Mua bán vàng miếng "nhiều chuyện kinh khủng lắm"

Sự kiện: Giá vàng

Giám đốc SJC miền Bắc cho rằng thị trường mua bán vàng miếng bên ngoài còn nhiều chuyện kinh khủng lắm...

Khách hàng chịu thiệt đủ đường

Thời gian gần đây, Báo Giao thông liên tục nhận được phản ánh của khách hàng bị bắt chẹt khi bán vàng miếng. Cụ thể, anh T.M.H (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, mới đây, do nhu cầu gấp, gia đình anh đã đem bán 85 cây vàng SJC mua từ năm 2010. Để tiện đường, anh H. đã mang số vàng trên ra đại lý DOJI tại Xã Đàn. Tại đây, ngoài việc mất phí cắt vỏ bao để kiểm tra, nếu cây vàng nào bị cong vênh, móp méo sẽ trừ tiền tùy theo mức độ “lỗi”.

“Nhân viên kiểm định cắt vỏ bao rồi mân mê, soi mói, ngắm vuốt từ 3-4 lần mỗi cây. Nếu sau khi kiểm định, thấy nhân viên bỏ sang chỗ để vàng “chuẩn rồi” thì tôi thở phào. Còn cây nào soi kỹ lưỡng một hồi rồi lắc đầu và bỏ ra một bên thì tôi nghẹt thở, tim thắt lại vì biết rằng cây đó có lỗi”, anh H. kể lại.

Sau một hồi chờ đợi, anh H. được thông báo kết quả: 7 cây vàng bị cong vênh, lõm, xước bị trừ 200.000 đồng/cây. Đặc biệt, có 2 cây vàng anh H. phải chấp nhận bán rẻ hơn giá mua vào 3 triệu đồng/cây. Được biết, thủ tục kiểm tra và trừ phí trên còn được áp dụng với cả số vàng có hóa đơn song không ghi sê-ri từng cây vàng.

“Đổi vỏ bao là do SJC đưa ra để bảo vệ quyền lợi của công ty và khách hàng song thực chất lại gây thiệt hại cho người sở hữu vàng SJC vỏ cũ khi bán.Trong trường hợp khách mang vàng vỏ cũ ra bán, sau khi thẩm định, đại lý không mua nữa thì khách đành phải cứng họng chịu”, anh H. bức xúc.

Để kiểm chứng thông tin, trong vai khách hàng có nhu cầu bán vàng miếng, PV Báo Giao thông đã tới Trung tâm Vàng bạc đá quý DOJI tại 209 Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội). Tại đây, nữ nhân viên cho biết: Nếu không có hóa đơn, khách hàng phải mang vàng trực tiếp để nhân viên kiểm tra bằng mắt thường nếu không mua được sẽ trả lại. “Nếu vỏ bao mẫu cũ sẽ phải cắt ra kiểm tra mất phí 40.000 đồng/cây. Sau khi kiểm tra nếu không mua được bên em sẽ trả lại tình trạng cây vàng đã cắt vỏ, không chịu trách nhiệm dập lại, vì chỉ là đại lý phân phối”, nữ nhân viên nói. Ngoài ra, theo lời của nhân viên, khi miếng vàng cong vênh sẽ bị trừ tiền khoảng 250.000 đồng/cây.

Mua bán vàng miếng "nhiều chuyện kinh khủng lắm" - 1

Người dân bán vàng miếng bị thiệt đủ đường với những chiêu “bắt chẹt” của các đại lý phân phối vàng - Ảnh: Nguyễn Tuyền

Mua bán vàng miếng: “Nhiều chuyện kinh khủng”

Trước thông tin khách hàng bán vàng miếng bị các đại lý phân phối “bắt chẹt”, trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Lê Thúy Hằng, Giám đốc Chi nhánh SJC miền Bắc (Hà Nội) bày tỏ sự bức xúc: “Thị trường mua bán vàng miếng bên ngoài còn nhiều chuyện kinh khủng lắm. Người ta tìm đủ mọi cách để lấy được tiền của khách. Các cửa hàng chỉ kinh doanh vàng SJC, tự cân đối lưu thông trên thị trường chứ họ có chính thức mua từ SJC đâu?”.

Bà Hằng cho biết, hiện ngoài thị trường, nhiều cửa hàng mua bán vàng lấy giá dập vỏ mới từ 40-50.000 đồng/ cây, trong khi tại đại lý trực thuộc SJC chỉ thu phí 30.000 đồng/cây. Đáng nói, với những cây vàng bị cong vênh, SJC chỉ tính phí 140.000 đồng/cây thì ngoài thị trường có nơi trừ 500-700 nghìn đồng/cây, cá biệt còn có nơi trừ của khách 1,5 triệu đồng/cây.

Theo nữ Giám đốc Chi nhánh SJC miền Bắc, việc ép khách hàng phải cắt vỏ bao khi còn nguyên, để tính phí là điều vô lý. “Khi mua bán vàng miếng, SJC không bao giờ ép khách hàng cắt vỏ vàng, qua các khâu kiểm định, nếu nhìn miếng vàng thấy ổn là mua lại theo giá niêm yết. Ngay cả khi miếng vàng bị rách bao, chúng tôi cũng mua lại nguyên giá chứ không lấy phí của khách”, bà Hằng cho biết.

Về việc khách hàng chịu thiệt với những miếng vàng bị cong vênh, móp méo, bà Hằng cũng bày tỏ chia sẻ: “Vàng bị cong vênh nhiều khi không phải lỗi của khách hàng. Nhiều khi mua bán vàng miếng không để ý nên khách cũng phải chịu thiệt.Tuy cong vênh nhưng chất lượng vẫn còn nguyên. Bản thân mình có vàng đi bán mà bị trừ tiền cũng tức lắm chứ. Nếu không giải quyết sớm vấn đề này sẽ gây bức xúc trong dư luận. Lãnh đạo SJC cũng đã chuyển bất cập trên tới Ngân hàng Nhà nước, mong rằng thời gian tới sẽ có biện pháp xử lý”, bà Hằng cho biết.

Tuy nhiên, không chỉ thị trường mua bán vàng miếng bên ngoài kinh khủng như lời bà Hằng nói. Ngay tại trụ sở Chi nhánh SJC, qua loạt clip của nhóm phóng viên Truyền hinh Giao thông trong vai khách hàng đi bán vàng miếng SJC gần đây cho thấy các nhân viên thẳng thắn việc gợi ý tính thêm phí nếu muốn được nhận tiền ngay, hoặc nếu bán nhiều phải chờ 1 tuần mới được trả tiền. 

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, Nhà nước cần xem lại cách thức quản lý thị trường vàng. Theo đó, trước đây, Ngân hàng Nhà nước ký hợp đồng với SJC, giao cho họ quyền sản xuất vàng miếng và lấy SJC là thương hiệu vàng quốc gia. Quyết định này phục vụ việc thống nhất và kiểm soát thị trường vàng, giảm tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế. Song, điều này gây bất lợi cho thị trường bởi tự nhiên lại có một doanh nghiệp giành được sự độc quyền.

“Trong kinh tế thị trường, sự độc quyền là không hợp lý”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh và cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần xem lại chính sách độc quyền trên và nên phân bổ quyền đó cho nhiều hơn một doanh nghiệp có uy tín. “Bởi chính vì được độc quyền nên SJC mới tuyên bố vì chưa được gia hạn nên không chấp nhận vàng cũ dẫn đến người dân phải chạy tới các công ty khác bán, đổi với tỷ lệ phí cao. Chính vì đây là hậu quả của sự độc quyền nên người dân phải chịu”, ông Hiếu nói. Theo ông Hiếu, “đáng lý, SJC phải có kế hoạch về việc xin gia hạn cũng như thông báo rộng rãi chứ không phải vì chưa có gia hạn mà không mua nữa. Đó là trách nhiệm của SJC”, ông Hiếu kết luận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Ngân - Cao Sơn (Giao thông vận tải)
Giá vàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN