Mua vàng trang sức vẫn bị thiệt
Người tiêu dùng có thể phải trả thêm tiền để mua vàng đúng tuổi, đúng chất lượng khi mọi chi phí đã “chảy” sang tiền công
Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ được kỳ vọng sẽ siết lại kỷ cương, đưa thị trường vàng trang sức vào khuôn khổ chất lượng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sau hơn 1 tuần thông tư này có hiệu lực, thị trường vàng nữ trang rơi vào trạng thái trầm lắng, giới kinh doanh tiếp tục “án binh bất động”.
Nghe ngóng
Tại các “phố vàng” ở TP HCM như chợ Bến Thành, khu vực chợ Tân Định, đường Lê Thánh Tôn, Hai Bà Trưng, Nguyễn Hữu Cầu..., không khí mua bán vàng khá trầm lắng. Tại một trung tâm thương mại trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1), người bán nhiều hơn người mua. Chủ tiệm vàng Phương Linh trong trung tâm thương mại này cho biết: “Từ ngày Thông tư 22 áp dụng, cả tuần tiệm chỉ bán được vài món nữ trang. Giờ mà cơ quan quản lý đi kiểm tra thì tiệm nào cũng bị phạt vì không biết cụ thể yêu cầu trong thông tư phải làm những gì” - chị Linh băn khoăn.
Một cửa hàng bán vàng nữ trang tại chợ Bà Chiểu, TP HCM. Ảnh : TẤN THẠNH
Một số tiệm vàng tại TP HCM đến nay vẫn chưa áp dụng quy định tại Thông tư 22 về công bố hàm lượng, tuổi vàng và giá cụ thể cho từng món hàng. Trên mỗi món nữ trang, chủ tiệm vẫn để vài thông số cơ bản về trọng lượng như trước đây. Do không hiểu rõ quy định mới, sợ bị phạt nên mấy ngày qua, một số tiệm vàng trên địa bàn TP đã tạm ngưng kinh doanh để nghe ngóng diễn biến thị trường.
Trên thị trường vàng trang sức, lâu nay có quy định bất thành văn là vàng thường bị ăn gian tuổi, giá bán không đúng với chất lượng hàng. Chẳng hạn, vàng trang sức được bán theo giá vàng 18K (75%) nhưng thực tế hàm lượng vàng từ doanh nghiệp (DN) sản xuất chỉ 68% - 70%. Thậm chí, một số cơ sở kim hoàn nhỏ lẻ, sản xuất vàng nữ trang chỉ 65% vẫn bán với giá 75% để kiếm lời.
Theo các chủ tiệm vàng, việc bán giá cao hơn tuổi vàng thật là để bù vào chi phí hoạt động, kinh doanh. Một số DN sản xuất vàng trang sức thì lý giải vàng trang sức thấp hơn tuổi công bố nhằm bù đắp các chi phí hao hụt trong quá trình phân kim, vẩy hàn, sản xuất. Kết quả, người mua phải bỏ tiền sắm món hàng không đúng tuổi vàng.
Chi phí chuyển sang tiền công
Theo Thông tư 22, các sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được phép lưu thông trên thị trường khi đã công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn. Các nội dung cơ bản phải có trên một sản phẩm gồm thông tin về sản phẩm, nhà sản xuất, yêu cầu kỹ thuật, ký hiệu để phân biệt từng loại vàng, tuổi vàng, giá…
Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn TP HCM, cho biết trong tổng số hơn 3.000 DN kinh doanh vàng, hiện vẫn còn khoảng 30% DN chưa biết những quy định trong Thông tư 22. “Hội nhiều lần kiến nghị lùi thời gian áp dụng thông tư để DN có sự chuẩn bị nhưng cơ quan quản lý không đồng ý nên các DN phải tuân thủ” - ông nói. Theo các DN, khó khăn nhất hiện nay là số lượng hàng tồn của DN cung cấp sỉ do DN bán lẻ đã không lấy hàng sản xuất cũ trước thời điểm 1-6, nay phải chấp nhận lỗ để nấu lại.
Theo giới kinh doanh vàng, người tiêu dùng sẽ được lợi là mua đúng hàm lượng và chất lượng vàng nhưng giá sẽ cao hơn trước. Tuy nhiên, lâu nay, chi phí hao hụt trong quá trình chế tác được đưa vào việc hạ tuổi vàng (vàng 7 tuổi - 70% thực chất chỉ 6,8 tuổi). “Nay nếu tính đúng, tính đủ, các chi phí sẽ chuyển sang tiền công. Món nữ trang 1 chỉ, tiền công trước đây khoảng 100.000 đồng nay có thể tăng lên 250.000-300.000 đồng. Người mua vốn quen tiền công giá rẻ, giờ tăng cao sẽ không mặn mà mua bán khiến thị trường càng ảm đạm” - ông Dưng lo ngại.
Xử lý doanh nghiệp chây ì Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết mục đích của Thông tư 22 là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước chưa đặt vấn đề thanh kiểm tra, DN có thể kiến nghị xem xét hỗ trợ về số lượng hàng tồn kho. Sau một thời gian, nếu cố tình không thực hiện, DN sẽ bị thu hồi giấy phép sản xuất kinh doanh vàng miếng. |