Mua nhà giá rẻ, không cẩn thận thành đắt

Trong các giải pháp, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản đang tồn kho một lượng hàng lớn, UBND TP Hà Nội sẽ tạm dừng, không xem xét các đề xuất đầu tư xây dựng kinh doanh phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn Hà Nội, từ nay đến 31/12/2014.

Gần, xa đều có nhà giá rẻ

Thời điểm này, nhiều chung cư trên địa bàn Hà Nội bước vào cuộc chạy đua giảm giá nhằm giải phóng hàng tồn kho. Tuy nhiên, các chung cư dưới 15 triệu đồng/m2 đều cách trung tâm từ 15-25 km.

Đơn cử các dự án giảm giá, rao bán sản phẩm khắp nơi, như: The Sun Garden (Hà Đông), An Bình Tower (Từ Liêm), chung cư Tân Tây Đô (Hoài Đức)… giá chỉ từ 13 - 15 triệu đồng/m2. Dự án được nhiều người trông đợi, ở vị trí đắc địa (sát bên Bán đảo Linh Đàm), giá ước đoán 13-15 triệu đồng/m2.

Phó Tổng GĐ Cty Him Lam Thủ đô Nguyễn Chí Kiên, cho biết: “Các chủ đầu tư đều muốn hướng tới nhu cầu thực của người dân nhưng với số tiền dưới 1 tỷ đồng khách hàng chỉ có thể lựa chọn chung cư ở xa. Mặt bằng giá có giảm, nhưng chỉ ở phân khúc bình dân”.

Mua nhà giá rẻ, không cẩn thận thành đắt - 1
Hà Nội sẽ tạm dừng xây nhà thương mại. Ảnh: Nguyễn Tú.

Tạm dừng dự án nhà ở thương mại

Ngày 21/3 trong báo cáo triển khai các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản (BĐS), Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, toàn TP hiện có 5.789 căn hộ tồn đọng tại các dự án phát triển nhà ở. Các doanh nghiệp BĐS cũng đã “chôn” vào số căn hộ ế ẩm này hàng nghìn tỷ đồng.

Để xử lý, thành phố sẽ tiếp nhận xem xét đề nghị của các chủ đầu tư chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở công vụ.

“Với 15 triệu đồng/m2 đến thời điểm này chưa có căn hộ nào được vào ở ngay. Trước khi mua nhà, người dân nên cân nhắc, tìm hiểu kỹ tránh rơi vào tình trạng rẻ lại thành đắt !?”.

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng Hội xây dựng VN

Ngoài ra, để kích cầu thị trường, sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện cho vay đối với các đối tượng thu nhập thấp, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang vay để thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu/m2 với lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng.

Đồng thời, chỉ đạo cho vay với doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, chuyển đổi công năng của dự án đầu tư sang nhà ở xã hội với lãi suất và kỳ hạn trả nợ ưu đãi.

Ngân hàng Nhà nước đã dự kiến khoảng 30.000 tỷ thông qua các ngân hàng thương mại để cho vay với các đối tượng kể trên. UBND TP cam kết sẽ yêu cầu thực hiện ngay sau khi có hướng dẫn thực hiện.

Đặc biệt, để giảm bớt nguồn cung căn hộ ra thị trường, UBND TP Hà Nội cho biết, tạm dừng không xem xét các đề xuất đầu tư xây dựng kinh doanh phát triển nhà ở thương mại từ nay đến 31/12/2014 trên địa bàn Hà Nội. Cùng với đó, rà soát quy hoạch, cho phép chuyển một số nhà ở sang nhà ở xã hội và nhà ở dành cho người thu nhập thấp.

Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về mua căn hộ thương mại cho mục đích tái định cư, hiện Hà Nội đã rà soát tổng số 24 dự án để có thể đặt hàng mua làm quỹ nhà tái định cư với 3.862 căn hộ.

Trong đó, có 6 dự án đang đầu tư xây dựng với 849 căn hộ. Hà Nội cũng sẽ dành 2/3 số lượng căn hộ để phục vụ quỹ nhà ở tái định cư, 1/3 làm nhà ở cho cán bộ công chức thành phố.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Mai - Nguyễn Tú (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN