Mua bán tiền ảo: Coi chừng phạm tội!

Các website mua bán, trao đổi tiền ảo hiện nay chưa được pháp luật cho phép.

Công an tỉnh Khánh Hòa vừa khởi tố hai bị can về tội “kinh doanh trái phép” do “hành vi khai thác, mua bán các loại tiền ảo” (thường gọi là tiền bitcoin và một số loại tiền ảo khác). Sự việc này làm dư luận đặt ra câu hỏi lớn xung quanh vấn đề pháp lý của việc đầu tư thương mại đồng bitcoin.

Không được kinh doanh thương mại điện tử bitcoin

Gần đây nhất, Công ty TNHH Bitcoin Việt Nam (quận 4, TP.HCM) công bố website giao dịch về bitcoin tại www.bitcoinvietnam.com.vnVừa lúc có hai thông tin khuyến cáo từ Ngân hàng Nhà nước và Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) đề cập đến bitcoin nhưng mang tính khuyến cáo về giao dịch tiềm ẩn nhiều rủi ro chứ không nói rõ là cấm.

Việc kinh doanh các đồng tiền ảo gắn liền với cách kinh doanh bằng TMĐT. Tuy nhiên, cách kinh doanh đồng tiền ảo bằng phương thức TMĐT hiện không đáp ứng đầy đủ yêu cầu pháp lý. Công ty Bitcoin Việt Nam khẳng định trên website www.bitcoinvietnam.com.vn cho rằng “chúng tôi là sàn giao dịch bitcoin đầu tiên tại Việt Nam được đăng ký kinh doanh đầy đủ”. Tuy nhiên, một cán bộ quản lý về TMĐT cho biết: “Đăng ký kinh doanh đầy đủ” không có nghĩa là được thành lập sàn giao dịch TMĐT. Đăng ký kinh doanh là đăng ký để thành lập doanh nghiệp, còn việc hoạt động như thế nào, bằng phương tiện gì thì lại là chuyện khác.

Mua bán tiền ảo: Coi chừng phạm tội! - 1

Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp trong nước. Ảnh: INTERNET

Theo Nghị định 52/2013 và Thông tư 12/2013/TT-BCT hướng dẫn về TMĐT thì các website TMĐT phải thông báo hoặc đăng ký với Cục TMĐT và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) và phải được Cục chấp nhận việc thông báo/đăng ký. Nếu không thực hiện sẽ bị xem là vi phạm. Trường hợp Công ty TNHH Bitcoin Việt Nam đúng là đăng ký thành lập doanh nghiệp hợp pháp, tuy nhiên website www.bitcoinvietnam.com.vn lẽ ra phải làm thủ tục đăng ký nhưng công ty này lại tiến hành thủ tục thông báo là không phù hợp nên đã bị Cục TMĐT từ chối.

Dính líu tiền ảo coi chừng phá sản

Cuối tháng 3-2014, website của Cục TMĐT đưa thông báo không chấp nhận việc thông báo/đăng ký các website mua bán bitcoin. Như vậy các website liên quan đến giao dịch bitcoin hiện nay đều không thể hoàn tất các thủ tục pháp lý theo yêu cầu và có thể bị xử phạt.

Theo Nghị định 185/2013 về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, các sàn giao dịch tiền ảo này có thể bị xử phạt 20-30 triệu đồng vì chưa được Cục TMĐT xác nhận đăng ký. Ngoài việc công ty chủ sàn bị phạt tiền thì sàn giao dịch còn bị đình chỉ hoạt động. Lúc đó người tham gia có thể sẽ gánh chịu các hậu quả liên quan như mất tiền thực lẫn tiền ảo trong tài khoản.

Chính vì hậu quả nhìn thấy trước này mà Cục TMĐT và Công nghệ thông tin khuyến cáo thêm “Do việc sở hữu và sử dụng bitcoin như một loại tài sản tiềm ẩn nhiều rủi ro và không được pháp luật bảo vệ, Cục cũng khuyến cáo người tiêu dùng thận trọng khi tham gia mua bán bitcoin hay sử dụng bitcoin để thanh toán cho các giao dịch TMĐT”.

Huy động vốn ảo là trái luật

Gần đây, chị Nguyễn Thị Phương Vy (quận 11, TP.HCM) được rủ rê tham gia vào mạng lưới kinh doanh có sử dụng đồng ảo U Coin. Người rủ rê giới thiệu chị cần nạp tối thiểu 500 USD thì mới được tham gia hệ thống, tạo tài khoản. Nếu nộp bằng đồng Việt Nam thì phải nộp 12 triệu đồng (giá quy đổi nộp vào là 24.000 đồng/USD). Tài khoản của chị sẽ được ghi nhận có 400 USD để mua đồng ảo U, tỉ lệ quy đổi USD - đồng U biến động từng ngày. Vào tháng 4-2014 thì 1 đồng ảo U bằng khoảng 0,25 USD. Người hướng dẫn thuyết phục chị chờ đồng U này tăng giá trị mới bán đồng U ra thì chị sẽ có lời.

Tuy nhiên, mỗi khi bán ra đồng U, tài khoản của chị sẽ bị tính phí giao dịch 10%. Nếu chị muốn rút tiền ra khỏi tài khoản thì chị được quy đổi USD ra đồng Việt Nam để nhận với giá 20.000 đồng/USD. Nếu chị giới thiệu được người tham gia khác nộp 500 USD vào hệ thống thì chị sẽ được hưởng 22 USD có thể rút tiền mặt 440.000 đồng (20.000 đồng/USD). Nếu không rút tiền ra, người tham gia vẫn có thể dùng đồng ảo này mua hàng trên website. Chị Vy ngần ngại không tham gia, bởi lẽ Nghị định 52/2013 có cấm hành vi “Lợi dụng danh nghĩa hoạt động kinh doanh TMĐT để huy động vốn trái phép từ các thương nhân, tổ chức, cá nhân khác”. Hơn nữa, chị cũng e ngại về hoạt động úp úp mở mở của website này vì phải nộp tiền tham gia thì mới được cấp tài khoản làm thành viên, mới xem được nội dung website.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Như (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN