Mua nhà Hà Nội tránh môi giới lừa, gia chủ bịp phải làm sao?

Người mua nhà đất ở Hà Nội rất dễ sa bẫy vô số thủ đoạn làm tiền của môi giới, hoặc phát rồ với chiêu trò lòe bịp của gia chủ để bán gấp căn nhà nhiều nhược điểm với giá cao.

Hết “kênh” giá tới côn đồ

Vì bận công việc, ngại vất vả hoặc muốn nhanh được việc, một số người chủ trương mua nhà đất qua môi giới với tâm lý mất thêm dăm bảy chục triệu phí chỉ trỏ là xong! Nhưng họ không bao giờ lường nổi vô vàn chiêu trò được môi giới bày ra để làm tiền.

Lo không có kinh nghiệm mua bán, ông Ng. (chung cư 181 Nguyễn Lương Bằng - quận Đống Đa) vời vài môi giới nhà đất quen biết tới giao việc tìm nhà theo diện tích, số tầng, khu vực, tầm tiền… Chưa đầy một tháng sau, ông đã mua xong căn nhà mới gần gò Đống Đa, nên chẳng tiếc 40 triệu đồng trả công cho môi giới. Mời bạn bè tới thăm nhà mới, gia chủ đắng nghét miệng nghe người bạn thắc mắc: “Chủ nhà này rao đằng đẵng trên báo mấy tháng trời 3,9 tỷ đồng có thương lượng mà sao ông mua đắt thế?” Liên hệ với chủ cũ, ông Ng. điếng người nghe ông này huỵch toẹt: “Đúng là tôi rao bán mức đó và có thương lượng. Anh không chịu đọc báo xem mạng lại mua qua môi giới thì tự chịu thôi”. Ở được một thời gian, căn nhà thấm dột lung tung nên khổ chủ đành bán lỗ 700 triệu đồng, mua chung cư ở cho lành!

Mua nhà Hà Nội tránh môi giới lừa, gia chủ bịp phải làm sao? - 1

Quảng cáo “ô tô đỗ cửa” trên thực tế chỉ vừa được 3 chiếc xe máy để dọc

Còn anh Quách Huân Phong (ngõ 7 Vọng Đức, quận Hoàn Kiếm), mua xong căn nhà ở khu Đền Lừ 2 (quận Hoàng Mai) vui vẻ trả đủ phí cho người môi giới tên P. Vài hôm sau, một người đàn ông liên tục đòi anh Phong trả công môi giới vì “đã giới thiệu cho P. căn nhà đó”. Không được đáp ứng, ông này dẫn 4-5 đối tượng hung hãn tới vây trước căn nhà gia đình anh Phong vừa mua, chửi bới ầm ĩ. Bị công an phường đưa về trụ sở vì gây rối trật tự công cộng, người này nhắn tin cho anh Phong, đe dọa ra khỏi đồn sẽ hành hung ngay! Cuối cùng, nhờ công an răn đe và nhiều mối quan hệ xã hội khác, vụ việc mới tạm êm.

Gia đình bà T.H.L. (phố Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm), thậm chí còn thuê hẳn hai luật sư tới lập hợp đồng đặt cọc mua mảnh đất trong ngõ 165 phố Thanh Am, quận Long Biên. Môi giới ký tên làm chứng và được trả luôn 15 triệu đồng phí chỉ trỏ. Nửa giờ sau, ngay trước mặt các bên, môi giới nằng nặc chưa hề nhận được tiền công, còn 15 triệu đồng trong túi mình là… vợ đưa (!) Thấy con trai bà N. rút ra máy ghi âm, gã môi giới mới cười hề hề rồi khệnh khạng ra về.

Thất vọng vì quảng cáo “ảo tung chảo”

Bụng bảo dạ tuyệt đối không dây với môi giới, nhiều người tìm mua nhà đất vẫn phát rồ vì gia chủ quảng cáo mập mờ, dễ gây hiểu nhầm nhằm dụ bằng được khách tới xem và “hét” giá.

Điển hình, từ 22/5-12/6/2017, ấn phẩm Mua&Bán đăng liên tiếp quảng cáo “bán gấp nhà lô số 9, ngõ 106, đường Xã Đàn 2” tại phường Nam Đồng, quận Đống Đa của chủ nhà Nguyễn Minh H. Căn nhà được quảng cáo 6 tầng, diện tích 36m2, ngõ ôtô đỗ cửa. Tuy nhiên, sau khi tới xem nhà, một số người bức xúc cho biết, quảng cáo chứa đựng quá nhiều nội dung sai sự thật - thậm chí lấy một số ảnh đẹp long lanh của nhà khác “độn” vào, gây hiểu nhầm! Từ đó, biến căn nhà đang cần bán gấp, nhiều nhược điểm trở nên hấp dẫn hơn hẳn.

"Trong giao dịch bất động sản giữa các cá nhân, bên mua rất dễ gặp rủi ro nên đừng tiếc trên dưới 10 triệu đồng thuê luật sư ngay từ khi lập hợp đồng đặt cọc, chứ đừng tin hứa hẹn miệng của bên bán! Trong hợp đồng thể hiện chặt chẽ các cam kết, nghĩa vụ của mỗi bên, mức bồi thường cụ thể nếu vi phạm. Với mức tiền trả cho dịch vụ pháp lý như trên, khách hàng còn có thể yêu cầu phía luật sư tìm hiểu xem bất động sản có thể được cấp sổ đỏ không hoặc sổ đỏ có đính chính như gia chủ khẳng định không; nhà đất thuộc diện giải tỏa hay không... Khi trả tiền công cho môi giới, các bên cũng cần viết giấy biên nhận rõ ràng”.

Ông Bùi Đức Minh, cử nhân Trường ĐH Luật Hà Nội

Trong vai khách mua nhà, chúng tôi liên hệ với ông H. qua điện thoại. Thấy khách đề nghị xác nhận từng nội dung trong tin rao bán nhà xem có đúng thực tế không, gia chủ nhận ngay nhà chỉ 5 tầng rưỡi, xây năm 2014; “diện tích 36m2” (giá bán trên 120 triệu đồng/m2) cũng không hoàn toàn chính xác. Căn nhà nằm trong ngách 106 ngõ Xã Đàn 2, chứ không phải đường Xã Đàn 2 như rao bán. Chưa kể, nhược điểm rất lớn của căn nhà là không có giấy phép xây dựng và sổ đỏ chỉ thể hiện nhà mái ngói một tầng rộng 12,9m2 trên thửa đất 32,4m2. Hai số liệu “thửa đất số” và “tờ bản đồ số” cũng bỏ trống (!?)

Thấy chúng tôi băn khoăn liệu gia chủ có sang tên sổ đỏ cho bên mua thể hiện đúng hiện trạng 5 tầng rưỡi được không, ông Hải liên tục khẳng định “mất tiền cho quận là làm được”?!

Với bài học xương máu của mình, anh Nguyễn Hồng Quân (ngõ Thái Thịnh 1, quận Đống Đa) khuyên người mua bất động sản phải tìm hiểu kỹ lưỡng tính pháp lý của nhà đất chứ đừng dại nghe lời ngon ngọt của bên bán. Năm 2009, anh này mua mảnh đất vuông vắn 90m2, mặt tiền hơn 7m, ôtô 4 chỗ vào nhà dễ dàng trong một ngõ rộng ở quận Hoàng Mai. Chủ đất khoe con trai đang làm chủ tịch UBND phường sở tại nên hứa hẹn miệng vài tháng nữa sẽ bàn giao sổ đỏ mang tên bên mua, lại cho bên mua giữ lại khoản tiền nhỏ lúc nào nhận sổ đỏ mới phải trả nốt… Anh Quân nghe bùi tai, lại sơ suất chỉ mua bán bằng giấy viết tay sơ sài.

Sau bốn năm, bên bán không làm nổi “sổ đỏ”, anh Quân đành rao bán mảnh đất đẹp. Khách tới xem đều chạy hết sau khi cẩn thận tới cơ quan chức năng hỏi han rồi biết đất không thể làm sổ đỏ! Ròng rã hàng năm trời không bán nổi, cuối cùng, khổ chủ đành cắn răng để lại rẻ mạt cho chính họ hàng của chủ đất cũ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tiến Ngân (Báo Giao thông)
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN