Mong manh kinh tế thế giới 2014

Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đang trên đà phục hồi, châu Á có những điểm sáng, nhưng tăng trưởng kinh tế còn yếu, gánh nặng nợ công lớn.

Báo Pháp Le Monde tỏ ra khá bi quan trong bài “2014 - một năm đầy rủi ro cho kinh tế thế giới”.

Le Monde nhận xét, kinh tế thế giới đã được vực dậy trong giai đoạn từ 2013 chuyển sang 2014, nhưng không đồng đều. Giới chuyên gia đánh giá, kinh tế Mỹ, Anh hồi phục thật sự. Dù tất cả nền kinh tế lớn trong khu vực đồng euro đều lấy lại nhịp độ tăng trưởng, nhưng có vẻ ì ạch và mong manh. Nhiều nước thành viên EU dù thoát khỏi suy thoái, nhưng tăng trưởng vẫn còn yếu và nợ tiếp tục tăng cao một cách đáng lo ngại.

Kinh tế Nhật Bản đã thoát khỏi tình trạng giảm phát kéo dài suốt 15 năm qua nhờ chính sách kinh tế Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe. Chỉ số Nikkei đã tăng trên 50% trong năm 2013, quy mô tổng sản phẩm quốc nội đã trở lại mức trước khủng hoảng, sản xuất công nghiệp phục hồi dù chậm, kinh tế khởi sắc.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại đà tăng trưởng của Nhật Bản có dấu hiệu chựng lại, tiền lương thực tế giảm và đáng lo hơn khi Nhật Bản tăng thuế VAT thêm 3% kể từ ngày 1/4 tới có thể kéo kinh tế đi xuống. Nhật Bản suy thoái sẽ kéo nhiều nền kinh tế châu Á đi xuống.

Mong manh kinh tế thế giới 2014 - 1

Các chuyên gia lo ngại đà tăng trưởng của Nhật Bản có dấu hiệu chựng lại.

Theo Le Monde, thách thức chủ yếu với các quốc gia đang trỗi dậy như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ là buộc phải tìm ra mô hình phát triển mới. Indonesia đối mặt rủi ro vì thiếu dự trữ ngoại tệ, còn Ấn Độ đang gặp khó vì tăng trưởng yếu, lạm phát cao. Điều đáng ngại với các quốc gia này là nợ công tăng ở mức nguy hiểm. Nợ công địa phương của Trung Quốc đã lên đến mức 1/3 GDP.

Le Monde nêu bật khó khăn của Trung Quốc trong việc từ bỏ mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư, vốn đặt nền tảng trên nợ công không kiểm soát được của các địa phương.

Theo cơ quan kiểm toán Trung Quốc, số nợ của các địa phương đã tăng 67% trong 3 năm qua. Cộng thêm với nợ của chính quyền trung ương, nợ công của Trung Quốc chiếm khoảng 56,2% GDP nền kinh tế thứ hai thế giới. Nợ các địa phương là vấn đề nan giải của kinh tế Trung Quốc.

Chính quyền địa phương ồ ạt vay tiền để đầu tư vào hạ tầng cơ sở, trụ sở chính quyền, bất động sản…, cho phép Trung Quốc duy trì tăng trưởng, giữ được việc làm. Đây thực sự là quả bom nổ chậm khi nhiều địa phương không có khả năng trả nợ. Thực trạng nợ nần chồng chất trong cả hai khu vực công và tư khiến giới quan sát đặt nhiều câu hỏi về tính vững chắc của hệ thống kinh tế nước này.

Theo tờ Les Echos (Pháp), nền kinh tế các nước châu Á đang trỗi dậy đối mặt nhiều thách thức và tăng trưởng chậm lại. Các chuyên gia ngân hàng Anh RBS, tập đoàn tài chính Nhật Bản Nomura và công ty tư vấn Pháp TAC nhận định, Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các nước láng giềng, vốn phụ thuộc nhiều vào việc xuất khẩu khoáng sản và nguyên liệu sang Trung Quốc.

Đối mặt nhiều khó khăn, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia không còn là những “siêu đầu tàu” của khu vực. Theo báo Pháp, Hàn Quốc tiếp tục là ngôi sao sáng năm 2014, tiếp theo là Philippines với khoảng 11% lực lượng lao động ở ngoài nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thục Ninh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN