Muốn cho vay, ngân hàng phải “sale off”

Chưa khi nào, thị trường xuất hiện dồn dập các chương trình cho vay ưu đãi như hiện nay. Chương trình này tung ra chưa hết thời hạn, chương trình khác lại xuất hiện. Ngân hàng nọ nối đuôi ngân hàng kia liên tiếp chào mời các gói sản phẩm…

Các chương trình cho vay ưu đãi, thực chất là một hình thức “sale off” của ngân hàng trong bối cảnh tín dụng ế ẩm.

Hàng trăm ngàn tỉ đồng tín dụng ưu đãi

Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) vừa giới thiệu “Chương trình thúc đẩy tín dụng 2.000 tỉ đồng”, áp dụng lãi suất ưu đãi 9,9%/năm cho tối đa ba tháng đầu cho một khoản vay và hoàn toàn miễn phí chuyển tiền trong nước cho khách hàng tương ứng với phần giải ngân. Mặc dù có quy định điều kiện để được tham gia chương trình, song hai nhóm đối tượng SeABank đặt ra cũng bao quát nhiều lĩnh vực, ngành hàng. Ngoài ra, ngân hàng này cũng lưu ý “không hoàn toàn giới hạn cố định ở các ngành và lĩnh vực ưu tiên kể trên, mà có thể xem xét trên từng trường hợp cụ thể” và “vẫn áp dụng bổ sung các ngành nghề khác…” Mới đây không lâu, SeABank vừa triển khai chương trình “Ưu đãi cho vay SeACar”, dành cho khách hàng vay mua ôtô. Trước đó, hồi tháng 6, cũng ngân hàng này có chương trình cho vay mua nhà một dự án tại Hà Nội lãi suất chỉ 8,8%/năm…

SeABank là một trường hợp điển hình trong việc tung ra liên tiếp các gói tín dụng ưu đãi. Có thể nói, chưa khi nào thị trường ngân hàng lại có nhiều sản phẩm “giảm giá” như hiện nay. Ước tính, với vài chục chương trình như vậy, quy mô mỗi chương trình từ vài ngàn tỉ đồng đến cả chục ngàn tỉ đồng, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã chào cho vay hàng trăm ngàn tỉ đồng có lãi suất thấp từ 1 – 1,5%/năm so với lãi suất thị trường.

Bên cạnh một số lĩnh vực như xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa… các ngân hàng dành mối quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực bất động sản, như gói tín dụng 1.000 tỉ đồng của Sacombank với lãi suất ba tháng đầu tiên chỉ 6,99%; chương trình “Tích luỹ từ lương, dựng xây tổ ấm” của ngân hàng Á Châu; cho vay các dự án ngân hàng liên kết của HDBank, Việt Á…

Muốn cho vay, ngân hàng phải “sale off” - 1

Nhiều ngân hàng đang tích cực tham gia hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, dưới sự chủ trì của ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM. Ảnh: T.L

Lãi suất khó giảm thêm

Theo tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20.8, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng mới đạt khoảng 5,4% so với tháng 12.2012 – một mức rất thấp so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây. Trong đó, tại TP.HCM, tăng trưởng tín dụng trong tháng 8 vừa qua chỉ tăng 0,2%, giảm tốc mạnh so với hai tháng 6 và 7 trước đó (mức tăng mỗi tháng tới 3%).

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần tại Hà Nội, cho biết, sau gần hai tháng triển khai một gói tín dụng ưu đãi 2.000 tỉ đồng, ngân hàng mới giải ngân được chưa đầy 200 tỉ đồng. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo ông chủ yếu vẫn ở hai nguyên nhân: nợ xấu và khả năng hấp thụ của doanh nghiệp.

Các ngân hàng thời gian qua đã tìm mọi biện pháp để xử lý nợ xấu, trong đó, quỹ dự phòng rủi ro đã được sử dụng một phần đáng kể, song mối lo nợ xấu vẫn canh cánh. Công ty Quản lý tài sản (VAMC) ra đời cũng mang thêm chút kỳ vọng và đến nay, đã có hai ngân hàng là ACB và Nam Việt đã đánh tiếng bán nợ cho VAMC. Theo ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, hiện các thủ tục pháp lý đảm bảo cho việc mua – bán vẫn chưa hoàn thiện nên các thương vụ với VAMC sẽ phải mất hàng năm trời. Do vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 12% vẫn chưa thể trông cậy vào việc bán nợ cho VAMC được.

Bên cạnh một số chương trình “sale off” như đã áp dụng, từ nay đến cuối năm, các ngân hàng khó có thể giảm thêm mặt bằng lãi suất cho vay vốn. Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, mặc dù trong năm nay, lạm phát không phải là mối lo lớn, song lãi suất khó có thể giảm thêm, nếu không tỷ giá sẽ lại tăng lên, gây tác động tiêu cực đến ổn định vĩ mô. Mặt khác, đã xuất hiện trở lại tình trạng một số ngân hàng lách quy định về trần lãi suất để chạy đua hút tiền gửi. Điều này sẽ là lực cản đáng kể cơ hội giảm hơn nữa mặt bằng lãi suất cho vay vốn, cản trở tín dụng.

Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu 2013 – 2014 do diễn đàn Kinh tế thế giới (VEF) vừa công bố, cũng đánh giá, khả năng tiếp cận vốn là một trong năm vấn đề lớn trong quá trình cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Theo VEF, mặc dù ngân hàng Nhà nước đã có nhiều đợt hạ lãi suất, song tiếp cận vốn vẫn là yếu tố lo ngại hàng đầu của nhà đầu tư, như thường lệ.

Ngân hàng Nhà nước TP.HCM đang làm cầu nối giữa các ngân hàng với các doanh nghiệp trên địa bàn quận, huyện. Theo đó, tổng vốn cam kết giải ngân qua các lễ ký kết tài trợ vốn đã lên tới hơn 5.500 tỉ đồng, lãi suất phổ biến 8%/năm, cao nhất 9%/năm. Trong đó, chỉ trong ngày 29.8, đã có 1.284 tỉ đồng được ký kết giữa các ngân hàng với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn quận Bình Thạnh, Phú Nhuận… Chương trình vẫn tiếp diễn, ngày 6.9, mười ngân hàng Sacombank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank, DongA Bank, ACB, HDBank, MHB, ABBank tổ chức ký kết hợp đồng tín dụng với tổng nguồn vốn gần 1.500 tỉ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thảo Nguyễn (Sài Gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN