đạt được những khoản lời kỷ lục, nhóm giàu sụ chiếm 1% dân số Mỹ vẫn thu về 20% thu nhập của toàn nền kinh tế trong năm 2012. Trong khi đó, những người lao động trung bình vẫn không được tăng lương chút nào. Chính điều đó nêu rõ lên vấn đề: Phần lớn thu nhập về tay của nhóm chiếm 1% dân số kể trên”.Một báo cáo hàng năm của Cơ quan Thống kê Mỹ vừa công bố cũng cho thấy, số người nghèo của Mỹ trong năm 2012 hiện vào khoảng 46,5 triệu người, chiếm 15% dân số. Đường chuẩn nghèo của Mỹ được xác định dựa trên mức thu nhập hàng năm của một hộ gia đình 4 người. Những hộ có thu nhập dưới 23.492USD được xếp vào diện nghèo. Trong năm 2012, mức thu nhập bình quân hộ gia đình ở Mỹ là 64.053 USD, gần như giữ nguyên so với năm 2011 và giảm 8,3% so với năm 2007, thời điểm trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính - kinh tế.