Mua hàng không lấy hóa đơn: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”
Người tiêu dùng có thói quen không lấy hóa đơn khi mua hàng vì rườm rà hoặc bất tiện nhưng lại không biết rằng hóa đơn là “cứu cánh” cho bản thân khi cần khiếu nại.
Thực tế cho thấy, người tiêu dùng có thói quen không lấy hóa đơn vì nhiều lý do như: Chỉ lấy hóa đơn trong trường hợp mua vật dụng cho cơ quan, không lấy hóa đơn khi mua cho bản thân, gia đình; hoặc những trường hợp khi đi ăn, đi đổ xăng, mua thực phẩm; phải nộp thêm 10% thuế VAT;…
Theo chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, xuất hóa đơn là nguyên tắc của tất cả những người kinh doanh. Còn với người tiêu dùng, việc nhận, đòi hỏi hóa đơn là vô cùng cần thiết khi khiếu kiện xảy ra.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, với đối tượng là người kinh doanh, bán hàng xuất hóa đơn nhằm xác thực số hàng mình bán ra để có cơ sở hạch toán doanh thu cũng như thu nhập, tính toán lãi lỗ của doanh nghiệp. Hóa đơn đối với người bán hàng còn là cơ sở để cơ quan quản lý thị trường, cơ quan thuế dựa trên chứng từ này để xem xét khoản thuế mà doanh nghiệp và cá nhân phải đóng.
Hình minh họa
Còn với khách hàng, hóa đơn giúp chứng thực món hàng cũng như giá cả hàng hóa, để nếu có tranh chấp trong việc mua bán thì có thể dựa vào đó buộc người bán bảo hành hoặc đổi sản phẩm hàng hóa khác.
Đồng thời, ông Thịnh cũng cho rằng, hóa đơn là cơ sở để người mua hàng đưa ra chứng minh khi đang vận chuyển hàng hóa trên đường mà cơ quan quản lý yêu cầu, nhất là khi có vấn đề liên quan đến luật pháp. Nếu không có hóa đơn bản thân người mua hàng sẽ phải chịu trách nhiệm còn có hóa đơn thì cả người bán hàng cũng phải chịu trách nhiệm.
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Hùng – công ty Luật Poseidon Lawfirm khẳng định, mua hàng không hóa đơn về mặt luật pháp là sai. Theo LS Hùng, bất kể giá trị nào khi bán hàng phải có hóa đơn đi kèm để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và đảm bảo cho ngân sách không bị thất thu thuế.
Luật sư Hùng phân tích, đối với người mua hàng khi mua hàng có hóa đơn hiển nhiên sẽ được đảm bảo quyền lợi. Trong trường hợp hàng hóa không đảm bảo chất lượng nếu không lấy hóa đơn rõ ràng không thể nào chứng minh được là đã mua hàng tại địa điểm đó và đã trả tiền món hàng mình mua. Căn cứ vào hóa đơn người mua hàng mới có thể yêu cầu người bán hàng đền bù thiệt hại. Do vậy khi mua bất kỳ mặt hàng nào người mua hàng nên yêu cầu cửa hàng xuất hóa đơn.
Cũng theo quan điểm của LS Hùng, không lấy hóa đơn vô tình người mua hàng tiếp tay cho việc trốn thuế của người bán hàng, không những vậy còn không đảm bảo quyền lợi cho chính mình.
Theo Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, tại Việt Nam hiện vẫn dùng tiền mặt là chủ yếu, người mua hàng đôi khi rất qua loa. Thêm vào đó, việc mua bán manh mún, nhỏ lẻ, vấn đề hậu mãi, đảm bảo hàng hóa trong và sau khi bán hàng chưa tốt… đã hình thành thói quen không lấy hóa đơn.
Tuy nhiên, ở một xã hội phát triển, từ mặt hàng nhỏ nhất người mua hàng cũng cần lấy hóa đơn để đảm bảo được bảo hành. Bên cạnh đó, họ còn được trở thành khách hàng thân thiết của cửa hàng, hệ thống cửa hàng để nhận được những ưu đãi cũng như đảm bảo các quyền lợi của mình.